Doanh nghiệp

Điện gió ngoài khơi: Cơ hội vàng của Petrovietnam

Hải Đường 30/08/2024 08:44

Các tập đoàn dầu khí hàng đầu thế giới như Equinor, Shell, BP đã chuyển hướng đầu tư mạnh mẽ vào năng lượng tái tạo, đặc biệt là điện gió ngoài khơi

Ngành năng lượng toàn cầu đang chứng kiến những biến đổi mang tính cách mạng, trong đó xu hướng chuyển dịch năng lượng và phát triển kinh tế xanh đang trở thành những yêu cầu cấp thiết. Tại Việt Nam, ngành Dầu khí cũng không đứng ngoài xu thế này, đặc biệt sau khi Bộ Chính trị ban hành Kết luận số 76-KL/TW ngày 24/4/2024.

Kết luận này đưa ra những chủ trương, quyết sách lớn phát huy những tiềm năng, thế mạnh của đất nước nói chung và của ngành dầu khí nói riêng để ngành dầu khí vượt qua các thách thức, phát triển bền vững. Kết luận 76-KL/TW là những định hướng chỉ đạo có ý nghĩa đặc biệt quan trọng đối với phát triển ngành dầu khí Việt Nam; tạo động lực mới và mở ra không gian phát triển mới cho ngành dầu khí nước ta.

Xu hướng không thể đảo ngược

Trong bối cảnh quốc tế đang tập trung vào việc chống biến đổi khí hậu và đạt mục tiêu phát thải ròng bằng 0 (Net-zero), năng lượng tái tạo đang trở thành tâm điểm của sự chú ý. Các tập đoàn dầu khí hàng đầu thế giới như Equinor, Shell, BP đã chuyển hướng đầu tư mạnh mẽ vào năng lượng tái tạo, đặc biệt là điện gió ngoài khơi, để giảm dần sự phụ thuộc vào năng lượng hóa thạch.

Điện gió ngoài khơi hiện đang được xem là lĩnh vực tiềm năng nhất, với nhiều nhà đầu tư lớn trên toàn cầu đã triển khai các dự án quy mô lớn. Chẳng hạn, Orsted của Đan Mạch đã lắp đặt khoảng 9.000MW điện gió ngoài khơi và đặt mục tiêu đạt 50.000MW vào năm 2030. Tại khu vực Đông Nam Á, Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Malaysia (Petronas) đã mua 29,4% cổ phần dự án điện gió ngoài khơi Hải Long tại Đài Loan (Trung Quốc).

Điện gió ngoài khơi: Cơ hội vàng của Petrovietnam
Sự tham gia của các tập đoàn dầu khí sẽ đẩy nhanh quá trình phát triển điện gió ngoài khơi. Ảnh minh hoạ

>> Tập đoàn năng lượng lớn nhất Na Uy hủy kế hoạch đầu tư điện gió ngoài khơi tại Việt Nam

Việt Nam, với chính sách mở cửa và hội nhập toàn cầu, cũng đã đặt ra mục tiêu đầy tham vọng trong Quy hoạch điện VIII, với công suất điện gió ngoài khơi dự kiến đạt 6.000MW vào năm 2030 và có thể mở rộng đến 91.500MW vào năm 2050. Việc phát triển ngành công nghiệp này không chỉ giúp đảm bảo an ninh năng lượng, giảm phụ thuộc vào nhiên liệu hóa thạch mà còn thúc đẩy phát triển kinh tế biển và giảm phát thải khí nhà kính.

Nền tảng và những bước đi vững chắc

Ngành dầu khí và điện gió ngoài khơi có nhiều điểm tương đồng, từ khâu khảo sát, đánh giá, phát triển dự án đến vận hành và bảo dưỡng. Kinh nghiệm trong việc triển khai các dự án ngoài khơi của các tập đoàn dầu khí lớn sẽ đóng vai trò quan trọng trong việc phát triển ngành công nghiệp điện gió ngoài khơi. Theo Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA), sự tham gia của các tập đoàn dầu khí sẽ giúp chia sẻ chuỗi cung ứng và công nghệ, đồng thời đẩy nhanh quá trình phát triển điện gió ngoài khơi thành một ngành công nghiệp lớn.

Tại Việt Nam, Petrovietnam đang nổi lên như một ứng viên hàng đầu trong việc triển khai các dự án điện gió ngoài khơi. Với kinh nghiệm dày dặn trong thăm dò, khai thác dầu khí ngoài khơi, Petrovietnam có lợi thế lớn về cơ sở hạ tầng, nguồn nhân lực chất lượng cao và mối quan hệ quốc tế rộng rãi. Tập đoàn này đã chủ động nghiên cứu và chuẩn bị cho quá trình chuyển đổi sang năng lượng tái tạo, với sự hỗ trợ của nhiều đơn vị thành viên như PTSC, Vietsovpetro, và PVShipyard.

Trong những năm gần đây, PTSC đã nhanh chóng tham gia vào chuỗi giá trị điện gió ngoài khơi, trúng thầu hơn 10 dự án với tổng công suất phát điện 5,2GW, tổng giá trị hợp đồng hơn 1,2 tỷ USD. Đặc biệt, PTSC đang hợp tác với Tập đoàn Sembcorp (Singapore) để phát triển dự án điện gió ngoài khơi với công suất dự kiến khoảng 2,3GW, xuất khẩu điện trực tiếp sang Singapore qua đường cáp ngầm xuyên biển.

Không gian phát triển mới cho Petrovietnam

Việc Bộ Chính trị ban hành Kết luận số 76-KL/TW không chỉ khẳng định vai trò quan trọng của Petrovietnam trong đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia mà còn mở ra không gian phát triển mới cho tập đoàn này. Petrovietnam đã xây dựng được hệ thống cơ sở vật chất hiện đại và đội ngũ nhân lực gần 60.000 người lao động chất lượng cao, đủ khả năng làm chủ các dự án điện gió ngoài khơi.

Trong tương lai, Petrovietnam có thể tận dụng nền tảng và kinh nghiệm sẵn có để đẩy mạnh hợp tác với các đối tác quốc tế, tiếp thu công nghệ và tri thức mới trong lĩnh vực năng lượng tái tạo. Với sự hỗ trợ từ các cơ quan chức năng và chính sách ưu đãi, Petrovietnam sẽ đóng vai trò tiên phong trong việc phát triển ngành công nghiệp điện gió ngoài khơi, góp phần quan trọng vào quá trình chuyển đổi năng lượng của Việt Nam.

>> Hải Phòng đón nhà máy điện gió công nghệ cao từ tập đoàn sản xuất tuabin hàng đầu thế giới

Tập đoàn năng lượng lớn nhất Na Uy hủy kế hoạch đầu tư điện gió ngoài khơi tại Việt Nam

Hải Phòng đón nhà máy điện gió công nghệ cao từ tập đoàn sản xuất tuabin hàng đầu thế giới

Theo Kiến thức Đầu tư
https://dautu.kinhtechungkhoan.vn/dien-gio-ngoai-khoi-co-hoi-vang-cua-petrovietnam-247172.html
Bài liên quan
Đừng bỏ lỡ
Đặc sắc
Nổi bật Người quan sát
Điện gió ngoài khơi: Cơ hội vàng của Petrovietnam
POWERED BY ONECMS & INTECH