Năm 2022 chứng kiến thị trường bảo hiểm nhân thọ Việt Nam có xu hướng hạ nhiệt. Đáng nói, đây vẫn là sân khấu của những ông lớn ngoại quốc.
Cải thiện cơ sở dữ liệu
Hiện có 77 doanh nghiệp bảo hiểm đang hoạt động trên thị trường, bao gồm: 31 công ty bảo hiểm phi nhân thọ, 19 công ty bảo hiểm nhân thọ, 2 công ty tái bảo hiểm, 24 công ty môi giới bảo hiểm và 1 chi nhánh công ty bảo hiểm phi nhân thọ nước ngoài.
Doanh thu thị trường bảo hiểm phi nhân thọ ước đạt 27.564 tỷ đồng, tăng 13,1 % so với cùng kỳ, bồi thường 7.658 tỷ đồng, tỷ lệ bồi thường 27,8% (chưa bao gồm dự phòng bồi thường).
Giới phân tích nhận định rằng, thị trường bảo hiểm Việt Nam còn nhiều dư địa để phát triển, nhờ sự hỗ trợ từ kinh tế vĩ mô ổn định. Từ năm 2000 – 2019, GDP tăng trưởng trung bình khoảng 6,5%/năm, nhưng sau đó rơi xuống còn 2,91% vào năm 2020 và 2,58% vào năm 2021 do tác động của đại dịch Covid-19.
Bộ Tài chính nhận định, dân số Việt Nam đang trong độ tuổi vàng. Đó là cơ hội phát triển rất nhiều sản phẩm bảo hiểm nhân thọ. Triển vọng là vậy, song cũng lưu ý nhiều thách thức mà Việt Nam phải đối mặt nếu muốn phát triển thị trường bảo hiểm.
Bộ cũng đặc biệt nhấn mạnh kênh phân phối đại lý bảo hiểm còn thiếu chuyên nghiệp, thị trường bảo hiểm vẫn còn hiện tượng cạnh tranh không lành mạnh, thiếu hợp tác, hỗ trợ lẫn nhau trong chia sẻ thông tin phòng, chống gian lận bảo hiểm, làm giảm năng lực cạnh tranh của toàn thị trường.
Ngay tại cơ quan quản lý (Cục Quản lý, giám sát bảo hiểm) cũng chưa có hệ thống dữ liệu chung toàn ngành. Tất cả mới chỉ nằm ở dạng đề án.
Tại các doanh nghiệp bảo hiểm, hệ thống công nghệ thông tin đều đã được xây dựng nhằm phục vụ cho hoạt động của doanh nghiệp nhưng trên bình diện chung toàn thị trường, mỗi doanh nghiệp bảo hiểm đang sử dụng một hệ thống công nghệ thông tin khác nhau, không có sự liên thông dữ liệu chung, tình trạng phân tán dữ liệu, gây khó khăn cho công tác quản lý, chia sẻ dữ liệu, chia sẻ thông tin… trong toàn ngành dẫn đến tình trạng trục lợi bảo hiểm đã xảy ra.
"Sân khấu" của nước ngoài
Báo cáo “Thị trường tài chính Việt Nam 2021 và triển vọng 2022” của Viện Đào tạo BIDV nhận định thị trường tái bảo hiểm của Việt Nam còn tương đối sơ khai. Tới cuối năm 2021, mới chỉ có hai doanh nghiệp tái bảo hiểm trong nước là Tổng CTCP Tái bảo hiểm quốc gia Việt Nam (Vinare) và Tổng CTCP Tái bảo hiểm PVI (PVI Re), với tổng lợi nhuận sau thuế đạt hơn 490 tỷ đồng năm 2021 (theo báo cáo tài chính của hai doanh nghiệp).
Theo nhóm nghiên cứu, việc thị trường tái bảo hiểm còn nhỏ cũng ảnh hưởng tới khả năng phát triển của thị trường bảo hiểm Việt Nam nói chung bởi các doanh nghiệp tái bảo hiểm có vai trò quan trọng trong phân tán rủi ro, góp phần ổn định tài chính cho công ty bảo hiểm gốc, đặc biệt là trong những trường hợp xảy ra các sự cố thảm họa hay tích lũy rủi ro.
Bà Hoàng Tú Anh, Trưởng ban Kinh doanh của PVI Re, cho biết năm 2020, thị phần của hai nhà tái bảo hiểm VINARE và PVI Re đã tăng lên nhưng chưa đến 20% (VINARE 10% và PVI Re 7%).
Thứ nhất, cả PVI Re và VINARE đều tập trung vào mảng bảo hiểm thương mại vốn chỉ chiếm khoảng 40% doanh thu thị trường bảo hiểm gốc, trong khi 60% còn lại là các sản phẩm bán lẻ (nghiệp vụ con người, xe cơ giới, sức khỏe), vốn thuộc mức giữ lại của doanh nghiệp bảo hiểm gốc và nếu có thu xếp tái bảo hiểm thì cũng chỉ dành cho một số thị trường quốc tế. Dù vậy, lợi nhuận từ nghiệp vụ này thường mỏng, thậm chí thua lỗ do có tỷ lệ tổn thất cao, chi phí khai thác lớn.
