Đề xuất 4 giải pháp thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công

10-05-2022 11:10|Thuỳ Dung

Căn cứ tình hình thực tiễn, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã đề xuất với Chính phủ 4 giải pháp thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công trong thời gian tới.

Báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư chỉ ra rằng, vốn ngân sách Nhà nước (NSNN) năm 2022 thanh toán các dự án đầu tư công đến hết tháng 4 đạt gần 95.800 tỷ đồng, tương đương 18,48% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao, xấp xỉ cùng kỳ năm 2021 (đạt 18,65%). Trong đó, vốn trong nước và nước ngoài lần lượt đạt 19,57% và 3,25% kế hoạch.

Có 7 bộ và 8 địa phương có tỷ lệ giải ngân đạt trên 25%. Một số bộ, địa phương có tỷ lệ giải ngân đạt cao gồm: Ngân hàng Chính sách xã hội (91,12%), Ngân hàng Phát triển (59,64%), Bình Thuận (33,9%), Phú Thọ (33,4%).

Có 43/51 bộ và 28/63 địa phương có tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công đạt dưới 17%; trong đó 17 bộ, cơ quan Trung ương chưa giải ngân.
So với tổng kế hoạch và chỉ tiêu được giao, kết quả giải ngân nêu trên vẫn còn chậm.

Tính đến nay, tổng số vốn các bộ, cơ quan Trung ương và địa phương đã có quyết định giao chi tiết cho các dự án đủ thủ tục đầu tư, đủ điều kiện giải ngân trong năm 2022 là hơn 479.527 tỷ đồng, đạt 92,6% so với số vốn Thủ tướng Chính phủ đã giao kế hoạch; số vốn chưa phân bổ chi tiết cho các nhiệm vụ, dự án là hơn 38.578 tỷ đồng, bằng 7,4% kế hoạch.

Căn cứ tình hình thực tiễn nêu trên, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đề xuất 4 giải pháp thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công trong thời gian tới như sau:

Thứ nhất, đối với số vốn ngân sách Trung ương còn lại chưa phân bổ của 12 bộ, cơ quan Trung ương và 6 địa phương, kiến nghị Chính phủ giao Bộ có văn bản yêu cầu các cơ quan trên cam kết lộ trình giao kế hoạch cụ thể, rà soát, điều chỉnh ngay cho các dự án chuyển tiếp đủ điều kiện giao vốn; khẩn trương hoàn thiện thủ tục đầu tư để giao ngay được kế hoạch năm 2022.

Trường hợp không thực hiện được, có văn bản gửi Bộ đề nghị điều chỉnh cho các bộ, cơ quan Trung ương và địa phương khác có nhu cầu. Bộ tổng hợp, báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định thu hồi, điều chuyển cho bộ, cơ quan Trung ương và địa phương khác có nhu cầu trước ngày 30/6 của năm kế hoạch theo đúng quy định.

Đối với vốn ngân sách địa phương, theo quy định của Luật Ngân sách Nhà nước 2015, không thể điều chỉnh vốn ngân sách địa phương này cho các địa phương khác, Bộ Kế hoạch và Đầu tư trình Chính phủ giao Văn phòng Chính phủ dự thảo công điện của Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các địa phương này khẩn trương phân bổ vốn ngân sách địa phương năm 2022 cho các chương trình, dự án trọng tâm, trọng điểm, hiệu quả, góp phần thúc đẩy phục hồi nhanh và phát triển bền vững kinh tế - xã hội của các địa phương. Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố chịu trách nhiệm trước Thủ tướng Chính phủ về việc chậm phân bổ kế hoạch vốn.

Thứ hai, người đứng đầu bộ, cơ quan Trung ương và địa phương phải xác định việc giải ngân vốn đầu tư công là một trong những nhiệm vụ chính trị trọng tâm của năm 2022, chủ động tháo gỡ khó khăn, vướng mắc liên quan đến đất đai, tài nguyên…

Thứ ba, thành lập các đoàn công tác kiểm tra, đôn đốc các dự án trọng điểm triển khai trong năm 2022 để kịp thời tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công của các dự án để sớm hoàn thành, tạo động lực mới nhằm phát triển bền vững.

Thứ tư, đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, ứng dụng công nghệ thông tin trong việc xử lý thủ tục về đầu tư như kiểm soát chi NSNN, hồ sơ thẩm định dự án, đơn rút vốn nhà tài trợ nước ngoài.

Lộ lý do Quảng Nam muốn kéo dài thời gian giải ngân vốn đầu tư công 1.000 dự án dùng ngân sách địa phương

Kho bạc Nhà nước tăng cường giải pháp đẩy nhanh giải ngân vốn đầu tư công

Thủ tướng chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ phân bổ và giải ngân vốn đầu tư công

Bài thuộc chủ đề Tài chính
Theo Kinh Tế Chứng Khoán
https://dautu.kinhtechungkhoan.vn/de-xuat-4-giai-phap-thuc-day-giai-ngan-von-dau-tu-cong-125957.html
Bài liên quan
Đừng bỏ lỡ
Nổi bật Người quan sát
Đề xuất 4 giải pháp thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công
POWERED BY ONECMS & INTECH