Theo quan sát, dù nhóm cổ phiếu vừa và nhỏ đang chiếm ưu thế tăng nhưng nhóm bluechips (trong đó phải kể đến nhóm cổ phiếu ngân hàng) mới đóng vai trò lực kéo chính giúp thị trường tăng trong tuần qua.
Kết tuần giao dịch từ 23 - 27/5/2022, VN-Index tăng 44,74 điểm lên 1.285,45 điểm, HNX-Index tăng 4,15 điểm lên 311,17 điểm.
Nhóm cổ phiếu ngân hàng có nhiều điểm sáng khi trong 27 mã đang giao dịch trên sàn chứng khoán thì có 21 mã tăng giá tuần qua, chỉ 1 mã giữ nguyên và 5 mã còn lại giảm nhẹ.
EIB là cổ phiếu bank tăng mạnh nhất, đóng cửa ở giá 34.100 đồng - tăng 10,4% so với tuần trước. EIB tăng mạnh nhất ngành phiên 27/5 (tăng 4,9%) khi ngân hàng tổ chức thành công đại hội đồng cổ đông thường niên và thông qua nhiều nội dung quan trọng.
Sau EIB, các cổ phiếu ngân hàng tăng mạnh tiếp theo là ACB (9,5%), MSB (6,2%), HDB (6%),… Các cổ phiếu lớn cũng tăng giá mạnh như TCB (4,9%), CTG (4,2%), MBB (3,7%), VCB (2,8%), BID (2,3%),…
Chỉ có 5 cổ phiếu bank giảm giá tuần qua là NVB (-1,4%), KLB (-1,1%), SSB (-0,7%), SGB (-0,7%), BAB (-0,5%).
Thanh khoản thị trường nói chung và nhóm ngân hàng nói riêng có sự cải thiện so với tuần trước đó. Hơn 410 triệu cổ phiếu ngân hàng được giao dịch tuần qua - tương ứng giá trị hơn 10.200 tỷ đồng. STB dẫn đầu với gần 100 triệu cổ phiếu được khớp lệnh; tiếp theo là VPB (53 triệu cổ phiếu), SHB (50 triệu cổ phiếu),…
Về giao dịch khối ngoại, nhà đầu tư nước ngoài bán ròng 280 tỷ đồng trên toàn thị trường. Tuy nhiên, khối ngoại lại có động thái gom mạnh cổ phiếu ngân hàng khi mua ròng hơn 10,6 triệu cổ phiếu trong đó HDB dẫn đầu với hơn 3,9 triệu đơn vị được khối ngoại mua ròng. Cổ phiếu này ghi nhận chuỗi 11 phiên liên tiếp mua ròng với tổng giá trị hơn 182 tỷ đồng. Đây cũng là một trong 5 cổ phiếu ngân hàng tăng giá mạnh nhất tuần qua (tăng 6%).
Ngoài HDB, có 15 cổ phiếu ngân hàng khác được mua ròng trong tuần qua. Các mã được gom mạnh nhất gồm có CTG (khối ngoại mua ròng hơn 2,8 triệu cổ phiếu), STB (hơn 2,4 triệu cổ phiếu), VCB (hơn 1,1 triệu cổ phiếu),…
Ở chiều ngược lại, nhà đầu tư nước ngoài bán ròng LPB (hơn 400.000 cổ phiếu), BID (hơn 133.000 cổ phiếu), MBB (50.700 cổ phiếu),…
Theo quan sát, dù nhóm cổ phiếu vừa và nhỏ đang chiếm ưu thế tăng nhưng nhóm bluechips (trong đó phải kể đến nhóm cổ phiếu ngân hàng) mới đóng vai trò lực kéo chính giúp thị trường tăng trong tuần qua.
Đánh giá về khả năng dẫn dắt của nhóm cổ phiếu ngân hàng trong tuần tới đây, ông Lê Đức Khánh, Giám đốc Phát triển năng lực đầu tư, Công ty Chứng khoán VPS nhận định: "Nhóm cổ phiếu ngân hàng mới chỉ hồi phục một số phiên và chưa đủ cơ sở để nhận định nhóm này đóng vai trò dẫn dắt thị trường.
Có lẽ nhóm chứng khoán, nhóm thép cũng có lực cầu bắt đáy khá mạnh khi nhiều cổ phiếu giảm sâu giai đoạn vừa qua bao gồm cả nhóm cổ phiếu ngân hàng có diễn biến tạo đáy ngắn hạn. Sẽ có nhiều nhóm cổ phiếu luân phiên tạo và bước vào sóng hồi.
Thị trường cần thêm thời gian để xác định nhóm nào lực cầu mua lên mạnh mẽ và có thể kéo dài cho đến cuối quý III/2022 cũng như cuối năm 2022".
Theo ông Nguyễn Hồng Khanh, Trưởng phòng Phân tích, Công ty Chứng khoán Quốc tế Việt Nam (VIS), để thị trường có đủ lực giữ chỉ số và tăng trưởng dài hơi thì cần sự góp sức của nhóm ngân hàng. Về mặt định giá, P/B của cổ phiếu ngân hàng hiện khoảng 1,63, ở mức trung bình thấp trong 10 năm gần đây.
Sắp tới sẽ có một số thông tin quan trọng liên quan khả năng tăng lãi suất hay sẽ có vài đợt thanh tra một số ngân hàng thương mại để kiểm soát chặt chẽ rủi ro tín dụng một số lĩnh vực có nguy cơ rủi ro cao của bất động sản, trái phiếu, chứng khoán có thể ảnh hưởng đến tâm lý nhà đầu tư với cổ phiếu ngân hàng.
Tuy nhiên, sau đợt thanh kiểm tra này, những ngân hàng chất lượng sẽ có nhiều cơ hội bứt phá nhanh và an toàn hơn.
Ông Khanh đánh giá, nhóm ngân hàng vẫn là nhóm ngành được đánh giá hấp dẫn về mặt dài hạn nên sắp tới dòng tiền sẽ hướng sự chú ý trở lại nhiều hơn vào nhóm ngành này.
Trong khi đó, ông Dương Hoàng Linh, Trưởng phòng phân tích Công ty Chứng khoán Sacombank (SBS) cho rằng, nhịp hồi phục hiện tại vẫn phụ thuộc vào nhiều cổ phiếu bluechips thuộc VN30, còn sự dẫn dắt của nhóm ngân hàng vừa qua chưa thực sự rõ ràng và có tính liên tục.
"Như những nhận định trước đây, tôi không nhận thấy sự hấp dẫn khi đầu tư vào nhóm ngân hàng trong năm nay nên không đánh giá cao vai trò dẫn dắt của nhóm ngân hàng như trong 1 - 2 năm trước".
Theo quan điểm của ông Nguyễn Hữu Bình, Trưởng phòng đầu tư, Tổng CTCP Bảo hiểm Sài Gòn - Hà Nội (BSH): "Với mức giá hiện đã giảm mạnh, rất nhiều cổ bank hiện đã trở nên hấp dẫn hơn. Cùng với đó, thông tin nới room tín dụng cũng là động lực cho nhóm này bứt phá 1 - 2 tuần gần đây. Tuy nhiên, tôi nhận thấy sức mua nhóm này bình thường, không mạnh, không có nhiều sức bật. Vì thế, thật khó lead thị trường giống như 1 năm trước đây".
Nhận định chứng khoán 16 - 20/12: Cân nhắc khả năng VN-Index lùi về 1.240 điểm
Một cổ phiếu VN30 âm thầm vượt đỉnh năm trong tuần VN-Index giảm điểm