Doanh nghiệp

Đầu tư vào tiền ảo, mất tiền thật: Chiêu trò không mới sao nhiều người vẫn “sập bẫy”?

Linh Nhi 26/09/2023 - 15:56

Đầu tư sàn giao dịch chứng khoán trái phép, tiền ảo được cảnh báo có nhiều rủi ro nhưng nhiều người vẫn bị cuốn vào cơn lốc làm giàu nhanh chóng.

Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN) vừa công bố khuyến nghị đối với nhà đầu tư (NĐT) khi tham gia giao dịch tiền mã hóa trên các ứng dụng, sàn giao dịch chứng khoán chưa được UBCKNN cấp phép. Một số đơn vị bị điểm danh gồm có: Gate.io, GoldFinger Finance, Vietdiamondstocks, bawallet9.com, Londonex.com, ZenoMarkets.com, CHMarkets.com, JASS.com, DEXDN.com, LPL.com, TradeTime.com…

Thông qua mạng xã hội, các tổ chức, cá nhân này kêu gọi NĐT mở tài khoản, gửi tiền vào các ví điện tử, đầu tư vào các loại tiền mã hóa (Pi, USDT, BUSD…) trên các sàn giao dịch chứng khoán không phải do Sở Giao dịch Chứng khoán Việt Nam (VNX) và công ty con tổ chức, vận hành. Đáng chú ý là phải sau một thời gian không rút được tiền hoặc tài khoản đầu tư bị thua lỗ nghiêm trọng thì nhà đầu tư mới phát hiện có hành vi lừa đảo.

Đây không phải là lần đầu tiên UBCKNN lên tiếng về vấn nạn cung cấp dịch vụ "chui" về đầu tư chứng khoán.

Cơ quan này đã nhiều lần đưa ra khuyến cáo NĐT về hoạt động cung cấp dịch vụ về chứng khoán trên không gian mạng khi chưa được cấp phép nhưng vẫn còn một số DN tiếp tục có dấu hiệu hoạt động quản lý danh mục đầu tư chứng khoán (app Infina, Savenow, BUFF…), hoạt động môi giới chứng khoán, cho vay ký quỹ chứng khoán (website www.greenstock.vn, app Greenstock).

Đầu tư vào tiền ảo, mất tiền thật: Chiêu trò không mới sao nhiều người vẫn “sập bẫy”?
Trang web của Greenstock.vn

Trong các ứng dụng bị UBCKNN cảnh báo, Greenstock quảng cáo hỗ trợ NĐT giao dịch cả chứng khoán cơ sở và phái sinh. Ứng dụng cung cấp dịch vụ mua bán cổ phiếu trên 3 sàn HoSE, HNX, UPCoM, với các gói sản phẩm có đòn bẩy lên tới 2:8 - cao nhất thị trường và tỷ lệ cọc phái sinh chỉ 10%. Trong khi đó, tỷ lệ ký quỹ phái sinh trên thị trường thường là 21,875% giá trị hợp đồng.

Theo quảng cáo của Savenow, tiền đầu tư vào ứng dụng sẽ chuyển đến các công ty quản lý quỹ có mặt trong hệ thống SaveNow theo tỷ lệ cụ thể. Các quỹ này thực hiện quản lý và đầu tư vào các thị trường cổ phiếu, trái phiếu… Đầu tư SaveNow còn được tích hợp trên ứng dụng Viettel Money. Đơn vị chủ quản Công ty TNHH Công nghệ và dịch vụ viễn thông Việt Tín…

Đầu tư vào tiền ảo, mất tiền thật: Chiêu trò không mới sao nhiều người vẫn “sập bẫy”?
Đầu tư SaveNow còn được tích hợp trên ứng dụng Viettel Money.

BUFF là ứng dụng của Công ty CP Buff Fintech, cung cấp các sản phẩm tài chính, lãi suất theo quảng cáo hấp dẫn hơn so với kênh tiết kiệm truyền thống. Còn Infina được quảng cáo là mô hình đầu tư và tích lũy, của công ty RealStake (Singapore), có chi nhánh tại Việt Nam, cung cấp các sản phẩm đầu tư vào chứng khoán, chứng chỉ quỹ, chứng chỉ tiền gửi đầu tư chung bất động sản, theo hình thức mua một phần sở hữu trực tiếp từ Infina hoặc từ các sàn giao dịch.

