Bộ Tư pháp đang dự thảo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường hoạt động trợ giúp pháp lý cho người thuộc hộ nghèo, người được trợ giúp pháp lý (TGPL) giai đoạn 2023 - 2030.
Bộ Tư pháp cho biết, giảm nghèo là chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước ta nhằm cải thiện đời sống vật chất và tinh thần cho người nghèo, thu hẹp khoảng cách về trình độ phát triển giữa các vùng, địa bàn và giữa các dân tộc, nhóm dân cư. Là một trong những chính sách giảm nghèo, giai đoạn 2016 - 2020, việc triển khai các hoạt động TGPL cho người nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số được các địa phương tiến hành đồng bộ theo các hoạt động được quy định tại Quyết định số 32/2016/QĐ-TTg ngày 08/8/2016 của Thủ tướng Chính phủ ban hành chính sách TGPL cho người nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số tại các huyện nghèo, xã nghèo, thôn, bản đặc biệt khó khăn giai đoạn 2016 – 2020 và hỗ trợ thực hiện vụ việc tham gia tố tụng có tính chất phức tạp hoặc điển hình
Các hoạt động TGPL cho người nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số đạt được các kết quả cụ thể như sau: các địa phương thực hiện 13.071 vụ việc tham gia tố tụng có tính chất phức tạp hoặc điển hình cho 12.965 người được TGPL, qua đó bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho người được TGPL; hỗ trợ học phí cho 171 viên chức của Trung tâm TGPL nhà nước tại các địa phương có huyện nghèo, xã nghèo, thôn, bản đặc biệt khó khăn tham gia khóa đào tạo nghề luật sư, góp phần củng cố nguồn nhân lực thực hiện TGPL, đáp ứng được về số lượng và chất lượng trước nhu cầu TGPL ngày càng cao của người dân; tổ chức 159 lớp tập huấn với 15.640 người tham dự nhằm nâng cao kỹ năng hành nghề cho đội ngũ người thực hiện trợ giúp pháp lý; 6.812 cuộc gọi yêu cầu TGPL thông qua đường dây nóng để được giải đáp, hướng dẫn pháp luật và được thực hiện TGPL kịp thời.
Ngoài ra, các địa phương đã thực hiện hoạt động xây dựng, phát chuyên trang, chuyên mục về TGPL bằng tiếng Việt, tiếng dân tộc trên Đài truyền thanh xã (với hơn 20.000 chuyên trang, chuyên mục) và tổ chức các đợt truyền thông về TGPL ở cơ sở (6.090 đợt với 409.129 người tham dự) nhằm giúp người dân biết và sử dụng dịch vụ TGPL khi có yêu cầu.
Thông qua các hoạt động của Quyết định số 32/2016/QĐ-TTg đã góp phần giúp người dân giảm nghèo về pháp luật, tiếp cận và sử dụng TGPL để bảo vệ quyền và lợi ích của mình khi bị xâm phạm.
Việc tiếp tục tăng cường hoạt động TGPL là rất cần thiết trong bối cảnh sau 02 năm kinh tế - xã hội bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh COVID-19 và chuẩn nghèo, chuẩn cận nghèo đã được thay đổi theo Nghị định số 07/2021/NĐ-CP ngày 27/01/2022 của Chính phủ.
Nhằm kịp thời bảo đảm quyền và lợi ích của người nghèo, người được TGPL, tiếp tục khẳng định và phát huy hiệu quả của công tác TGPL trong các chương trình giảm nghèo thời gian tới để đảm bảo tính liên tục, tiếp nối sau khi Quyết định số 32/2016/QĐ-TTg đã hết thời gian áp dụng, Nghị quyết số 160/NQ-CP ngày 22/12/2021 của Chính phủ ban hành Kế hoạch thực hiện Chỉ thị số 05-CT/TW ngày 23/6/2021 của Ban Bí thư Trung ương Đảng khóa XIII về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác giảm nghèo bền vững đến năm 2030 (Nghị quyết số 160/NQ-CP) đã giao nhiệm vụ cho Bộ Tư pháp nghiên cứu, hoàn thiện chính sách TGPL đối với người thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo.
Triển khai thực hiện nhiệm vụ trên, Bộ Tư pháp đã phối hợp với các Bộ, ngành có liên quan nghiên cứu, xây dựng dự thảo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường hoạt động TGPL cho người thuộc hộ nghèo, người được trợ giúp pháp lý giai đoạn 2023 - 2030, nhằm giúp họ kịp thời tiếp cận và sử dụng dịch vụ TGPL khi có yêu cầu.
Dự thảo Quyết định gồm 7 Điều. Trong đó, Điều 1: quy định về đối tượng thụ hưởng và phạm vi điều chỉnh của dự thảo Quyết định. Theo đó, đối tượng thụ hưởng là người thuộc hộ nghèo, người được TGPL theo quy định của pháp luật TGPL (bao gồm cả người thuộc hộ cận nghèo bị buộc tội, một số đối tượng có khó khăn về tài chính). Phạm vi điều chỉnh là các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, trong đó ưu tiên các địa bàn huyện nghèo, xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang ven biển và hải đảo, xã khu vực III, thôn đặc biệt khó khăn vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi. Điều 2. Các hoạt động hỗ trợ. Điều 3. Định mức tài chính đối với các hoạt động hỗ trợ. Điều 4. Nguồn kinh phí thực hiện. Điều 5. Trách nhiệm của các bộ, ngành, địa phương. Điều 6. Hiệu lực thi hành. Điều 7. Trách nhiệm thi hành.