Đỉnh cao Trung Quốc: "Huy động" cỗ máy 4.500 tấn để xây cao tốc 6 làn, không phải trên mặt đất mà ở dưới đường hầm sâu nhất Bắc Kinh
Dự án này sẽ bao gồm một đường cao tốc 2 chiều, 6 làn xe, đây là đường hầm đường cao tốc dài nhất cả nước được tạo ra bằng phương pháp đào hầm hình lá chắn.
Trung Quốc mới đây đã chính thức triển khai dự án khoan một đường hầm để xây đường cao tốc ở Bắc Kinh. Theo Tân Hoa Xã, đây là đường hầm cao tốc dài nhất nước này được tạo ra bằng phương pháp xây hầm dùng khiên đào.
Đường hầm cải tiến này kết hợp cách bố trí ba tầng để đảm bảo an toàn và hiệu quả. Tầng giữa có đường cao tốc hai chiều sáu làn xe. Tầng trên được thiết kế để thoát khói nhằm đảm bảo an toàn trong trường hợp hỏa hoạn khẩn cấp. Tầng dưới bao gồm các lối thoát hiểm và cứu hộ nhằm đề phòng những sự cố bất ngờ, theo Beijing Capital Highway Development Group, đơn vị triển khai dự án.
Đường hầm này là một phần trong dự án đường vành đai thứ 6 tại phía đông Bắc Kinh. Phần sâu nhất của đường hầm nằm ở 75 mét dưới lòng đất và hiện dự án là đường hầm sâu nhất tại Bắc Kinh.
Khiên đào là phương pháp nhằm duy trì ổn định vách đất đường hầm trong thời gian thi công kết cấu vách đỡ tuyến đường hầm. Khiên đào đường hầm phục vụ như cấu trúc hỗ trợ tạm thời cho đường hầm trong quá trình đào. Loại khiên đào được sử dụng trong dự án này có đường kính lớn nhất trong số các máy do Trung Quốc phát triển.
Với đường kính đào 16,07 mét và chiều dài khoảng 145 mét, máy đào hầm bằng khiên được sử dụng trong dự án được các doanh nghiệp Trung Quốc thiết kế và chế tạo độc lập với trọng lượng khủng khiếp 4.500 tấn.
Tân Hoa Xã cho hay, dự án đường hầm cao tốc ở Bắc Kinh là một phần trong quy hoạch đô thị tiến bộ của Bắc Kinh, dự án đường hầm này giúp mở đường cho nhiều không gian hơn để phát triển công nghiệp và quy hoạch công viên lớn. Nỗ lực này góp phần đáng kể vào sự phát triển chất lượng cao của quận Thông Châu của Bắc Kinh. Hơn nữa, nó đóng một vai trò then chốt trong sự phát triển giao thông phối hợp ở khu vực Bắc Kinh-Thiên Tân-Hà Bắc. Chiến lược tổng thể này nhằm tích hợp liền mạch cơ sở hạ tầng tiên tiến với các sáng kiến xanh cho thấy cách tiếp cận có tư duy tiến bộ của Trung Quốc trong phát triển đô thị
Trước đó, Trung Quốc cũng từng xây dựng đường hầm đường hầm dưới hồ nước ngọt dài nhất Trung Quốc, xuyên qua Thái Hồ ở tỉnh Giang Tô, đường hầm có hai chiều với tổng cộng 6 làn xe, được thiết kế để phương tiện có thể chạy với tốc độ tối đa 100 km/h. Dự án xây đường hầm có tổng chi phí 5 tỷ tệ (784,7 triệu USD).
Trung Quốc là nước sẵn sàng chi hàng nghìn tỷ nhân dân tệ thực hiện các đại dự án hạ tầng trên toàn quốc, nhằm thúc đẩy nền kinh tế và hạn chế ảnh hưởng của Covid-19. Phần lớn các đại dự án này tập trung vào các lĩnh vực giao thông, thủy lợi, năng lượng tái tạo, phát triển đô thị, được kỳ vọng sẽ là yếu tố quan trọng tiếp tục thúc đẩy nền kinh tế lớn thứ hai thế giới.