Đáng chú ý, tiền thân của Infina là mô hình bất động sản mua chung RealStake đã từng được báo chí phản ánh vào năm 2020 khi có dấu hiệu “mập mờ” về việc bảo lãnh của các ngân hàng.

Bình cũ, rượu cũ sao vẫn nhiều người sập bẫy?

Theo chuyên gia kinh tế, TS Nguyễn Trí Hiếu, có nhiều nguyên nhân khiến các sàn giao dịch tiền ảo dù được cảnh bảo tỷ lệ rủi ro cao vẫn phát triển mạnh mẽ, thu hút người chơi. Trong đó hai lý do chủ yếu là lòng tham và tâm lý được mất của nhà đầu tư. Thực tế, ham muốn kiếm lợi nhuận nhanh chóng là một yếu tố quan trọng đẩy mạnh sự phát triển của các sàn giao dịch tiền ảo. Người chơi thường bị lôi cuốn bởi cơ hội kiếm tiền nhanh và dễ dàng thông qua giao dịch tiền ảo.

Thứ nữa, một số nhà đầu tư thị trường tiền ảo mang tâm lý của người đánh bạc. Những người này cho rằng rằng họ có thể may mắn và kiếm được nhiều hơn số vốn ban đầu. Tuy nhiên, điều này có thể dẫn đến quyết định đầu tư dựa trên cảm xúc thay vì dựa trên nghiên cứu, phân tích cơ bản nên rủi ro cao.

Xây dựng hành lang pháp lý về tiền ảo, tài sản ảo, ngăn ngừa rủi ro rửa tiền. Ảnh minh họa

TS Nguyễn Hữu Huân, Trưởng bộ môn Tài chính (Trường ĐH Kinh tế TP.HCM), cho rằng thủ đoạn lừa đảo đầu tư tiền ảo luôn được nhiều cá nhân thay đổi khá tinh vi và chuyển dần về các tỉnh thành xa những đô thị lớn. Hiện những kẻ lừa đảo chủ yếu nhắm đến đối tượng người lớn tuổi hay nhiều người ở vùng miền xa TP lớn, ít có kiến thức về đầu tư tài chính.

Những kiểu dụ dỗ đầu tư tiền ảo về cơ bản vẫn là sử dụng chiêu trò cam kết trả lãi cao, thực hiện theo mô hình Ponzi - kim tự tháp, lôi kéo người tham gia trước giới thiệu thêm người sau để được hưởng hoa hồng. Hiện tượng này khá nguy hiểm cho xã hội vì diễn ra trên diện rộng, khiến số người bị lừa đảo khá nhiều chỉ trong một thời gian ngắn. Ngay khi cơ quan quản lý phát hiện thì đã có rất nhiều người dân bị sập bẫy và cũng khó để lấy lại được tiền.

Hoạt động đầu tư tiền ảo là trò lừa đảo tinh vi, thường núp bóng dưới hình thức ủy thác đầu tư, hợp tác đầu tư, đồng thời lại diễn ra trên mạng nên rất khó để thu thập đủ chứng cứ trong việc xử lý hình sự hoặc phải cần thời gian dài. Trước hết người dân phải cảnh giác trước các lời chào mời kêu gọi đầu tư lãi suất quá cao, nhất là đầu tư vào các đồng tiền ảo là không được phép tại VN", TS Nguyễn Hữu Huân chia sẻ

Cơ quan chức năng khuyến cáo, người dân tuyệt đối không tham gia đầu tư vào các trang web đầu tư tài chính khi chưa tìm hiểu kỹ về phía người chủ quản hoặc công ty chủ quản quản trị trang. Không tham gia vào các trang kêu gọi đầu tư tiền ảo, các sàn giao dịch tiền ảo, bởi toàn bộ các trang và các hoạt động đầu tư này không được Nhà nước Việt Nam thừa nhận, cấp phép.

Binance ngừng dịch vụ thanh toán tiền ảo

Theo Kiến thức Đầu tư
https://dautu.kinhtechungkhoan.vn/dau-tu-vao-tien-ao-mat-tien-that-chieu-tro-khong-moi-sao-nhieu-nguoi-van-sap-bay-202557.html
Đừng bỏ lỡ
Nổi bật Người quan sát
Đầu tư vào tiền ảo, mất tiền thật: Chiêu trò không mới sao nhiều người vẫn “sập bẫy”?
POWERED BY ONECMS & INTECH