“Đế chế ngành vận tải” Ấn Độ quyết tâm soán ngôi trung tâm logistics toàn cầu của Trung Quốc
Liệu Ấn Độ có thể thành trung tâm thương mại quốc tế trước thị phần rộng lớn của Trung Quốc trong lĩnh vực dịch vụ logistics hay không?
Adani Ports & Special Economic Zone (Adani Ports), công ty khai thác hậu cần có giá trị vốn hóa lớn nhất thế giới, đang triển khai kế hoạch mở rộng quy mô toàn cầu. Mục tiêu của họ là biến Ấn Độ thành trung tâm thương mại quốc tế, tập trung vào tiếp quản các cảng biển và trung tâm vận tải lớn ở Trung Đông, Châu Phi và Đông Nam Á.
Động thái này thể hiện nỗ lực nhằm cạnh tranh với ảnh hưởng ngày càng tăng của Trung Quốc trong lĩnh vực quản lý cơ sở hạ tầng thương mại khu vực Ấn Độ Dương. Tuy nhiên, đây là một thách thức không nhỏ khi lưu lượng container hiện tại của Ấn Độ chỉ chiếm chưa đến 10% so với quốc gia tỷ dân.
Trong một cuộc phỏng vấn độc quyền, ông Karan Adani, Tổng giám đốc 37 tuổi của công ty và là con trai cả của tỷ phú Gautam Adani (người thực sự đứng đầu đế chế Adani và giàu thứ 3 thế giới), chia sẻ: "Chúng tôi đang nỗ lực biến Ấn Độ thành trung tâm của toàn bộ chuỗi cung ứng từ Đông sang Tây. Chúng tôi sẽ đảm nhiệm mọi vị trí cần thiết để đạt được mục tiêu này".
Chiến lược mở rộng này diễn ra trong bối cảnh Adani Group đang nhanh chóng khôi phục các kế hoạch tăng trưởng sau những biến động từ báo cáo bán khống gay gắt hồi tháng 1 năm ngoái. Công ty đang tích cực tìm kiếm cơ hội đầu tư tại nhiều khu vực chiến lược, bao gồm Trung Đông, Đông Nam Á, Đông Phi và Nam Á, nơi có nhiều giao dịch thương mại với Ấn Độ.
Đáng chú ý, Adani Ports đã nhận được "sự chấp thuận về nguyên tắc" từ Chính phủ Việt Nam cho một dự án phát triển mới tại Đà Nẵng, với giá trị ước tính hơn 2 tỷ USD. Dự án này sẽ bổ sung vào danh mục đầu tư quốc tế ngày càng mở rộng của công ty, bên cạnh các cảng tại Haifa (Israel), Colombo (Sri Lanka) và Dar es Salaam (Tanzania). Đáng chú ý, dự án Colombo đã nhận được tài trợ từ Tập đoàn Tài chính Phát triển Quốc tế của Hoa Kỳ.
Tham vọng của Adani Ports trong lĩnh vực hậu cần cảng biển phù hợp với mục tiêu của Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi nhằm biến quốc gia này thành "công xưởng của thế giới". Để khắc phục những hạn chế về kết nối vận chuyển, vốn là rào cản truyền thống đối với sự hội nhập của Ấn Độ vào chuỗi giá trị toàn cầu, công ty đang phát triển nhà ga trung chuyển mới tại Vizhinjam, miền nam Ấn Độ.
Vị trí chiến lược này nằm gần các tuyến vận chuyển quốc tế chiếm 30% lưu lượng hàng hóa toàn cầu và sở hữu kênh tự nhiên sâu 24 mét, cho phép tiếp nhận những tàu container lớn nhất thế giới.
Ngoài lĩnh vực cảng biển, Karan Adani cũng đang giám sát hoạt động kinh doanh xi măng của tập đoàn, một mảng kinh doanh đã có bước đột phá lớn vào năm 2022 thông qua việc mua lại Ambuja Cements Ltd. và ACC Ltd. Ông tiết lộ kế hoạch mở rộng công suất sản xuất xi măng lên 140 triệu tấn/năm vào năm 2028, đồng thời đặt mục tiêu trở thành nhà sản xuất xi măng giá rẻ nhất Ấn Độ.
"Chúng tôi muốn trở thành nhà sản xuất xi măng giá rẻ nhất cả nước," Karan Adani nhấn mạnh, "và đang tận dụng mọi đòn bẩy — từ chi phí hậu cần, than đến nhiên liệu — để đạt được mục tiêu đó".
Là một trong bốn người con được tỷ phú Gautam Adani - người giàu thứ hai châu Á - đào tạo để tiếp quản đế chế logistics trị giá 201 tỷ USD, Karan Adani đang thể hiện vai trò quan trọng trong việc định hình tương lai của Adani Group, đồng thời góp phần vào tham vọng biến Ấn Độ thành một cường quốc thương mại và sản xuất toàn cầu.
Theo BNN
>> Dòng vốn nước ngoài 'cuồn cuộn' đổ vào quốc gia châu Á, chuyên gia cảnh báo rủi ro
Siêu cường 'đụng độ': Mỹ dự kiến cấm sử dụng phần mềm Trung Quốc trong xe ô tô tự hành
Tỷ phú Ấn Độ muốn tham gia xây dựng 'siêu dự án' sân bay Long Thành, 10 tỷ USD sắp đổ vào Việt Nam