Thứ hai, do thị trường tái bảo hiểm Việt Nam chỉ có hai doanh nghiệp nội, lại không có lợi thế về vốn nên việc thu xếp tái bảo hiểm phụ thuộc nhiều vào các nhà tái bảo hiểm nước ngoài, đặc biệt trong các rủi ro có trách nhiệm bảo hiểm lớn, vượt quá khả năng giữ lại của các doanh nghiệp bảo hiểm/tái bảo hiểm trong nước, nhất là các nghiệp vụ đặc thù như: hàng không, dầu khí. Ngoài ra, các công ty tái bảo hiểm trong nước cũng chưa đáp ứng được các yêu cầu cao về xếp hạng tín nhiệm (rating) của khách hàng bảo hiểm gốc…
Cũng theo bà Tú Anh, thị trường Việt Nam vẫn đang thu xếp tái bảo hiểm theo các phương pháp truyền thống, chủ yếu là tái bảo hiểm tỷ lệ. Các hình thức hợp đồng chịu rủi ro chung (Pool), tái bảo hiểm tài chính hoặc chuyển giao rủi ro thay thế (ART) không phổ biến và chưa xuất hiện nhiều tại thị trường Việt Nam.
Trước tình hình đó, các doanh nghiệp tái bảo hiểm trong nước cần nâng cao vị thế, năng lực của mình qua việc đẩy mạnh tăng vốn, nâng mức xếp hạng tín nhiệm, cơ cấu tổ chức quản lý theo chuẩn quốc tế, xây dựng chương trình quản trị rủi ro doanh nghiệp chặt chẽ, đa dạng hóa danh mục rủi ro…
Đưa kênh bán bảo hiểm qua ngân hàng trở về đúng nghĩa, tránh gượng ép
Tại buổi cập nhật thông tin về thị trường bảo hiểm nhân thọ Việt Nam ngày 7/6, ông Ngô Trung Dũng - phó tổng thư ký Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam (IAV) - cho biết nhiều năm qua thị trường đã có bước tăng trưởng vượt bậc, nhưng gần đây đã giảm nhiệt.
Cụ thể, 10 năm trước doanh thu phí bảo hiểm nhân thọ toàn thị trường chỉ quanh mốc 18.400 tỉ đồng, song đến năm 2021 đã vươn lên 160.000 tỉ đồng - tăng gần 9 lần.
Tuy nhiên, bước qua bốn tháng đầu năm 2022, toàn thị trường khai thác mới được khoảng 926.000 hợp đồng bảo hiểm nhân thọ, giảm khoảng 23% so với cùng kỳ năm trước. Doanh thu phí bảo hiểm khai thác mới trong bốn tháng đầu năm đạt khoảng 15.000 tỉ đồng, giảm khoảng 8% so với cùng kỳ năm trước (số liệu mới nhất).
Manulife, Bảo Việt, AIA, Prudential và Dai-ichi là năm doanh nghiệp đứng đầu ngành bảo hiểm nhân thọ, so kè về số hợp đồng bảo hiểm lẫn doanh thu phí khai thác mới.
Ông Dũng nhận định sau bước tăng trưởng dài (25-30%/năm), thị trường bảo hiểm nhân thọ Việt Nam trong năm 2022 dự kiến giảm mức tăng trưởng hằng năm xuống còn khoảng 17%. Vì ở thị trường lân cận như Đài Loan, Nhật Bản, Hàn Quốc... mức tăng 3-5% được xem là hài lòng, nên trường hợp con số tăng trưởng hằng năm 10% trong thời gian tới tại nước ta "vẫn hấp dẫn".
Ông Dũng cũng đề cập thời gian qua kênh bán bảo hiểm nhân thọ qua ngân hàng (bancassurance) đang trở thành kênh quan trọng không chỉ ở thị trường Việt Nam mà ở nhiều nước trên thế giới, mang đến hiệu quả cao.
Tuy nhiên vẫn còn tồn tại tình trạng đội ngũ tư vấn bảo hiểm ở các ngân hàng đã tư vấn không đúng nhu cầu của khách hàng. Chẳng hạn trường hợp khách có nhu cầu vay vốn, tức đang thiếu tiền, nhưng lại tư vấn tham gia bảo hiểm đầu tư. Những bất cập khiến khách hàng miễn cưỡng mua, mua một thời gian rồi hủy.
Do đó, bên cạnh việc cơ quan quản lý ra chỉ đạo chấn chỉnh, bản thân doanh nghiệp bảo hiểm cũng cần kiểm soát tốt để kênh bán bảo hiểm qua ngân hàng trở lại đúng nghĩa, không gây ra phản cảm, mang đến lợi ích thiết thực.
Một trong những giải pháp đang triển khai để kiểm soát chất lượng tư vấn là khi khách hàng có nhu cầu mua bảo hiểm thông qua kênh ngân hàng, công ty bảo hiểm sẽ gọi xác nhận để biết khách hàng đã thực sự hiểu sản phẩm sắp mua chưa, chứ không vội cấp hợp đồng ngay.
Bên cạnh đó, để phát triển ngành bảo hiểm, theo ông Dũng, ngoài việc chi trả cọc tiền lớn cho khách hàng gặp rủi ro tai nạn, tử vong hoặc hoàn tiền khi hoàn tất thời hạn hợp đồng (thường khi khách đã lớn tuổi), doanh nghiệp bảo hiểm cũng cần đưa ra các sản phẩm mới để khách có thể tiêu được tiền bảo hiểm nhiều hơn, như cung cấp quyền lợi chăm sóc sức khỏe tại nhà, hộ lý, chăm sóc tại viện dưỡng lão…
Mặc dù thị trường bảo hiểm gặp thách thức trong thời gian tới, nhưng doanh nghiệp bảo hiểm cũng có thể trở thành "cánh diều ngược gió". Trong khi nhu cầu bảo hiểm nhân thọ chưa được đáp ứng của Việt Nam lên tới 1.770 tỉ USD (2021).