Diễn biến mới về đề xuất chi 6.000 tỷ cho 2 nút giao 'khủng' nối thông 3 tỉnh thành giàu nhất Việt Nam
Bộ Giao thông vận tải đã có chỉ đạo mới về việc triển khai 2 nút giao quan trọng của khu vực Đông Nam Bộ.
Trong báo cáo gửi cơ quan Trung ương, tỉnh Đồng Nai cho biết, tình hình giao thông khu vực ngã tư Vũng Tàu và khu vực Cổng 11 rất phức tạp, thường xuyên xảy ra ùn tắc. Khi cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu dự kiến được đưa vào khai thác năm 2026, phương tiện lưu thông qua khu vực sẽ gia tăng và khiến tình trạng ùn tắc trở nên nghiêm trọng hơn.
Tỉnh Đồng Nai kiến nghị Quốc hội cho phép đầu tư 2 nút giao ngã tư Vũng Tàu và khu vực Cổng 11 để giao thông nối với tỉnh Bình Dương và TP. HCM trở nên thuận tiện, giảm thiểu ùn tắc. Theo kiến nghị, 2 nút giao này sẽ được đầu tư theo hình thức BOT và tiếp tục khai thác trạm thu phí Quốc lộ 51. Dự kiến, tổng mức đầu tư giai đoạn 1 là 6.044 tỷ đồng.
Trong trường hợp không thể đầu tư hình thức BOT, tỉnh Đồng Nai đề nghị quốc hội xem xét đầu tư công 2 nút giao và hỗ trợ nguồn vốn ngân sách Trung ương để thực hiện là 3.197 tỷ đồng, nguồn vốn ngân sách địa phương sẽ thực hiện công tác giải phóng mặt bằng là 2.847 tỷ đồng.
Ngày 16/8, Bộ Giao thông vận tải vừa có thông báo kết luận của Thứ trưởng Lê Anh Tuấn về việc đầu tư nút giao khu vực Cổng 11 giữa đường Võ Nguyên Giáp - Bùi Văn Hòa – Quốc lộ 51 và nút giao ngã tư Vũng Tàu.
Theo đó, Bộ thống nhất cần thiết nghiên cứu đầu tư cải tạo nút giao khu vực Cổng 11 giữa đường Võ Nguyên Giáp - Bùi Văn Hòa - Quốc lộ 51 và nút giao ngã tư Vũng Tàu theo đề xuất của UBND tỉnh Đồng Nai nhằm giải quyết tình trạng ùn tắc, mất an toàn giao thông tại 2 nút giao, đồng thời dự án sẽ phục vụ phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Đồng Nai nói riêng và các tỉnh, thành phố trong vùng Đông Nam Bộ nói chung.
>> Tỉnh sở hữu sân bay lớn nhất Việt Nam sẽ đón cao tốc 9.000 tỷ đồng vào năm 2027
Bộ đề nghị UBND tỉnh Đồng Nai chỉ đạo tư vấn tiếp thu đầy đủ ý kiến của các cơ quan, đơn vị tại cuộc họp để hoàn thiện nội dung nghiên cứu đầu tư 2 nút giao nêu trên. Trong đó, lưu ý rà soát, làm rõ sự phù hợp với các quy hoạch đã được phê duyệt. Đồng thời, tỉnh nghiên cứu thêm các phương án về quy mô, giải pháp thiết kế nút giao phù hợp với nhu cầu vận tải, trong đó lưu ý phương án phải tận dụng tối đa các công trình hiện hữu, tránh lãng phí; nghiên cứu những phương án đầu tư, bao gồm cả đầu tư theo phương thức PPP để giảm tối đa chi phí ngân sách nhà nước, bảo đảm tính khả thi.
Trong bối cảnh nguồn lực đầu tư phân bổ cho Bộ Giao thông vận tải còn hạn chế và mục tiêu hoàn thành hệ thống hạ tầng giao thông đến năm 2030 là rất lớn, đặc biệt là hệ thống đường bộ cao tốc và hệ thống hạ tầng đường sắt; các dự án BOT trong khu vực đã dừng thu phí, việc đầu tư bổ sung 2 nút giao nêu trên vào hợp đồng dự án BOT không khả thi.
Bộ Giao thông vận tải đề nghị UBND tỉnh Đồng Nai chỉ đạo tư vấn hoàn thiện nội dung nghiên cứu, báo cáo Thủ tướng Chính phủ giao UBND tỉnh chuẩn bị và thực hiện đầu tư 2 nút giao này với sự tham gia của nguồn vốn ngân sách địa phương.
Theo báo cáo của Tổng cục Thống kê và dựa vào chỉ số GDP bình quân đầu người năm 2023 Bình Dương, TP. Hồ Chí Minh, Đồng Nai là 3 tỉnh thành giàu nhất cả nước. Theo đó, tỉnh Bình Dương có GDP bình quân đầu người đạt 113 triệu đồng/người/năm. Xếp sau là TP. HCM với 107 triệu đồng/người/năm và tỉnh đứng thứ 3 Đồng Nai với 92 triệu đồng/người/năm.
TP. HCM sẽ có nút giao 600 tỷ, 'án ngữ' trên tuyến vành đai hơn 75.000 tỷ lớn nhất phía Nam
Điểm mặt 5 nút giao dự sẽ được chi 4.000 tỷ làm cầu vượt 'xoá sổ' ùn tắc ở trung tâm TP. HCM