Một điểm bán cà phê giữa TP. Đồng Hới, Quảng Bình trở nên đặc biệt khi việc mua bán qua ký hiệu mà không nói một lời nào, khách đến sẽ chỉ tay chọn đồ uống, chủ gật đầu phục vụ.
Nằm trên vỉa hè đường Nguyễn Hữu Cảnh, thành phố Đồng Hới, lâu nay tồn tại một điểm cà phê đặc biệt như tên gọi - Ký Hiệu. Chủ nhân điểm bán cà phê này là vợ chồng anh Phan Thế Anh Xuân (38 tuổi) và chị Nguyễn Thị Yến (37 tuổi), trú phường Đồng Phú.
>> Tán tỉnh để ra oai với bạn bè, không ngờ thành đôi, 32 năm chưa một lần to tiếng
Vợ chồng anh Xuân đều câm điếc bẩm sinh, họ đến với nhau bằng sự cảm thông, cùng nhau xây dựng tổ ấm cho riêng mình.
"Chúng tôi quen nhau qua mạng, Yến quê ở Nghệ An, khi gặp nhau trực tiếp càng cảm mến hơn, thế là cưới. Vợ chồng có 2 đứa con, may mắn các cháu đều khỏe mạnh", anh Xuân chia sẻ qua cuốn sổ cầm tay.
Thời điểm mới đến với nhau, vợ chồng anh Xuân gặp khá nhiều vất vả khi không có việc làm ổn định, chồng phụ vợ may quần áo, thu nhập bấp bênh. Không đầu hàng trước số phận, anh Xuân và vợ đã bàn nhau, tìm tòi nghề phù hợp để mưu sinh.
Và rồi họ tự tìm hiểu, học cách pha chế trên mạng xã hội, làm thử, khi được người thân, bạn bè nhận xét tốt, vợ chồng anh Xuân quyết định mở một điểm bán cà phê nhỏ ven đường. Quán cà phê của anh chị chủ yếu phục vụ khách mang đi hoặc giao đến tận nơi.
"Nói quán nhưng chỉ là xe đẩy phục vụ cà phê thôi, mỗi ngày bán được 80-100 ly, cũng đủ trang trải cuộc sống. Vợ chồng tôi mở gần 1 năm, khách ủng hộ, có được công việc như người bình thường, tự lao động nuôi sống bản thân nên rất vui, không tự ti, mặc cảm", chị Yến viết.
Điểm bán cà phê Ký Hiệu, mỗi khi có khách đến, vợ chồng anh Xuân lại nở nụ cười chào đón rồi đưa menu có in sẵn ghi chú "Tôi là người điếc (không thể nghe và nói), vui lòng chỉ tay chọn cà phê".
Nhiều người vẫn gọi điểm bán cà phê của vợ chồng anh Xuân, chị Yến là "cà phê vô thanh", bởi đến đây không có một lời nói nào, khách chỉ tay chọn đồ uống, chủ gật đầu phục vụ.
Với nhiều vị khách của điểm bán cà phê Ký Hiệu, họ chọn mua ở đây một phần vì cà phê ngon, phần nữa là ấn tượng, cảm phục trước nghị lực, ý chí của đôi vợ chồng khiếm khuyết. Với sự nỗ lực của mình, anh Xuân, chị Yến đã vượt qua nghịch cảnh để có được hạnh phúc, công việc như bao người bình thường.
"Mỗi ngày đi làm, tôi đều ghé điểm cà phê Ký Hiệu để mua cà phê mang đi, họ pha khá ngon, giá lại rẻ. Tôi cảm thông trước hoàn cảnh của cặp vợ chồng, vừa nể phục nghị lực của họ, phần nữa là ủng hộ để anh chị bớt khó khăn trong cuộc sống", anh Nguyễn Tuấn chia sẻ.
Để có thời gian chuyên tâm vào điểm bán cà phê, phục vụ khách hàng, anh Xuân và chị Yến nhờ mẹ là bà Nguyễn Thị Đào chăm sóc 2 cháu nhỏ. Bà Đào còn đảm nhiệm công việc nghe điện thoại đặt đơn của khách rồi báo cho các con làm, ship tận nơi.
"Xe cà phê của chúng nó cách nhà 200m nên cũng thuận tiện, thỉnh thoảng tôi lại chạy ra hỗ trợ. Vợ chồng Xuân cùng cảnh ngộ, đến với nhau và xây dựng được hạnh phúc riêng, người làm mẹ như tôi cũng mừng lắm, giờ có thêm 2 đứa cháu kháu khỉnh, niềm vui càng nhân lên", bà Đào tươi cười nói.
Nhìn cách anh Xuân, chị Yến vừa bán cà phê, vừa tình tứ trao cho nhau những nụ cười rạng rỡ, nhiều người vừa mừng cũng vừa ghen tị. Họ tựa như hai mảnh ghép của số phận, vừa vặn nhất của cuộc đời nhau, bên nhau tạo nên một tình yêu giản dị, hạnh phúc.
Theo Dân Trí
>> Vợ thường xuyên phải đi tiếp khách hàng, chồng liền nghi ngờ cái thai không phải của mình