Điều oanh tạc cơ B-2 tấn công kho vũ khí Houthi, Mỹ muốn 'dằn mặt' Iran?
Những tuyên bố của Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ sau khi oanh tạc cơ B-2 tấn công các kho vũ khí ngầm của nhóm vũ trang Houthi được cho là lời cảnh báo gửi tới Iran.
Mỹ đã triển khai máy bay ném bom tàng hình tầm xa B-2 để tấn công các kho vũ khí dưới lòng đất của nhóm vũ trang Houthi ở Yemen vào ngày 16/10.
Sau các cuộc không kích, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin tuyên bố: "Đây là hành động thể hiện khả năng của Mỹ trong việc nhắm mục tiêu vào các cơ sở mà đối thủ tìm cách giữ ngoài tầm với của chúng tôi, bất kể chúng được chôn sâu dưới lòng đất, kiên cố, hay được bảo vệ như thế nào".
"Việc triển khai máy bay ném bom tàng hình tầm xa B-2 Spirit của Không quân Mỹ chứng minh khả năng tấn công của Mỹ chống lại các mục tiêu khi cần thiết, bất cứ lúc nào, và bất cứ nơi đâu", ông Austin nói thêm.
Chia sẻ với tờ Business Insider, giới chuyên gia nhận định tuyên bố của Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ được xem là lời cảnh báo tới Iran, quốc gia hậu thuẫn cho nhóm vũ trang Houthi, về việc Mỹ và Israel có khả năng nhắm vào các căn cứ ngầm được bảo vệ nghiêm ngặt, nơi tọa lạc của một số cơ sở hạt nhân quan trọng nhất của Iran.
Cụ thể, oanh tạc cơ tàng hình B-2 được sử dụng trong cuộc tấn công vào các kho vũ khí của Houthi ở Yemen là máy bay duy nhất có khả năng mang theo bom GBU-57A/B MOP. Đây là bom "phá boongke" có khả năng tấn công các căn cứ ngầm của Iran.
Nhiều người cho rằng, việc Israel tự thực hiện tấn công chương trình hạt nhân của Iran không hề dễ dàng. Bởi các cơ sở hạt nhân của Iran không chỉ nằm dưới boongke ngầm kiên cố, mà còn nằm rải rác ở nhiều nơi khác nhau. Do đó, để thực hiện tấn công, Israel sẽ cần tới các loại vũ khí phá boongke của Mỹ.
Trong khi đó, Iran được cho là đã cảnh báo các đồng minh ở vùng Vịnh của Mỹ rằng nếu họ để Israel tấn công Iran, họ sẽ bị coi là đồng lõa, và bị nhắm mục tiêu trong hành động đáp trả.
Còn hôm 14/10, tờ Washington Post đưa tin Thủ tướng Benjamin Netanyahu đã nói với Tổng thống Mỹ Joe Biden về việc Israel sẽ không nhắm mục tiêu vào các cơ sở dầu mỏ, hoặc hạt nhân của Iran.
Mỹ cũng đã nhiều lần lên tiếng phản đối một cuộc tấn công nhằm vào các địa điểm hạt nhân của Iran tại thời điểm này. Bởi Mỹ lo ngại nó có thể gây ra một cuộc chiến rộng lớn hơn, và kéo Mỹ vào sâu hơn.
Căng thẳng Israel - Iran leo thang nhanh chóng sau khi Tehran phóng khoảng 200 tên lửa đạn đạo về phía Israel hôm 1/10. Israel vẫn đang cân nhắc đòn đáp trả Iran. Điều này làm dấy lên mối lo ngại Israel có thể nhắm mục tiêu vào các cơ sở hạt nhân của Iran.
Trong khi đó, tình hình Trung Đông vốn đã căng thẳng kể từ khi Phong trào Hồi giáo Hamas tấn công bất ngờ Israel vào ngày 7/10/2023. Đáp trả, Israel đã triển khai chiến dịch quân sự ở Dải Gaza, và xảy ra giao tranh với nhiều nhóm vũ trang khác được Iran hậu thuẫn.
Để thể hiện tinh thần đoàn kết với Hamas, Houthi đã liên tiếp tấn công vào các tàu di chuyển trên Biển Đỏ, buộc Mỹ và các đồng minh triển khai tàu chiến để ngăn chặn.