Những diễn biến trong và ngoài kịch bản của thị trường, giá cả năm 2021 đã khiến các chuyên gia lưu tâm hơn đến những kịch bản có thể xảy đến trong năm 2022.
Đây cũng là nội dung chính của hội thảo về diễn biến thị trường, giá cả ở Việt Nam năm 2021 và dự báo 2022 do Viện Kinh tế - Tài chính (Học viện Tài chính) tổ chức ngày 4/1/2021.
Theo số liệu chính thức được công bố, chỉ số giá tiêu dùng bình quân CPI của năm 2021 tăng 1,84% so với năm 2020. Đây là mức tăng thấp nhất kể từ năm 2016 trở lại đây.
TS. Nguyễn Bá Minh - Viện trưởng Viện Kinh tế - Tài chính cho biết, có 5 nguyên nhân góp phần kiềm chế tốc độ CPI năm 2021.
Thứ nhất, ảnh hưởng của dịch COVID-19 đặc biệt là làn sóng dịch lần thứ 4, chúng ta thực hiện giãn cách xã hội làm cho sức mua yếu nên giá cả một số mặt hàng trên thị trường giảm
Thứ hai, giá lợn hơi giảm do dịch tả lợn Châu Phi đã được khống chế dẫn đến nguồn cung khá dồi dào, Giá lợn hơi bình quân năm 2021 đạt 61.819 VND/kg (giảm 24,57% so giá bình quân năm 2020).
Thứ ba, nhu cầu đi lại, du lịch của người dân giảm do ảnh hưởng của dịch COVID-19 làm giá vé máy bay giảm 21,15% so với năm trước, giá du lịch trọn gói giảm 2,32%;
Thứ tư là Chính phủ tiếp tục triển khai các gói hỗ trợ cho người dân và người sản xuất gặp khó khăn do dịch COVID-19 như giảm, miễn giá điện cho các người dân tại các địa phương thực hiện giãn cách theo Chỉ thị 16/CT-TTg ngày 31/3/2020 của Thủ tướng Chính phủ.
Thứ năm là Chính phủ và các Bộ, ngành đã chỉ đạo và tích cực triển khai thực hiện nhiều giải pháp đồng bộ để ngăn chặn diễn biến phức tạp của dịch bệnh COVID-19 và ổn định giá cả thị trường.
Trên cơ sở những phân tích này, TS. Minh cho rằng, dự báo CPI bình quân năm 2022 so với năm 2021 sẽ tăng ở mức 2,5% (+/- 0,5%) tức là từ 2% đến 3%, dưới chỉ tiêu Quốc hội đề ra là hoàn toàn khả thi.
“Lạm phát năm 2022 sẽ được kiểm soát tốt vì, tình hình dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp đặc biệt là biến chủng mới; chiến tranh thương mại, xung đột chính trị trên thế giới còn nhiều bất ổn, khó lường… khiến cho tăng trưởng kinh tế toàn cầu chưa thể hồi phục vững chắc”- ông Minh nói.
Bên cạnh đó, trên thế giới thời gian qua hầu hết giá cả các loại hàng hóa đều đạt đỉnh trong nhiều năm trở lại đây, tạo áp lực đối với hàng hóa Việt Nam nhưng không quá lớn, bởi vì sức cầu trong nước vẫn còn yếu, ngay cả con số CPI của năm 2021 chỉ tăng có 1,84% so với 2020 cũng đã cho thấy rõ điều đó.
Cùng góc nhìn với TS. Minh, chuyên gia Lê Quốc Phương- Nguyên Giám đốc Trung tâm Thông tin Công nghiệp và Thương mại, Bộ Công Thương đưa ra 2 kịch bản cao và thấp cho CPI năm 2022, cũng như các yếu tố tác động lên lạm phát, để cơ quan quản lý chủ động trong điều hành.
Theo đó ở kịch bản thấp, có thể tốc độ tăng CPI chỉ ở vào khoảng 2,5 đến 3%, vẫn dưới mức Quốc hội cho phép. Ông Phương cũng quan ngại các giải pháp phục hồi kinh tế có thể tạo sức ép làm gia tăng lạm phát. Thế nên vị chuyên gia này cho rằng việc thực thi các giải pháp này cần hết sức chú ý đến việc có chính sách kiềm chế lạm phát.
Theo chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long, việc kiểm soát lạm phát năm 2022 là không dễ dàng. Ông Long dự báo, CPI có thể tăng khá cao và tăng ngay từ đầu năm. Cảnh báo này xuất phát từ một số yếu tố chủ yếu, như: Nền kinh tế thế giới đã và dần phục hồi, giá cả hàng hóa đang có xu hướng gia tăng; khi kinh tế phục hồi trong năm 2022 dưới tác động của các gói hỗ trợ phục hồi và phát triển kinh tế khiến nhu cầu tiêu dùng, đầu tư gia tăng sẽ gây sức ép không nhỏ lên giá cả.
Ông Long nêu quan điểm, khả năng điều chỉnh các mặt hàng do Nhà nước quản lý (giá điện, nước, y tế, giáo dục...) có thể xảy ra, tạo áp lực tăng lạm phát đáng kể đối với Việt Nam. Việc triển khai mạnh Chương trình hỗ trợ phục hồi kinh tế giai đoạn 2022 - 2023 cũng sẽ là một tác nhân tăng cung tiền và gia tăng lạm phát 2 năm đó và có thể cả năm tiếp theo.
Theo ý kiến của đại diện Cục Quản lý giá (Bộ Tài chính) tại hội thảo, cơ quan này sẽ tiếp tục triển khai toàn diện sửa đổi hoàn thiện thể chế pháp luật về giá, trọng tâm là xây dựng Luật Giá (sửa đổi).
Đồng thời, theo dõi sát diễn biến kinh tế thế giới, tình hình lạm phát chung; kịp thời ứng phó trong điều hành sản xuất trong nước, cân đối cung cầu và chính sách xuất nhập khẩu phù hợp, kiểm soát lạm phát trong nước ngay từ những tháng đầu năm 2022.
Đối với giá một số mặt hàng thuộc danh mục Nhà nước định giá, tiếp tục điều hành thận trọng, phù hợp với tình hình thực tế trong từng thời kỳ. Cùng với đó, tiếp tục điều hành chính sách tài khóa chủ động, chặt chẽ phối hợp với chính sách tiền tệ linh hoạt để tạo sự hài hòa, hiệu quả, hợp lý với các chính sách kinh tế vĩ mô chung.
Bên cạnh đó, tăng cường tổng hợp, phân tích, dự báo thị trường giá cả; tăng cường kiểm tra, giám sát kịp thời, xử lý nghiêm các vi phạm về giá, đầu cơ, thao túng giá, kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm an sinh xã hội.
Một số chuyên gia phân tích, trong điều hành thị trường, giá cả cần hết sức quan tâm đến công tác thông tin truyền thông. Các chuyên gia dẫn chứng việc công tác điều hành giá xăng dầu của Bộ Công Thương thời gian quan đã thực sự là một thành công và các giải pháp điều hành đã “thấm” được vào cuộc sống bởi các diễn biến của thị trường trong và ngoài nước cũng như các động thái điều hành của cơ quan quản lý đều đi trước một bước về truyền thông với những phân tích có cơ sở rõ ràng.