Tòa nhà chọc trời cao nhất thế giới: Cao gấp 3 lần tháp Eiffel, tổng mức đầu tư lên đến 1,5 tỷ USD nhưng không có cống ngầm
Không chỉ là tòa nhà cao nhất, tòa nhà này còn nắm giữ nhiều kỷ lục thế giới khác và cả những điều không thể ngờ.
Tòa nhà nắm giữ nhiều kỷ lục thế giới
Nằm ở trung tâm thành phố Dubai thịnh vượng, Burj Khalifa là tòa nhà cao nhất thế giới với chiều cao ấn tượng 828m gồm 200 tầng. Tòa tháp này cao gấp đôi tòa nhà Empire State của New York và cao gấp 3 lần tháp Eiffel ở Paris. Thậm chí, nó còn soán ngôi Đài Bắc 101 tầng cao 508m của Đài Loan - tòa nhà cao nhất thế giới một thời. Theo CNN, những mảnh của tòa nhà này có thể trải dài 1/4 thế giới.
Tháp Burj Khalifa có hình dáng giống một cây kim lơ lửng giữa bầu trời Dubai, che khuất cả Burj Al Arab nổi tiếng. Đây cũng chính là điểm đến danh tiếng nhất trên thế giới, luôn hấp dẫn hàng ngàn du khách mỗi năm.
Theo đó, dự án cao ốc Burj Khalifa bắt đầu được xây dựng vào năm 2004. Nó mất 5 năm để hoàn thành với 12.000 nhân công, 110.000 tấn bê tông, 31.000 tấn cốt thép, 26.000 tấm kính, 22 triệu giờ xây dựng và chi phí xây dựng là hơn 1,5 tỷ USD ( hơn 36.712 tỷ đồng).
Theo các chuyên gia, chỉ riêng việc xây dựng móng của tòa nhà Burj Khalifa cũng mất tới 2 năm để hoàn thiện. Được tạo nên từ những công nghệ tiên tiến nhất, phần móng này giúp tòa nhà cao nhất thế giới này có thể đứng vững trong bão cát với sức gió lên tới 240 km/h. Đến năm 2010, chốn xa hoa bậc nhất thế giới này chính mở cửa cho du khách vào tham quan.
Với chi phí đầu tư khổng lồ đó, Burj Khalifa đã giành được nhiều danh hiệu phá kỷ lục của thế giới, chẳng hạn như tầng quan sát cao nhất thế giới, thang máy có khoảng cách đi lại dài nhất thế giới và bể bơi cao nhất thế giới trong một tòa nhà (tầng 76).
Là kỳ quan thế giới nhưng lại không có cống ngầm
Có thể nói, Burj Khalifa là một kỳ quan thế giới về kiến trúc và kỹ thuật. Tuy nhiên, ít ai biết được rằng, hệ thống nước thải của toà nhà hiện đại bậc nhất Dubai này lại không kết nối với hệ thống nước thải của thành phố. Hàng ngày, những chiếc xe bồn màu cam vẫn tới đây để chuyển hàng tấn chất thải tới nơi xử lý chuyên dụng.
Nguyên nhân là bởi các siêu dự án của Dubai được chính phủ tài trợ để thu hút khách du lịch và doanh nghiệp từ khắp nơi trên thế giới. Trong suốt nhiều năm qua, các nước vùng Vịnh đều đang cố gắng đa dạng hóa nguồn doanh thu, tránh phụ thuộc quá nhiều vào dầu mỏ.
Dubai không có thuế nhằm thu hút người di cư và doanh nghiệp. Đây hoàn toàn là một thành phố tài chính và du lịch và gần như không có nguồn thu từ dầu khí. Kết quả là, để xây dựng được một công trình hiện đại và tốn kém như Burj Khalifa, Dubai đã phải vay nợ. Theo các ước tính, tòa nhà cao nhất thế giới có mức chi phí là 1,5 tỷ USD.
Không chỉ có Burj Khalifa, vào giai đoạn những năm 2000-2010, Dubai còn vay nợ hàng tỷ USD để mở rộng phi đội của hãng hàng không 5 sao Emirates hay xây dựng khách sạn, các điểm vui chơi giải trí…
Theo Reuters, Dubai chịu ảnh hưởng lớn bởi cuộc khủng hoảng tài chính vào năm 2008, khiến nhiều ngân hàng rơi vào cảnh phá sản. Dubai đã nhận được gói cứu trợ trị giá 20 tỷ USD từ ngân hàng Trung ương UAE vào năm 2009.
Vào thời điểm này, Dubai đang rất cần tiền. Tuy vậy, nhà lãnh đạo Mohammed bin Rashid Al Maktoum lại khẳng định sẽ không thu thêm thuế để trả nợ. Thay vào đó, thành phố này sẽ tập trung vào việc hoàn thiện Burj Khalifa, nhằm thu hút sự chú ý và tạo thêm doanh thu. Trong quá trình xây dựng gấp gáp và thiếu thốn về tiền bạc, Dubai quyết định rằng hệ thống xử lý chất thải là không cần thiết.
Tất nhiên, toilet trong Burj Khalifa vẫn hoạt động, chất thải vẫn sẽ được chuyển xuống bể tập kết của tòa nhà. Tuy vậy, hệ thống cống của Dubai không được kết nối với Burj Khalifa, do thành phố này không thể nào xử lý nổi lượng chất thải từ tòa nhà cao nhất thế giới.
Đồng thời chi phí và thời gian để xử lý, mở rộng hệ thống cống, xử lý chất thải là quá tốn kém và không phải ưu tiên, nhất là với một Dubai đang thiếu thốn tiền vào năm 2009. Các nhà phát triển cũng ước tính rằng vận chuyển chất thải bằng xe tải ra khỏi Burj Khalifa sẽ rẻ hơn hơn là mở rộng hệ thống xử lý chất thải, ít nhất trong ngắn hạn.
Khi Burj Khalifa mở cửa, lượng chất thải tạo ra lớn hơn nhiều so với dự kiến. Tòa nhà cao nhất thế giới có khả năng tiếp đón 35.000 người. Số người này sẽ thải ra lượng chất thải lên tới 15 tấn mỗi ngày. Các trung tâm xử lý chất thải của Dubai cũng không thể đảm đương hiệu quả khối lượng lớn như vậy. Đôi khi, các xe tải sẽ phải xếp hàng hàng giờ để được đổ chất thải.
Mãi đến năm 2017, sau những lo ngại về sức khỏe và vệ sinh, Dubai mới nghiêm túc về việc phát triển hệ thống xử lý chất thải. Dự án trị giá 8 tỷ USD sẽ nâng cấp và mở rộng hệ thống cống, trạm bơm, dựa trên công nghệ của Singapore.
Một phần lượng nước thải sẽ được chuyển thành hàng triệu m3 nước phục vụ tưới tiêu. Dự án đã được khởi công vào năm 2019 và dự kiến hoàn thành vào 2025. Phải sau ít nhất vài năm nữa, Dubai mới không còn bóng dáng của những chiếc xe bồn màu da cam.