Trong quý 2 vừa qua có đến 17 ngân hàng xuống tiền mua lại trái phiếu trước hạn hàng nghìn tỷ đồng.
Thống kê từ HNX cho thấy, trong quý 2/2023 vừa qua các doanh nghiệp, ngân hàng đã tích cực mua lại trái phiếu trước hạn - một tín hiệu vui cho các nhà đầu tư, trái chủ.
Hoạt động phát hành trầm lắng, trong khi đàm phán gia hạn lại sôi nổi
Thống kê cho thấy quý 2/2023 số lượng trái phiếu phát hành mới chỉ gần 19.300 tỷ đồng, giảm 83% so với cùng kỳ và giả 34,4% so với qúy 1/2023. Hoạt động phát hành riêng lẻ trầm lắng, một phần do sức nóng của 2 từ trái phiếu vẫn chưa thể giảm.
Trong khi hoạt động phát hành trầm lắng, thì ở chiều ngược lại, hoạt động đàm phán gia hạn lại sôi nổi. Tính đến 26/06 đã có hơn 30 tổ chức phát hành đạt được thỏa thuận gia hạn kỳ hạn trái phiếu với các trái chủ và đã có báo cáo chính thức lên HNX. Tổng giá trị trái phiếu đã được gia hạn là hơn 42 nghìn tỷ đồng.
Trong số đó, Novaland (NVL), Hưng Thịnh Land đã đạt được thỏa thuận gia hạn nhiều lô trái phiếu có tổng giá trị lớn, với thời gian gia hạn từ 6-12 tháng.
Nhiều doanh nghiệp đang rơi vào khó khăn về tài chính, dẫn tới chậm thanh toán các khoản lãi, gốc trái phiếu. Ngoài những doanh nghiệp đạt được thỏa thuận gia hạn, cũng có rất nhiều tổ chức phát hành và trái chủ không đạt được tiếng nói chung. Nhiều doanh nghiệp trong số đó đã chậm thanh toán gốc/lãi trái phiếu cho nhà đầu tư.
VnDirect thống kê, đến ngày 26/06/2023, có khoảng 59 doanh nghiệp chậm thanh toán lãi hoặc nợ gốc trái phiếu. VnDiretc ước tính, tổng dư nợ trái phiếu của các doanh nghiệp này vào khoảng 160.000 tỷ đồng, chiếm khoảng 14,6% dư nợ trái phiếu doanh nghiệp toàn thị trường. Trong số đó có khoảng 43.800 tỷ đồng trái phiếu doanh nghiệp sẽ đến ngày đáo hạn trong năm 2023, chiếm khoảng 19,6% tổng giá trị đáo hạn toàn thị trường cả năm.
Hoạt động mua lại trái phiếu trước hạn tăng mạnh
Hoạt động mua lại trước hạn trái phiếu cũng được đẩy mạnh, trong đó đặc biệt nhóm ngân hàng mua lại nhiều nhất. Chứng khoán VnDirect cho rằng nhu cầu tín dụng yếu trong những tháng đầu năm cùng với mặt bằng lãi suất huy động đã giảm mạnh và thanh khoản hệ thống ngân hàng dồi dào hơn là điều kiện và động lực để các ngân hàng thực hiện mua lại trước hạn các lô trái phiếu phát hành riêng lẻ của mình trong các tháng qua.
Có tổng cộng 17 ngân hàng có báo cáo kết quả mua lại trái phiếu trước hạn trong quý 2/2023. Trong đó xuất hiện rất nhiều ngân hàng mua lại lượng lớn trái phiếu trước hạn. Ví dụ Techcombank (TCB) mua lại 4.500 tỷ đồng. VPBank mua lại 3.400 tỷ đồng trái phiếu trước hạn, Sacombank (STB) mua lại 2.000 tỷ đồng hay Ngân hàng Á Châu ACB mua lại tổng cộng 5.000 tỷ đồng trái phiếu trước hạn.
Vắng bóng MBB, VCB trong hoạt động mua lại trái phiếu trước hạn quý 2
Đáng chú ý, trong tổng số 17 ngân hàng xuống tiền mua lại trái phiếu trước hạn, vắng bóng Ngân hàng Quân đội MBB và Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank - VCB).
Một trong những nguyên nhân MB không chi tiền mua lại trái phiếu trước hạn như nhóm các ngân hàng khác thời điểm hiện nay, có thể ký giải do chính MB cũng đang ôm rất nhiều trái phiếu doanh nghiệp khác.
Thống kê đến hết quý 1/2023 khoản đầu tư trái phiếu do các tổ chức kinh tế trong nước phát hành của MB hơn 42.300 tỷ đồng, cao nhất hệ thống. Số dư này giảm được khoảng 2,8% so với số liệu ghi nhận đến hết năm 2022 (43.578 tỷ đồng). Nắm giữ số trái phiếu doanh nghiệp xấp xỉ 2 tỷ USD, MB lại không tăng trích lập dự phòng khiến tỷ lệ bao phủ nợ xấu giảm mạnh.
Tỷ lệ nợ xấu tăng mạnh từ 1,09% thời điểm đầu năm 2023 lên 1,8% tính đến hết quý 1/2023. Nợ cần chú ý tăng mạnh hơn 9.000 tỷ đồng so với đầu năm lên 16.675 tỷ đồng. Các chỉ số nợ dưới tiêu chuẩn, nợ nghi ngờ và nợ có khả năng mất vốn cũng tăng mạnh.
Một trong số những trái phiếu doanh nghiệp mà MB đang nắm giữ, có 6.100 tỷ đồng trái phiếu của Novaland – doanh nghiệp cũng đang trong vòng xoáy áp lực tài chính.
Đối với Vietcombank, thông tin từ các doanh nghiệp, ví dụ Hạ tầng ký thuật (CII) cho biết Vietcombank đã phê duyệt gói tín dụng 9.300 tỷ đồng cho doanh nghiệp này nhằm thúc đẩy đầu tư các dự án hạ tầng...
Ngoài ra, mới đây Chứng khoán VnDirect cho biết đã phê duyệt việc vay tín dụng Vietcombank gói 10.000 tỷ đồng trong đó vnDirect sẽ ưu tiên những tài sản đảm bảo có thanh khoản cao để làm tài sản đảm bảo.
Ngân hàng MB (MBB) đang ôm bao nhiêu trái phiếu của Novaland?
CII nâng vốn điều lệ lên gần 3.200 tỷ đồng
Hiểu đúng về khoản 'hợp đồng hợp tác đầu tư' của Novaland (NVL) sau quý III