Vĩ mô

Đề xuất bỏ vân tay trên bề mặt thẻ căn cước để bảo đảm tính bảo mật

Thu Hằng 28/08/2023 - 13:39

Dự thảo luật Căn cước công dân (sửa đổi) bỏ vân tay trên bề mặt thẻ căn cước (được lưu trữ trong bộ phận lưu trữ) để bảo đảm tính bảo mật trong quá trình sử dụng thẻ; bỏ thông tin “quê quán”...

Sáng 28/8, tại hội nghị Đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách lần thứ 4 cho ý kiến về một số vấn đề lớn còn ý kiến khác nhau về dự án Luật Căn cước công dân (sửa đổi), nhiều đại biểu quan tâm thảo luận liên quan đến tên gọi và các thông tin thay đổi trên thẻ căn cước.

Không phát sinh thủ tục, chi phí

Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý một số nội dung lớn, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội Lê Tấn Tới cho hay, tên gọi của dự thảo luật hiện có 2 loại ý kiến khác nhau.

Loại ý kiến thứ nhất. đồng ý đổi tên luật thành Luật Căn cước và cho rằng, việc sử dụng tên gọi này phù hợp với phạm vi điều chỉnh, đối tượng áp dụng; thể hiện đúng bản chất của công tác quản lý căn cước; không tác động đến vấn đề quốc tịch cũng như địa vị pháp lý của công dân; không tác động đến các luật khác.

Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội Lê Tấn Tới

Tuy nhiên, phương án này có hạn chế là tác động đến tâm lý một bộ phận người dân, lo ngại sẽ phải thay đổi thẻ căn cước công dân, thay đổi các thủ tục hành chính sử dụng thẻ, không bảo đảm sự ổn định của chính sách; tác động đến đại đa số công dân Việt Nam hiện đang được cấp và sử dụng thẻ căn cước công dân.

Loại ý kiến thứ hai, đề nghị giữ tên luật như hiện nay bởi tên gọi đã sử dụng ổn định. Tên gọi Luật Căn cước công dân gắn với tên gọi thẻ căn cước công dân thể hiện địa vị pháp lý là công dân Việt Nam với đầy đủ quyền và nghĩa vụ của công dân Việt Nam.

Phương án này có hạn chế là thể hiện không đầy đủ chính sách sửa đổi, bổ sung tại dự thảo luật, chưa phù hợp, bao quát đầy đủ phạm vi điều chỉnh, đối tượng áp dụng.

Thường trực Ủy ban Quốc phòng An ninh nhất trí với loại ý kiến thứ nhất. Tuy nhiên đây là nội dung còn ý kiến khác nhau nên Thường trực Ủy ban này đề nghị các đại biểu tiếp tục cho ý kiến.

Tương ứng với đổi tên gọi của dự thảo luật, Thường trực Ủy ban Quốc phòng An ninh tán thành đổi tên thẻ thành “thẻ căn cước” như dự thảo Chính phủ trình. Việc đổi thẻ không phát sinh thủ tục, không phát sinh chi ngân sách nhà nước, chi phí của xã hội.

Góp ý nội dung này, đại biểu Phạm Văn Hòa cho rằng, dự thảo luật đã quy định, những người đã được cấp thẻ căn cước công dân gắn chip vẫn có giá trị sử dụng đến thời điểm đổi thẻ, nên sẽ không gây tốn kém.

Đại biểu Phạm Văn Hòa

Thêm nữa, phạm vi điều chỉnh của thẻ căn cước cũng bao quát được đối tượng áp dụng của luật, gồm công dân Việt Nam, người gốc Việt Nam đang sinh sống tại Việt Nam nhưng chưa được xác định quốc tịch.

Vì vậy, đại biểu tỉnh Đồng Tháp đồng tình, đổi tên là thẻ căn cước hoàn toàn phù hợp với thực tiễn.

Đi vào những nội dung thể hiện trên thẻ căn cước, đại biểu Phạm Văn Hòa cho rằng, thông tin trên thẻ căn cước bắt buộc phải có như họ tên, năm sinh, quê quán, quốc tịch… Còn những dữ liệu khác thì được lưu trữ trên cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư.

Bỏ thông tin “quê quán”

Cùng mối quan tâm, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hoá, Giáo dục Tạ Văn Hạ đề nghị làm rõ hơn thông tin về “nơi tạm trú”, “nơi thường trú”, “nơi ở”, “quê quán” để quy định phù hợp với thực tiễn.

