Doanh nghiệp

Đế chế sụp đổ: Loạt công ty liên quan đến Trịnh Văn Quyết lao dốc không phanh

Quang Dương 27/07/2024 - 21:36

Các công ty này đều báo lỗ ròng trong quý II và 6 tháng đầu năm 2024.

Theo báo cáo tài chính mới công bố, Công ty Cổ phần Chứng khoán BOS (Mã chứng khoán: ART) đã phải tiếp tục đối mặt với những khó khăn trong quý II/2024. Cụ thể, doanh thu của công ty chỉ đạt gần 294,2 triệu đồng, giảm mạnh so với mức hơn 1,2 tỷ đồng của cùng kỳ.

Hoạt động tư vấn tài chính vẫn là nguồn thu chính của BOS trong quý, tuy nhiên, kết quả đạt được không đủ để cải thiện tình hình kinh doanh chung của công ty.

Sau khi trừ đi toàn bộ chi phí, Chứng khoán BOS đã ghi nhận khoản lỗ lên tới gần 6,2 tỷ đồng trong quý II/2024. Con số này cho thấy tình hình kinh doanh của công ty đang ngày càng xấu đi, với mức lỗ tăng mạnh hơn so với cùng kỳ năm ngoái (khoảng 3,7 tỷ đồng).

Công ty Chứng khoán BOS đã trải qua nửa đầu năm 2024 đầy khó khăn. Doanh thu chỉ đạt gần 500 triệu đồng, và ghi nhận khoản lỗ ròng lên tới gần 12,7 tỷ đồng, tăng đáng kể so với mức lỗ 7,4 tỷ đồng cùng kỳ. Tình hình kinh doanh đi xuống liên tục đã đẩy lỗ lũy kế của BOS lên đến 851,7 tỷ đồng, cho thấy những thách thức lớn mà công ty đang phải đối mặt.

Đế chế sụp đổ: Loạt công ty liên quan đến Trịnh Văn Quyết lao dốc không phanh
Ảnh minh hoạ

Tại ngày 30/6/2024, tổng tài sản của công ty chỉ còn 144,2 tỷ đồng, giảm hơn 10% so với đầu năm. Ngoài ra, công ty phải trích lập hơn 560 tỷ đồng dự phòng suy giảm giá trị các khoản phải thu với Ngân hàng TMCP Hàng hải Việt Nam (467,1 tỷ đồng), CTCP Vật tư Thiết bị và Xây dựng Đô Thành Hà Nội (20 tỷ đồng)…

Chưa hết, BOS cũng phải trích hơn 114,4 tỷ đồng dự phòng cho hoạt động margin.

Về cơ cấu nguồn vốn, tổng nợ phải trả của công ty đã giảm mạnh 43,5% so với đầu kỳ, chỉ còn lại gần 4,4 tỷ đồng. Trong đó, phần lớn nợ phải trả tập trung vào các khoản như: phải trả hoạt động giao dịch chứng khoán (1,09 tỷ đồng), phải trả người lao động (938 triệu đồng)…

Một thành viên khác thuộc nhóm FLC là Công ty Cổ phần Đầu tư Khai khoáng & Quản lý tài sản FLC (Mã chứng khoán: GAB) cũng đối mặt với khó khăn trong quý II/2024. Cụ thể, công ty đã ghi nhận khoản lỗ ròng hơn 1,8 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ thu được lợi nhuận 183,1 triệu đồng. Tính chung cả 6 tháng đầu năm nay, GAB đã lỗ 3,3 tỷ đồng, tăng so với mức lỗ 2,3 tỷ đồng cùng kỳ.

Chứng khoán BOS và GAB là các pháp nhân thuộc cùng nhóm Tập đoàn FLC. Theo cáo trạng truy tố ông Trịnh Văn Quyết và 49 đồng phạm, nhóm của ông này đã thực hiện hành vi thao túng thị trường chứng khoán một cách tinh vi.

Cụ thể, nhóm đã tập trung mua bán với khối lượng lớn các mã cổ phiếu AMD, HAI, GAB, FLC và ART, đặc biệt là vào thời điểm mở cửa và đóng cửa phiên giao dịch. Nhóm này đặt lệnh mua bán rồi hủy nhằm tạo cung cầu giả.

Ở diễn biến mới nhất, vào chiều 26/7, phiên tòa xét xử sơ thẩm bị cáo Trịnh Văn Quyết, cựu Chủ tịch Tập đoàn FLC và 49 bị cáo trong vụ án xảy ra tại Tập đoàn FLC chuyển sang phần luận tội. Đại diện VKSND TP. Hà Nội đã công bố bản luận tội và đề nghị mức án đối với 50 bị cáo này.

Theo đó, VKS đề nghị HĐXX tuyên phạt bị cáo Trịnh Văn Quyết từ 19-20 năm tù về tội "Lừa đảo chiếm đoạt tài sản", từ 5-6 năm tù về tội "Thao túng thị trường chứng khoán". Tổng hợp hình phạt chung đề nghị đối với bị cáo Quyết là từ 24-26 năm tù.

>>Bị hại xin cho Trịnh Văn Quyết về tiếp tục sản xuất kinh doanh, để cổ phiếu ‘nhóm’ FLC được giao dịch lại

"Đất nước ta chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế như ngày nay"

Tín dụng bất động sản lần đầu vượt mốc 3 triệu tỷ đồng, chiếm hơn 20% dư nợ toàn nền kinh tế

Theo Kiến thức Đầu tư
https://dautu.kinhtechungkhoan.vn/de-che-sup-do-loat-cong-ty-lien-quan-den-trinh-van-quyet-lao-doc-khong-phanh-243410.html
Đừng bỏ lỡ
    Đặc sắc
    Nổi bật Người quan sát
    Đế chế sụp đổ: Loạt công ty liên quan đến Trịnh Văn Quyết lao dốc không phanh
    POWERED BY ONECMS & INTECH