Điều kỳ lạ ở thị trấn cao nhất thế giới: Thiếu oxy trầm trọng, rác thải độc hại chất thành núi nhưng người người ùn kéo tới ở
Nằm cheo leo trên đỉnh núi cao gần 5.200m với điều kiện sống khắc nghiệt nhưng nhiều người vẫn kéo đến vùng đất này để hy vọng đổi đời.
Thị trấn khắc nghiệt nhất thế giới
Nếu bạn muốn biết những ai là người mạnh mẽ nhất thế giới thì ắt hẳn đó là cư dân ở thị trấn La Rinconada, Peru. Bởi, con người thường sẽ gặp các phản ứng có hại với cơ thể khi ở độ cao khoảng 3.000m do không khí loãng. Cụ thể, 40% những người lên tới độ cao 3.000m sẽ gặp một số dạng bệnh do độ cao gây ra như say núi cấp tính, thiếu oxy máu hay phù não… La Rinconada lại nằm ở độ cao gần 5.200m so với mực nước biển, điều này có nghĩa là áp suất oxy tại đây vô cùng thấp và con người hầu như rất khó sinh tồn. Như vậy, người dân nơi đây đã và đang sống trong một môi trường rất khắc nghiệt và đó không phải là tất cả.
Phần lớn thời gian trong năm, nhiệt độ ở La Rinconada luôn ở mức dưới 0 độ C, nơi đây có thể có tuyết rơi suốt 12 tháng trong năm. Trong những căn nhà bằng tôn nơi họ sống, không hề có máy sưởi hoặc nước nóng và cũng không có hệ thống thu gom rác thải do đó, rác ở đây chất thành đống cao như núi ở khắp nơi. Bạn có thể dễ dàng bắt gặp rác được vứt ở hồ nước hoặc bất cứ chỗ nào còn trống trong thị trấn.
Thị trấn không có dòng nước chảy qua nên việc xây dựng đường ống thoát nước là bất khả thi. Do đó, họ đã để nước thải sinh hoạt thoát thẳng ra giữa đường phố. Mùi hôi thối của rác và nước thải bốc lên nồng nặc, chỉ khi có tuyết rơi dày thì mùi mới được át đi. Điều kiện sóng của cư dân ở La Rinconada nghèo nàn, giá cả của những loại hàng hóa thiết yếu ở đây đắt gấp 3 lần so với những thị trấn dưới chân núi. Thế nhưng, dân số ở La Rinconada dao động từ 50.000 đến 70.000 người tùy theo thời điểm. Vì sao họ bằng lòng ở lại một nơi có cuộc sống khắc nghiệt bậc nhất như vậy?
Vùng đất hứa gieo hy vọng đổi đời
Điều kiện sống khắc nghiệt, môi trường ô nhiễm nhưng không thể cản bước hành trình di cư của nhiều người đến vùng đất này. Lý do nhiều người chọn định cư ở La Rinconada chỉ có một, đó là vì vàng. Kinh tế của người dân nơi đây phụ thuộc hoàn toàn vào các mỏ vàng ở núi Andes. Đặc biệt, khi giá vàng tăng, người người lại ùn ùn kéo tới thị trấn. Thời điểm từ năm 2001 đến 2009, giá vàng tăng tới 235% khiến dân số La Rinconada tăng mạnh. Những người đến đây đều mang trong mình một hy vọng có thể đổi đời nếu tìm thấy vàng.
Mỗi ngày, những người thợ mỏ ở La Rinconada sẽ phải đi bộ trên con đường độc đạo để tới các hầm mỏ chứa đầy khí độc, thủy ngân, xyanua và thiếu oxy. Các mỏ vàng ở đây đều là khai thác tự do, người dân bản địa đã khai thác vàng ở núi Andes từ thời Inca. Đến nay, họ vẫn khai thác vàng bằng thủy ngân. Tuy nhiên, cách khai thác này tiềm ẩn rất nhiều nguy hiểm. Đó là khi khí độc từ thủy ngân bốc lên gặp không khí lạnh sẽ ngưng tụ ngay lập tức và bám trên các mái nhà hoặc lắng đọng xuống các con sông gần đó. Các cư dân ở La Rinconada thường lấy nước từ các con sông băng tan chảy hoặc nước mưa từ mái nhà, việc này đã khiến cho thủy ngân "âm thầm" xâm nhập vào cơ thể con người.
Banderas, chủ một cửa hàng tạp hóa cho biết: "Việc khai khoáng ở một số mỏ không tuân thủ điều kiện an toàn nên ẩn chứa nhiều nguy hiểm. Không ít thợ mỏ chết vì phù phổi cấp do thiếu oxy, chết vì sập hầm lò, chết do té ngã bởi chứng say độ cao… Ngoài ra, số chết vì nhiễm độc hóa chất - cụ thể là thủy ngân và xyanua cũng khó mà đếm được".
Không những vậy, nhiều cư dân bị đổi màu da, ngộ độc thủy ngân, mắc bệnh về thần kinh, miễn dịch, tim, gan, phổi… Thế nhưng, thay vì lo cho sức khỏe của bản thân, họ vẫn chọn ở lại La Rinconada chỉ để nhận được tất cả số vàng họ tìm thấy vào ngày cuối cùng của mỗi tháng.
Trong suốt hai thập niên qua, Chính phủ Peru đã có nhiều nỗ lực để đưa người khai thác - kể cả chủ mỏ lẫn thợ mỏ phải tuân thủ các quy định về hành chính, lao động và môi trường nhưng quá trình đó - được gọi là chính thức hóa - mất rất nhiều thời gian. Trong số hơn 60.000 thợ mỏ phi chính thức đã đăng ký với chính phủ, chỉ có khoảng 1.600 người hoàn thành các điều kiện để được cấp giấy phép và điều này buộc họ phải nộp thuế cũng như chịu sự quản lý về lao động và môi trường.
Bên cạnh đó, nhằm tháo gỡ khó khăn cho người lao động, chính phủ Peru cũng cho phép hàng chục nghìn thợ mỏ không chính thức có thể bán vàng hợp pháp miễn là họ tuân thủ những điều kiện đã đặt ra về an toàn lao động và vệ sinh môi trường trong một khoảng thời gian nhất định. Tuy nhiên, khoảng thời gian ấy lại được gia hạn nhiều lần bởi các chủ mỏ lẫn thợ mỏ muốn tránh né các thủ tục giấy tờ và thuế.