Đề cập đến vấn đề bảo mật, ông Hạ cho rằng, liên quan đến đời tư là bất khả xâm phạm. Vì vậy, việc quy định những thông tin, điều khoản trong dự thảo luật phải phù hợp với yêu cầu quản lý, đảm bảo đời tư, quyền con người, quyền công dân.

Quá trình thảo luận dự thảo luật, một số ý kiến đại biểu Quốc hội đề nghị chỉ nên thể hiện những thông tin mang tính chất ổn định, giúp nhận diện lai lịch của một con người.

Vì vậy, cần cân nhắc một số thông tin như “nơi cư trú”, “nơi thường trú”, “nơi sinh”, “nơi đăng ký khai sinh”, “giới tính”, “ngày, tháng, năm hết hạn sử dụng” bảo đảm thống nhất với quy định của pháp luật hiện hành. Đồng thời, cân nhắc thông tin về cơ quan cấp thẻ căn cước, hình dạng, kích thước, màu sắc, ngôn ngữ…

Một số ý kiến đề nghị không nên sử dụng QR code, chỉ nên dùng chip điện tử trên thẻ căn cước.

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hoá, Giáo dục Tạ Văn Hạ

Giải trình các nội dung này, ông Tới cho rằng, việc thay đổi thông tin thể hiện trên thẻ căn cước đã được đánh giá cụ thể trong quá trình xây dựng luật, tương thích với các quy định của pháp luật có liên quan.

Cụ thể, dự thảo luật bỏ vân tay trên bề mặt thẻ (được lưu trữ trong bộ phận lưu trữ) để bảo đảm tính bảo mật trong quá trình sử dụng thẻ; bỏ thông tin “quê quán”, sửa đổi “số thẻ căn cước công dân” thành “số định danh cá nhân”, “căn cước công dân” thành “thẻ căn cước”, “nơi thường trú” thành “nơi cư trú”, bổ sung “nơi đăng ký khai sinh”…

Điều này, để tạo thuận lợi hơn cho người dân trong quá trình sử dụng thẻ căn cước và bảo đảm tính riêng tư của người dân.

Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng An ninh cho biết, các thông tin căn cước của người dân cơ bản sẽ được lưu trữ, khai thác, sử dụng thông qua chíp điện tử trên thẻ căn cước. Còn việc tích hợp cả QR code và chíp điện tử trên thẻ căn cước nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho cơ quan, tổ chức, cá nhân khai thác, sử dụng thông tin công dân khi thực hiện các thủ tục hành chính, giao dịch dân sự.

Thu thập thông tin ADN, giọng nói chỉ áp dụng với người có tiền án, tiền sự
Về thông tin của công dân trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và thông tin trong Cơ sở dữ liệu căn cước, có ý kiến đại biểu đề nghị làm rõ chi phí, trách nhiệm việc cung cấp thông tin về nhóm máu, giọng nói, ADN.
Giải trình việc này, Chủ nhiệm Lê Tấn Tới cho hay, có 4 trường thông tin để tạo lập số định danh cá nhân, phục vụ công tác quản lý dân cư. Trong đó, việc thu thập, cập nhật thông tin về ADN, giọng nói chỉ áp dụng với những người có tiền án, tiền sự, thông qua hoạt động tố tụng hoặc hoạt động xử lý vi phạm hành chính, không thu thập trực tiếp từ người dân.
Còn các trường thông tin khác là những thông tin không bắt buộc, được thu thập qua quá trình tiếp nhận, giải quyết thủ tục hành chính nhằm phục vụ chính lợi ích của người dân.

Nhật Bản viện trợ Việt Nam 82 tỷ đồng để nâng cấp hệ thống thẻ căn cước gắn chip

9 trường hợp bị xóa đăng ký thường trú: Thẻ căn cước có bị thu hồi?

Theo vietnamnet.vn
https://vietnamnet.vn/de-xuat-bo-van-tay-tren-be-mat-the-can-cuoc-de-bao-dam-tinh-bao-mat-2182782.html
Bài liên quan
Đừng bỏ lỡ
    Đặc sắc
    Nổi bật Người quan sát
    Đề xuất bỏ vân tay trên bề mặt thẻ căn cước để bảo đảm tính bảo mật
    POWERED BY ONECMS & INTECH