Mới đây, Chính phủ đã đề xuất 7 nhóm chính sách đặc thù cho TP HCM nhằm đưa đầu tàu kinh tế cả nước thành trung tâm kinh tế tài chính khu vực vào 2045.
Năm 2017, Quốc hội ban hành Nghị quyết 54 với nhiều cơ chế đặc thù cho TP HCM nhằm tạo động lực mới để đầu tàu kinh tế này bứt phá. Tuy nhiên, kết quả thực hiện sau 5 năm chưa như mong đợi do nhiều vướng mắc. Cuối năm 2022, Bộ Chính trị thống nhất tiếp tục cho TP HCM thí điểm chính sách đặc thù.
Tại tờ trình Uỷ ban Thường vụ Quốc hội ngày 28/3, Chính phủ đề nghị bổ sung Nghị quyết thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP HCM của Quốc hội (thay thế Nghị quyết 54) vào chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm nay. Nếu được đồng ý bổ sung, Nghị quyết sẽ được Quốc hội thảo luận, thông qua tại kỳ họp tháng 5 tới theo thủ tục rút gọn.
Dự thảo nghị quyết lần này đưa ra 7 nhóm chính sách đặc thù cho TP HCM, gồm chính sách về quản lý đầu tư; tài chính, ngân sách; quản lý đô thị và tài nguyên môi trường; thu hút nhà đầu tư chiến lược; quản lý khoa học, đổi mới sáng tạo; tổ chức bộ máy của TP HCM và TP Thủ Đức (thuộc TP HCM).
Các chính sách này, theo Chính phủ, nhằm đưa TP HCM trở thành thành phố thông minh, dịch vụ công nghiệp hiện đại, đầu tàu về kinh tế số, xã hội số, cũng như là trung tâm tài chính, thương mại, có vị thế nổi trội trong khu vực Đông Nam Á.
Cơ chế thí điểm đặc thù tới đây cũng sẽ xây dựng TP HCM thành hạt nhân của vùng Đông Nam bộ, cực tăng trưởng của cả nước; nơi thu hút các định chế tài chính và tập đoàn kinh tế quốc tế. Đến năm 2045, TP HCM phát triển ngang tầm các đô thị lớn trên thế giới, trở thành trung tâm kinh tế, tài chính, dịch vụ của châu Á, người dân có chất lượng cuộc sống cao.
Theo dự thảo đưa ra lấy ý kiến hồi đầu năm, TP HCM đề xuất đánh thuế cao, tăng thuế với người sở hữu nhà, đất thứ hai tại thành phố, nhưng không nhận được sự đồng tình từ các bộ, ngành. Do đó, chính sách này chưa được đưa vào dự thảo nghị quyết thay thế Nghị quyết 54.
Giai đoạn 2016 - 2019, thời điểm áp dụng Nghị quyết 54, bình quân mỗi năm tăng trưởng GRDP đạt 7,72%, cao hơn so với mức 7,22% của 5 năm trước đó. Tuy nhiên, do tác động dịch bệnh, thành phố tăng trưởng chậm lại ở mức 1,39% năm 2020 và -6,78% năm 2021. Năm 2022 ghi nhận sự phục hồi, với mức tăng trưởng bình quân nửa đầu năm đạt 3,82%.
Tuy vậy, Chính phủ nhìn nhận, hầu hết chính sách đặc thù về quản lý tài chính nhằm tăng nguồn thu như cổ phần hoá doanh nghiệp nhà nước, nguồn thu từ đấu giá tài sản công chưa được TP HCM tận dụng.
Do đó tại kỳ họp cuối năm 2022, Quốc hội đồng ý cho TP HCM thí điểm tiếp cơ chế đặc thù theo Nghị quyết 54 đến hết năm 2023. Sau đó thành phố sẽ xây dựng một nghị quyết mới với các cơ chế vượt trội hơn, đề xuất cấp có thẩm quyền thông qua, để đáp ứng nhu cầu phát triển tương lai.
Căn bệnh khiến nhiều người ở thành phố lớn mất khứu giác, đau đầu
Metro Bến Thành - Suối Tiên rầm rập chạy thử, thiếu nữ hào hứng check-in