Tài chính Ngân hàng

Đề xuất thu thuế VAT hàng giá trị nhỏ nhập khẩu qua Shopee, Tiktok,...

Hoàng Hiếu 17/06/2024 17:59

Tại Việt Nam, hàng ngày có trung bình 4-5 triệu đơn hàng giá trị nhỏ được vận chuyển từ Trung Quốc về Việt Nam qua các sàn Shopee, Lazada, Tiki, TikTok.

Chiều 17/6, tiếp tục chương trình kỳ họp 7, Quốc hội nghe tờ trình, thẩm tra Dự án Luật Thuế giá trị gia tăng (VAT) sửa đổi.

Đọc báo cáo thẩm tra, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính Ngân sách, ông Lê Quang Mạnh cho rằng Chính phủ nên cân nhắc bỏ miễn thuế VAT với hàng nhập khẩu giá trị nhỏ, nhất là qua kênh thương mại điện tử xuyên biên giới.

“Nhiều nước đã bỏ quy định miễn thuế VAT đối với hàng hóa nhập khẩu có giá trị nhỏ để bảo vệ nguồn thu, tạo môi trường kinh doanh bình đẳng giữa hàng sản xuất trong nước và nhập khẩu”, ông Mạnh thông tin.

Với sự bùng nổ của thương mại điện tử xuyên biên giới, lượng giao dịch hàng hóa có giá trị nhỏ xuyên biên giới đã tăng gấp nhiều lần trong thời gian qua.

Tại Việt Nam, hàng ngày có trung bình 4-5 triệu đơn hàng giá trị nhỏ được vận chuyển từ Trung Quốc về Việt Nam qua các sàn Shopee, Lazada, Tiki, TikTok…

Báo cáo của Ủy ban Tài chính Ngân sách dẫn số liệu của Tổng công ty cổ phần Bưu chính viễn thông, tháng 3/2023, với giá trị mỗi đơn hàng nói trên được chia nhỏ từ 100.000-300.000 đồng. Hằng ngày trung bình có khoảng 45-63 triệu USD, 1 tháng khoảng 1,3-1,9 tỷ USD giá trị hàng hóa được luân chuyển qua các sàn Shopee, Lazada, Tiki, TikTok…

Như vậy, theo ông Lê Quang Mạnh, trước đây lượng hàng có giá trị nhỏ nhập khẩu không nhiều nên tác động không đáng kể tới số thu thuế.

Tuy nhiên, sự bùng nổ của thương mại điện tử xuyên biên giới, xu hướng tiêu dùng ở nhiều nước cho thấy, lượng giao dịch này đã tăng gấp nhiều lần thời gian qua.

Đề xuất thu thuế VAT hàng giá trị nhỏ nhập khẩu qua Shopee, Tiktok,...
Ông Lê Quang Mạnh - Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính Ngân sách, nguồn: Internet

Theo quy định hiện nay của Chính phủ, hàng nhập khẩu giá trị nhỏ là dưới 1 triệu đồng gửi qua dịch vụ chuyển phát nhanh, được miễn thuế nhập khẩu, thuế VAT đầu vào (khâu nhập khẩu). Còn quà biếu, quà tặng cũng được miễn thuế nhập khẩu theo Nghị định 134 hướng dẫn Luật Thuế xuất, nhập khẩu.

Việc miễn thuế VAT gắn với miễn thuế nhập khẩu theo quy định pháp luật về thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu hiện còn đang được điều chỉnh bởi Quyết định số 78/2010/QĐ-TTg cho phép hàng hoá nhập khẩu có giá trị nhỏ dưới 1 triệu đồng gửi qua dịch vụ chuyển phát nhanh được miễn thuế nhập khẩu đồng thời với việc miễn thuế VAT ở khâu nhập khẩu.

Đồng tình với quan điểm ông Quang, PGS.TS Đinh Trọng Thịnh - chuyên gia tài chính - cho rằng để đảm bảo tính bình đẳng trong kinh doanh thì việc đánh thuế với hàng hóa nhập khẩu có giá trị nhỏ, đặc biệt qua kênh thương mại điện tử, cần được tính đến để thực hiện.

Bởi trước đây khi xây dựng các luật thuế, các cơ quan chức năng cũng đã tính đến chuyện hành thu với thuế giá trị gia tăng và các loại thuế khác. Tuy nhiên, do việc quản lý thu phải mất nhiều chi phí, trong khi kết quả thu “không đáng quan tâm" do có giá trị nhỏ, nên đã áp dụng không thu thuế với hàng hóa nhập khẩu có giá trị nhỏ dưới 1 triệu đồng.

Tuy nhiên, ông Thịnh cho rằng với thực tiễn hiện nay thì việc mua bán qua các trang thương mại điện tử, các sàn thương mại điện tử và kinh tế số ngày càng phát triển. Vì vậy, việc thống kê, tính toán để thu thuế với đơn hàng dưới 1 triệu đồng được nhập khẩu chắc chắn sẽ không còn "quá phức tạp" khi đã có nhiều nền tảng công nghệ được áp dụng.

>>'Nhà Táo' mạnh tay: Sau TikTok Shop, Shopee đã gửi thông báo 'không nên livestream các sản phẩm Apple'

Shopee sẽ 'siết chặt' xác thực danh tính người bán hàng, khuyến khích thanh toán 'không tiền mặt'

'Nhà Táo' mạnh tay: Sau TikTok Shop, Shopee đã gửi thông báo 'không nên livestream các sản phẩm Apple'

Theo Kiến thức Đầu tư
https://dautu.kinhtechungkhoan.vn/de-xuat-thu-thue-vat-hang-gia-tri-nho-nhap-khau-qua-shopee-tiktok-239001.html
Bài liên quan
Đừng bỏ lỡ
    Đặc sắc
    Nổi bật Người quan sát
    Đề xuất thu thuế VAT hàng giá trị nhỏ nhập khẩu qua Shopee, Tiktok,...
    POWERED BY ONECMS & INTECH