Đô thị cửa ngõ hạ lưu sông Mê Kông sắp có khu công nghiệp hơn 500ha
Theo quy hoạch, quy mô lao động của khu công nghiệp dự kiến khoảng 25.000-32.000 người.
Mới đây, HĐND TP. Cần Thơ đã quyết nghị thông qua Đồ án quy hoạch phân khu xây dựng tỷ lệ 1/2000 Khu công nghiệp Vĩnh Thạnh (giai đoạn 2).
Theo đó, phạm vi lập quy hoạch Khu công nghiệp Vĩnh Thạnh (giai đoạn 2) tại xã Vĩnh Trinh và xã Vĩnh Bình, huyện Vĩnh Thạnh, TP. Cần Thơ.
Quy mô diện tích quy hoạch khu công nghiệp khoảng 559,86ha, quy mô lao động dự kiến khoảng 25.000-32.000 người.
Mục tiêu nhằm hình thành khu công nghiệp mới với hệ thống công trình hạ tầng kỹ thuật hiện đại, đồng bộ, đáp ứng đầy đủ nhu cầu hạ tầng của nhà đầu tư, tạo môi trường thuận lợi cho hoạt động sản xuất trong khu công nghiệp, đảm bảo kết nối với hệ thống hạ tầng kỹ thuật bên ngoài khu công nghiệp, đảm bảo tối đa hiệu quả kinh tế trong đầu tư xây dựng, phát triển bền vững, góp phần thu hút đầu tư phát triển kinh tế - xã hội cho TP. Cần Thơ.
Về tính chất, đây là khu công nghiệp phát triển chuyên sâu, thu hút đầu tư đa dạng các ngành công nghiệp nặng, công nghiệp tạo giá trị tăng cao, công nghiệp hỗ trợ, các ngành nghề đầu tư xây dựng, khai thác cảng, dịch vụ logistics... tạo thành cụm liên kết ngành trong khu công nghiệp.
Về loại hình sản xuất, dự kiến khu công nghiệp Vĩnh Thạnh (giai đoạn 2) bố trí đa dạng các ngành nghề với các loại hình hậu cần cảng biển, cảng cạn, kho tàng bến bãi.
Các phân khu chức năng gồm: Khu sản xuất công nghiệp kho bãi; khu hậu cần công nghiệp, logistics; khu hành chính - thương mại - dịch vụ; khu dịch vụ tiện ích - cơ sở lưu trú; các công trình hạ tầng- kỹ thuật; khu cây xanh, mặt nước.
Đồ án quy hoạch phân khu xây dựng tỷ lệ 1/2000 khu công nghiệp Vĩnh Thạnh (giai đoạn 2) TP. Cần Thơ được phê duyệt là cơ sở để xác định các dự án đầu tư xây dựng, lập quy hoạch chi tiết xây dựng (nếu có), triển khai các dự án đầu tư xây dựng và quản lý xây dựng theo quy hoạch được duyệt.
Cần Thơ nằm ở vùng Đồng bằng sông Cửu Long và là 1 trong 5 thành phố trực thuộc Trung ương của Việt Nam.
Theo quy hoạch đến năm 2025, TP. Cần Thơ sẽ trở thành trung tâm công nghiệp, thương mại - dịch vụ, giáo dục - đào tạo, khoa học - công nghệ, y tế và văn hóa của vùng Đồng bằng Sông Cửu Long, đồng thời là đô thị cửa ngõ của vùng hạ lưu sông Mê Kông, là đầu mối quan trọng về giao thông vận tải nội vùng và liên vận quốc tế.
>> Cảng biển lớn nhất 'đảo ngọc' Phú Quốc chính thức hoạt động trở lại
Sắp có khu công nghiệp nghìn tỷ chỉ cách Hà Nội 43km
Sau khi khu công nghiệp lâu đời nhất Việt Nam bị di dời, Đồng Nai sẽ xử lý đất như thế nào?