'Điểm mặt' nguyên nhân gia tăng ùn tắc giao thông dịp cuối năm ở Hà Nội
Dịp cuối năm, ùn tắc giao thông tại Hà Nội diễn ra thường xuyên và kéo dài hơn. Nguyên nhân được chỉ ra do gia tăng phương tiện, đường bị rào chắn để thi công...
Có 100 dự án thi công chiếm lòng đường
Từ đầu tháng 12, giao thông trên nhiều tuyến đường tại TP Hà Nội thường xuyên xảy ra ùn tắc. Nhất là tại các tuyến đường như: Nguyễn Trãi (đoạn từ khu vực trường Đại học Hà Nội đến lối xuống hầm chui Thanh Xuân), Nguyễn Xiển (đoạn từ nút giao Khuất Duy Tiến - Nguyễn Xiển đến nút giao Đại lộ Chu Văn An), Trần Duy Hưng; đường dẫn lên cầu vượt Ngã Tư Sở, Trường Chinh...
Theo ghi nhận, trên đường Nguyễn Trãi (đoạn từ số nhà 499 đường Nguyễn Trãi đến hầm chui Thanh Xuân) có nhiều điểm rào chắn để phục vụ việc thi công hệ thống xử lý nước thải Yên Xá (Hà Nội). Việc rào chắn chiếm 1/3 lòng đường khiến cho các phương tiện lưu thông qua đây gặp khó khăn.
Tương tự, tại đường Nguyễn Xiển (đoạn từ nút giao Nguyễn Trãi - Khuất Duy Tiến đến nút giao Đại lộ Chu Văn An) cũng tồn tại nhiều "lô cốt" thi công.
Còn tại nút giao Mai Dịch (Cầu Giấy), phần rào chắn thi công của Dự án xây dựng cầu cạn Mai Dịch - Nam Thăng Long – Vành đai 3 Hà Nội khiến đường Hồ Tùng Mậu thường xuyên lâm vào cảnh ùn tắc.
Đại diện Phòng CSGT (Công an TP Hà Nội) cho hay, vào những ngày cuối năm, lượng người và phương tiện tham gia giao thông luôn ở mức cao. Bên cạnh đó, Thành phố đang đẩy mạnh thi công nhiều công trình giao thông trọng điểm, phải rào chắn một phần đường, hè phố. Việc này làm tăng khả năng xảy ra ùn tắc giao thông nhất là vào các khung giờ cao điểm hoặc khi trời mưa.
Còn theo báo cáo của Sở GTVT Hà Nội, đến tháng 12, trên địa bàn thành phố có 100 dự án đang quây tôn trên lòng đường. Đây là một trong những nguyên nhân dẫn đến ùn tắc giao thông.
Thành phố xử lý được 11/37 điểm ùn tắc giao thông và phấn đấu đến cuối năm sẽ xử lý thêm 1-2 điểm ùn tắc, tuy nhiên có thể phát sinh thêm 8 điểm ùn tắc mới.
Lập 106 chốt để phòng chống ùn tắc dịp cuối năm
Đại diện Phòng CSGT Hà Nội cho biết thêm, Phòng đã yêu cầu các đơn vị địa bàn chủ động nắm bắt tình hình. Đặc biệt là những nơi có các công trình giao thông đang thi công, giao thông phức tạp để lên phương án, bố trí lực lượng phối hợp với công an các quận, huyện, thị xã và các đơn vị chức năng triển khai biện pháp giải quyết khi có ùn tắc giao thông xảy ra.
Đại diện Sở GTVT Hà Nội thông tin, đơn vị đã có phương án bố trí 106 chốt, các vị trí thường xuyên có nguy cơ ùn tắc trong các khung giờ cao điểm.
Để chuẩn bị cho Tết dương lịch, Tết Nguyên đán và lễ hội Xuân, tùy theo tình hình thực tế, Thanh tra Sở GTVT sẽ bố trí thêm 26 vị trí chốt nữa, tập trung ở các bến xe, các tuyến đường cửa ngõ ra vào thành phố; trên các cây cầu lớn để điều tiết giao thông, giải quyết các sự cố mất an toàn giao thông, khắc phục các hậu quả mà có các nguy cơ xảy ra các va chạm, cũng như các tai nạn trên toàn địa bàn Thành phố.
Ngoài ra, Thanh tra giao thông Thành phố cũng chỉ đạo 30 đơn vị, quận, huyện, thị xã xây dựng kế hoạch phối hợp với chính quyền địa phương; thứ nhất là tổ chức giải tỏa các vi phạm lấn chiếm lòng đường, hành lang an toàn giao thông đường bộ để đảm bảo trật tự an toàn giao thông.
Tăng cường công tác xử lý các vi phạm về xe dừng đỗ, các phương tiện đón trả khách, các điểm trông giữ phương tiện và các vi phạm khác là nguyên nhân gây nên ùn ứ giao thông, mất trật tự an toàn giao thông từ nay cho đến Tết Dương lịch, Tết Nguyên đán, lễ hội Xuân.
"Thanh tra giao thông sẽ huy động 230 cán bộ một ngày để tổ chức triển khai thực hiện và đã huy động các đơn vị, các quận, huyện không có sự ùn tắc giao thông để hỗ trợ cho các đơn vị tại 12 quận, cộng với huyện Thanh Trì là những địa bàn có nguy cơ về ùn tắc giao thông", đại diện Sở GTVT Hà Nội thông tin.
>> Hà Nội xén đảo cây xanh, vỉa hè để giải bài toán ùn tắc cho Ngã Tư Sở