Đề xuất đánh thuế lãi tiền gửi tiết kiệm: Nên hay không nên?
PGS.TS Nguyễn Hữu Huân cho biết, đề xuất này không hẳn dẫn đến hiện tượng "thuế chồng thuế", nhưng điều đó phụ thuộc vào cách tiếp cận vấn đề.
UBND TP. Cần Thơ mới đây đã có đề xuất nghiên cứu mở rộng cơ sở thuế. Theo đó, đơn vị này đề xuất thu thuế thu nhập cá nhân (TNCN) đối với lãi từ tiền gửi tiết kiệm, chỉ nên miễn thuế này đối với quy mô tiết kiệm nhỏ.
Theo quy định hiện hành, cá nhân có các khoản lãi tiền gửi nhận được từ các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài đang được miễn thuế. Đây là các khoản tiền gửi dưới các hình thức không hoặc có kỳ hạn, gửi tiết kiệm, chứng chỉ tiền gửi, kỳ phiếu, tín phiếu và các khoản khác theo nguyên tắc hoàn trả đầy đủ gốc, lãi. Chỉ thu nhập từ lãi tiền gửi của công ty, doanh nghiệp mới bị tính thuế thu nhập doanh nghiệp.

Trao đổi với chúng tôi về vấn đề này, PGS.TS Nguyễn Hữu Huân - Giảng viên Đại học Kinh tế TP. HCM (UEH) cho biết, ông không hoàn toàn đồng tình nhưng cũng không phản đối.
Ông Huân cho biết, thực tế trên thế giới, một số quốc gia vẫn áp dụng thuế đối với lãi tiền gửi. Có ý kiến cho rằng việc này dẫn đến hiện tượng "thuế chồng thuế", nhưng điều đó phụ thuộc vào cách tiếp cận vấn đề.
Cụ thể, tiền gửi tiết kiệm đến từ thu nhập sau thuế của cá nhân. Tuy nhiên, phần lãi sinh ra từ khoản tiền gửi đó chưa bị đánh thuế, nên việc thu thuế trên lãi suất không hẳn là "thuế chồng thuế". Điều quan trọng là thuế chỉ áp dụng trên phần lãi suất, không đánh vào số tiền gốc đã gửi.
Nếu tính thuế trên số tiền gửi tiết kiệm thì chẳng khác nào đánh thuế 2 lần trên một khoản thu nhập. Bởi người làm công ăn lương sau khi trừ đi thuế, còn dư một phần tiền gửi tiết kiệm mà số tiền này lại tính thuế lần nữa thì không hợp lý. Trong trường hợp chỉ tính thuế trên phần lãi mà ngân hàng trả cho người gửi tiền thì sẽ hợp lý hơn, vì tiền đẻ ra tiền, tạo ra thu nhập thì chịu thuế.
PGS.TS Nguyễn Hữu Huân
Trên thế giới, những quốc gia áp dụng thuế lãi tiền gửi thường nằm trong một hệ thống thuế tài sản rộng hơn, bao gồm thuế bất động sản, chứng khoán, vàng và các tài sản có khả năng sinh lợi khác. Chẳng hạn, tại Trung Quốc, vàng bị đánh thuế khoảng 17-18%, và tại Mỹ, mức thuế tài sản cũng tương đương.
PGS.TS Nguyễn Hữu Huân cho biết, nếu Việt Nam áp dụng thuế đối với lãi tiền gửi, cần đảm bảo công bằng với các kênh đầu tư khác. Hiện nay, chứng khoán và bất động sản đều đã chịu thuế, nên nếu quyết định áp dụng, thì nên xây dựng một hệ thống thuế tài sản tổng thể, thay vì chỉ áp dụng riêng lẻ cho tiền gửi tiết kiệm. Điều này sẽ hạn chế tình trạng dòng tiền bị rút khỏi ngân hàng để chuyển sang các kênh đầu tư chưa bị đánh thuế.
Ngược lại, nếu không triển khai thuế tài sản đồng bộ, thì tốt nhất vẫn nên giữ nguyên chính sách như hiện tại để đảm bảo sự ổn định của hệ thống tài chính và nền kinh tế.
>> Đề xuất đánh thuế tiền lãi tiết kiệm: Người dân đang gửi bao nhiêu vào ngân hàng?