Đề xuất doanh nghiệp đầu mối sẽ được tự quyết giá bán xăng dầu

05-04-2024 19:57|Mai Chi

Bộ Công Thương vừa công bố dự thảo lần 2 để lấy ý kiến các cơ quan, đơn vị liên quan.

Sau khi trình dự thảo 1 Nghị định sửa đổi về kinh doanh xăng dầu, Bộ Công Thương tiếp tục có văn bản gửi Chính phủ trình bản dự thảo thứ 2 đề xuất sửa nhiều quy định liên quan đến kinh doanh xăng dầu.

Trong dự thảo 2 gửi Thủ tướng, Bộ Công Thương diễn giải nhiều lý do bổ sung liên quan cơ chế điều hành giá xăng dầu và cho rằng với cơ chế hiện nay cơ quan quản lý phải thực hiện qua quá nhiều bước, doanh nghiệp không được chủ động trong quyết định giá bán lẻ trong hệ thống phân phối mà trông chờ vào giá cơ sở do cơ quan quản lý công bố. Bộ Công Thương cho rằng, việc điều hành giá chưa đảm bảo thực hiện theo cơ chế thị trường. Vì vậy, dự thảo mới quy định Nhà nước sẽ không tham gia vào quá trình điều hành giá nhưng công bố các yếu tố hình thành giá để doanh nghiệp tự quyết định.

Tuy nhiên, thay vì đề xuất trước đây là 15 ngày công bố giá thế giới bình quân, dự thảo này có điều chỉnh Nhà nước công bố giá thế giới bình quân là 7 ngày/lần.

Đề xuất doanh nghiệp đầu mối sẽ được tự quyết giá bán xăng dầu
Dự thảo mới đề xuất cho DN tự quyết định giá bán lẻ xăng dầu

>> PVOIL bị tấn công có chủ đích, hệ thống bị ngưng trệ

Bộ Công thương cho rằng với phương án này, việc tính toán chi phí hàng tháng của DN được giảm bớt, đây là cải cách trong tính toán giúp DN kinh doanh xăng dầu và cơ quan quản lý không phải tính toán và công bố định kỳ các chi phí.

Với phương án 1, các chi phí này sẽ được quy định theo giá trị tuyệt đối (khoảng từ 1.800 - 2.500 đồng/lít, không tùy chủng loại).

Phương án 2 là sẽ quy định cụ thể mức biến đổi của tỉ lệ % theo biến động giá xăng dầu. Trong trường hợp chi phí kinh doanh và lợi nhuận định mức tăng, Bộ Công Thương sẽ chủ trì phối hợp với các bên liên quan báo cáo Thủ tướng xem xét điều chỉnh cho phù hợp với thực tế.

Dự thảo quy định thương nhân đầu mối, phân phối xăng dầu căn cứ công thức tính giá nêu trên để tính toán, công bố giá bán lẻ xăng dầu trong hệ thống, nhưng không vượt quá giá bán tối đa.

Như vậy, dự thảo mới này có những điểm khác so với trước đó, khi chỉ cho thương nhân đầu mối căn cứ vào công thức tính giá để tính toán, công bố giá bán xăng dầu. Trong khi theo quy định trên, sẽ đồng nghĩa với việc mở quyền cho thương nhân phân phối được tự quyết giá, dựa trên chi phí kinh doanh thực tế để tạo sự cạnh tranh về giá bán trên thị trường.

Theo Bộ Công Thương, doanh nghiệp phải công bố giá đúng quy định, cơ quan quản lý nhà nước theo dõi minh bạch việc công bố giá của doanh nghiệp, nếu không thực hiện đúng sẽ bị xử lý. Tuy nhiên, thương nhân có quyền bán thấp hơn giá bán tối đa theo công thức giá quy định tại nghị định.

Dự thảo Nghị định mới cũng quy định với địa bàn xa cảng, xa kho đầu mối, nếu có chi phí thực tế phát sinh tăng cao (đã được kiểm toán), đầu mối và thương nhân phân phối được quyết định giá bán tại địa bàn sau khi có báo cáo gửi Bộ Công thương. Tuy nhiên, việc tăng giá không được vượt quá 2% giá bán tối đa theo quy định.

Điểm đáng chú ý nữa là ngoài việc vẫn duy trì quỹ bình ổn, dự thảo đã đưa thêm các quy định để quản chặt hơn các thương nhân kinh doanh xăng dầu. Trong đó, có thêm yêu cầu thương nhân đầu mối xăng dầu, thương nhân phân phối báo cáo định kỳ về việc sử dụng kho. Sở Công Thương được giao kiểm tra, giám sát việc tuân thủ của các thương nhân về vấn đề này.

Dự thảo cũng bổ sung quy định yêu cầu thương nhân kinh doanh phải kết nối dữ liệu kinh doanh với cơ quan quản lý nhà nước. Bao gồm dữ liệu về tổng nguồn, tiêu thụ và tồn kho như là điều kiện bắt buộc.

Đặc biệt, dự thảo bổ sung quy định phải có kinh nghiệm tham gia thị trường xăng dầu. Theo đó, với thương nhân đầu mối được cấp phép phải có kinh nghiệm trong lĩnh vực này tối thiểu 3 năm liền kề và không bị cơ quan quản lý nhà nước xử lý vi phạm.

Ngoài ra là việc bổ sung quy định về năng lực thực hiện tổng nguồn xăng dầu của thương nhân đầu mối mới tham gia thị trường. Điều này nhằm tránh tình trạng để doanh nghiệp có quy mô quá nhỏ tham gia thị trường với vai trò là đầu mối, sẽ không đảm bảo hiệu quả do không cạnh tranh được.

Theo đó, dự thảo quy định thương nhân đầu mối phải có trách nhiệm thực hiện tổng nguồn xăng dầu tối thiểu là 100.000m3 (hoặc tấn) xăng dầu/năm. Lượng xăng dầu này chỉ được tính từ nguồn nhập khẩu, mua từ các nhà máy lọc dầu trong nước và không tính với các nguồn mua bán qua lại giữa các thương nhân.

>> Bắt Phó vụ trưởng Trần Duy Đông: 'Sức mạnh kim tiền', sự thật bị chỉ trích

Dự thảo Nghị định kinh doanh xăng dầu: Những lỗ hổng nào cần được hoàn thiện?

Một tỉnh vùng Đồng bằng sông Cửu Long vừa tiếp nhận 576 tỷ đồng vốn đầu tư vào kho xăng dầu

Đại gia xăng dầu Hải Linh bán 49% cổ phần kho cảng LNG Cái Mép cho một công ty của Mỹ

Theo Kiến thức Đầu tư
https://dautu.kinhtechungkhoan.vn/de-xuat-doanh-nghiep-dau-moi-se-duoc-tu-quyet-gia-ban-xang-dau-229569.html
Bài liên quan
Đừng bỏ lỡ
Nổi bật Người quan sát
Đề xuất doanh nghiệp đầu mối sẽ được tự quyết giá bán xăng dầu
POWERED BY ONECMS & INTECH