Đình chỉ kiểm toán viên Deloitte liên quan vụ Ngân hàng SCB: Trách nhiệm ra sao?
Ủy ban Chứng khoán Nhà nước đình chỉ tư cách kiểm toán viên đối với 4 người thuộc Kiểm toán Deloitte Việt Nam sau vụ án xảy ra tại Ngân hàng SCB. Nhiều người đặt câu hỏi về vai trò và trách nhiệm của kiểm toán trong các vụ án.
Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCK) vừa ban hành quyết định đình chỉ tư cách kiểm toán viên được chấp thuận kiểm toán cho đơn vị có lợi ích công chúng đối với các kiểm toán viên của Công ty TNHH Kiểm toán Deloitte Việt Nam.
Theo đó, 4 kiểm toán viên gồm Phạm Hoài Nam, Lê Đình Tứ, Đỗ Hồng Dương, Trần Văn Đặng bị đình chỉ từ 25/6 tới hết năm 2024.
Ông Lê Đình Tứ là Phó tổng giám đốc và là người đã ký báo cáo kiểm toán của Ngân hàng SCB bán niên năm 2019.
Theo kết luận của Kiểm toán viên do ông Lê Đình Tứ ký ngày 30/9/2019, trong báo cáo tài chính soát xét hợp nhất bán niên năm 2019 của Ngân hàng SCB không thấy có vấn đề gì khiến Deloitte cho rằng báo cáo hợp nhất giữa niên độ không phản ánh trung thực và hợp lý, trên các khía cạnh trọng yếu, tình hình tài chính hợp nhất của Ngân hàng SCB tại ngày 30/6/2019, và kết quả hoạt động kinh doanh hợp nhất và tình hình lưu chuyển tiền tệ hợp nhất của SCB cho kỳ hoạt động 6 tháng kết thúc cùng ngày, phù hợp với chuẩn mực kế toán, chế độ kế toán áp dụng cho các tổ chức tín dụng tại Việt Nam và các quy định pháp lý có liên quan đến việc lập và trình bày báo cáo tài chính hợp nhất giữa niên độ.
Trước đó ngày 5/3, TAND TPHCM đã mở phiên xét xử đại án Vạn Thịnh Phát và Ngân hàng TMCP Sài Gòn (SCB) với quy mô hơn 1.000 người liên quan. Chiều 11/4, bị cáo Trương Mỹ Lan bị tuyên án tử hình cho 3 tội danh, và bị buộc bồi thường 677.000 tỷ đồng.
Tổng cộng có 81 bị cáo bị luận tội, trong đó có Đỗ Thị Nhàn (cựu Cục trưởng Cục Thanh tra giám sát ngân hàng Nhà nước) bị tuyên chung thân về tội “Tham ô tài sản”.
Bà Trương Mỹ Lan bị buộc tội chiếm đoạt 677.000 tỷ đồng của Ngân hàng SCB, cao gấp đôi so với cáo trạng.
Trương Mỹ Lan bị buộc tội đã can thiệp, chi phối, chỉ đạo hàng loạt lãnh đạo, cán bộ Ngân hàng SCB, lãnh đạo chủ chốt ở các công ty trong hệ sinh thái Vạn Thịnh Phát, các công ty "ma". Từ đó, thực hiện hành vi trái pháp luật, chiếm đoạt số tiền 677.286 tỷ đồng của SCB. Đây là số tiền đặc biệt lớn, gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng.
Ngoài trách nhiệm các bên, dư luận không khỏi thắc mắc về vai trò các đơn vị kiểm toán.
Trong nhiều năm trước vụ án, có 3 doanh nghiệp kiểm toán lớn trên thế giới tham gia kiểm toán SCB, trong đó có Deloitte Việt Nam. Deloitte thực hiện kiểm toán cho SCB từ 2017 - bán niên 2019. Ông Lê Đình Tứ là người ký kết luận của kiểm toán trong báo cáo cuối cùng do Deloitte thực hiện cho SCB.
Vai trò và trách nhiệm của các kiểm toán trong các vụ án?
Gần đây, giới đầu tư hết sức lo ngại về sự trung thực của các báo cáo tài chính của các công ty niêm yết sau những sự cố lớn ở tại cả Việt Nam cũng như một số nước khác.
Như trong báo cáo tài chính hợp nhất quý II/2022 của Ngân hàng SCB (báo cáo gần nhất trước khi SCB bị đưa vào diện kiểm soát đặc biệt), tài sản của ngân hàng này vẫn được ghi nhận ở mức hơn 761 nghìn tỷ đồng, chỉ sau 4 "ông lớn" ngân hàng nhà nước, cho dù SCB đã bị bà Trương Mỹ Lan rút ruột một lượng tiền khổng lồ.
Trên thế giới, giới đầu tư vừa chứng kiến bê bối lớn chưa từng có trong lịch sử kiểm toán với vụ ông lớn kiểm toán PwC trong vụ Tập đoàn Evergrande của Trung Quốc. Từ tháng 3/2024, chính quyền Bắc Kinh bắt đầu xem xét vai trò của PwC trong hoạt động kiểm toán của Evergrande, sau khi ông lớn bất động sản này bị cáo buộc gian lận hàng chục tỷ USD.
Trước đó, bê bối Enron đã khiến tập đoàn kiểm toán nổi tiếng Arthur Andersen sụp đổ vào năm 2001, Big 5 kiểm toán thành Big4.
Một số công ty kiểm toán lớn được cho là chi lương thưởng rất cao cho nhân viên. Trong năm 2023, Công ty TNHH Ernst & Young Việt Nam có doanh thu gần 1.376 tỷ đồng, tăng gần 23% so với năm 2022. EY chi hơn 703 tỷ đồng lương thưởng cho nhân viên. EY kiểm toán cho nhiều tổ chức lớn như: Vingroup, Bảo Việt, Prudential, Đất Xanh, Techcombank, Vietinbank, MB, HDBank…
Ernst & Young cũng là công ty đã kiểm toán Ngân hàng SCB từ năm 2012 đến hết năm 2016. Ernst & Young Việt Nam thành lập năm 2012, với góp vốn từ Ernst & Young Indochina Limited (Hong Kong, Trung Quốc) và 8 cá nhân người Việt khác.
Nhiều công ty chứng khoán gần đây có xu hướng "tháo chạy" khỏi các doanh nghiệp có tai tiếng, nhiều công ty kiểm toán từ chối kiểm toán cho “nhóm FLC” của ông Trịnh Văn Quyết.
Về vụ nâng khống vốn gần 4.300 tỷ đồng tại CTCP Xây dựng FLC Faros (ROS) sắp được xét xử từ 22/7 tới đây, nhiều người cũng đặt câu hỏi liệu còn ai vi phạm trong vụ việc này hay không. Một số nhà đầu tư cũng đặt câu hỏi về vai trò và trách nhiệm của kiểm toán trong quá trình kiểm toán nguồn vốn của chủ sở hữu.
Ngân hàng SCB tiếp tục đóng cửa 3 phòng giao dịch
Ngân hàng SCB thanh lý loạt xe chở tiền, có thể bán lẻ từng chiếc