Tài chính Ngân hàng

Đề xuất ngân hàng không được chào bán, thu xếp bảo hiểm khi khách vay vốn

Nhã Kỳ 28/07/2023 07:00

Thời gian qua, nhiều người dân phản ánh về việc bị “ép” mua bảo hiểm khi đi vay vốn tại ngân hàng và tình trạng này đã được đưa lên nghị trường Quốc hội.

Ngân hàng không chào bán bảo hiểm khi khách làm thủ tục vay vốn

Tại tại dự thảo Thông tư hướng dẫn một số điều và biện pháp thi hành Luật Kinh doanh bảo hiểm 2022, Nghị định số 46/2023/NĐ-CP phiên bản mới nhất (được cập nhật đến ngày 17/7/2023) có nội dung quy định, ngân hàng với tư cách là đại lý bảo hiểm không được tư vấn, giới thiệu, chào bán, thu xếp việc giao kết hợp đồng bảo hiểm liên kết đầu tư cho các khách hàng trong thời hạn trước và sau 60 ngày kể từ ngày giải ngân toàn bộ khoản vay.

Trả lời thắc mắc vì sao là “60 ngày”, đại diện Bộ Tài chính cho biết, đây là con số phù hợp sau khi tham khảo ý kiến của các bên, liên quan tới quy định giải ngân của ngân hàng trong trường hợp hồ sơ đi vay vốn đầy đủ.

Trước đó, tại dự thảo Thông tư chưa được chỉnh sửa, Bộ Tài chính từng đưa ra quy định “ngân hàng không được tư vấn, giới thiệu, chào bán, thu xếp việc giao kết hợp đồng bảo hiểm liên kết đầu tư cho các khách hàng (tạm gọi tắt là bán bảo hiểm liên kết đầu tư) trong thời gian khách hàng thực hiện các thủ tục vay vốn và trong thời hạn 3 tháng kể từ ngày giải ngân khoản vay”.

Theo giới chuyên môn, đây là một quy định thiết thực, giúp kênh bán bảo hiểm qua ngân hàng hoạt động lành mạnh hơn, tránh trường hợp khách hàng đi vay vốn bị “ép” mua bảo hiểm gây bức xúc như thời gian qua.

Thực tế, thời gian qua, nhiều người dân phản ánh về việc bị “ép” mua bảo hiểm khi đi vay vốn tại ngân hàng, thậm chí không ít trường hợp tiền gửi tiết kiệm bị “hô biến” thành hợp đồng bảo hiểm và tình trạng này đã được đưa lên nghị trường Quốc hội. Nhiều đại biểu Quốc hội và chuyên gia ủng hộ Bộ Tài chính có quy định siết chặt hoạt động bán bảo hiểm qua ngân hàng, không để tiếp tục xảy ra tình trạng này trong thời gian tới.

Dù được cho là thiết thực, nhưng theo giới chuyên môn, vẫn còn những kẽ hở nhất định, bởi nếu chỉ quy định không được bán sản phẩm bảo hiểm liên kết đầu tư trong thời hạn như trên thì ngân hàng vẫn có thể tư vấn các dòng sản phẩm bảo hiểm khác như sản phẩm bảo hiểm liên kết chung, sản phẩm bảo hiểm hỗn hợp. Vì thế, có quan điểm cho rằng, cần cấm bán với cả bảo hiểm nhân thọ.

Bảo hiểm Sun Life “đổ” hơn 1.600 tỷ đồng vào trái phiếu doanh nghiệp

Bán bảo hiểm qua ngân hàng: Kiểm soát hay ngăn chặn?

Kết quả thống kê cho thấy, tỷ lệ hủy hợp đồng bảo hiểm nhân thọ mà khách hàng đã ký tại một số ngân hàng cao bất thường, có nơi tới 73%. Nhiều trường hợp khẳng định là họ đã bị “ép” phải mua bảo hiểm để có thể được cấp tín dụng.

Nhưng điều đó không có nghĩa, hoạt động bán bảo hiểm qua ngân hàng cần phải bị chặn đứng. Đây là phương thức hợp tác kinh doanh khá hiệu quả và cần phải phát huy. Về mặt lý thuyết, ngân hàng có thể hỗ trợ người tiêu dùng có vốn nhàn rỗi chọn phương thức đầu tư tài chính hợp lý hơn thay vì chỉ gửi tiết kiệm.

Vấn đề quan trọng là phải hạn chế những mặt trái và biểu hiện tiêu cực, ít nhất là trình trạng ép khách vay tiền (chứ không phải gửi tiền) phải mua bảo hiểm. Nghị định 46/2023/NĐ-CP vì vậy đã bổ sung một số quy định về điều kiện để ngân hàng tiếp tục làm đại lý bảo hiểm. Đó là điều kiện để hoạt động, và ngân hàng không khó để đáp ứng. Tất cả những điều kiện đó vẫn chưa đủ nếu pháp luật và hoạt động quản lý nhà nước không chặn được tình trạng ép ngầm hay các biểu hiện tiêu cực khác có thể phát sinh trong tương lai.

Tín dụng vẫn "ngủ đông"...

Doanh nghiệp lách để vay hơn, ngân hàng trách không chung thuỷ khó cùng thuyền

Theo Kiến thức Đầu tư
https://dautu.kinhtechungkhoan.vn/de-xuat-ngan-hang-khong-duoc-chao-ban-thu-xep-bao-hiem-khi-khach-vay-von-194222.html
Đừng bỏ lỡ
Nổi bật Người quan sát
Đề xuất ngân hàng không được chào bán, thu xếp bảo hiểm khi khách vay vốn
POWERED BY ONECMS & INTECH