Đoàn công tác Trung ương khảo sát mỏ khai thác ‘kho báu’ trữ lượng 8 triệu tấn của PC1
Trong buổi làm việc với đoàn công tác Trung ương, lãnh đạo PC1 đã nêu ra một số vướng mắc trong quá trình thực hiện dự án khai thác mỏ Niken - Đồng tại Cao Bằng.
Vào ngày 14/8, đoàn công tác của Ban Kinh tế Trung ương đã có buổi làm việc, khảo sát tại CTCP Khoáng sản Tấn Phát - công ty con của Tập đoàn PC1 (HoSE: PC1) nằm ở xã Quang Trung, huyện Hòa An, tỉnh Cao Bằng.
Theo đó, ông Nguyễn Đức Hiển, Phó Trưởng Ban Kinh tế Trung ương đã làm việc với doanh nghiệp về việc xây dựng đề án sơ kết 5 năm thực hiện Nghị quyết số 39-NQ/TW ngày 15/1/2019 của Bộ Chính trị khóa XII về nâng cao hiệu quả quản lý, khai thác, sử dụng và phát huy các nguồn lực của nền kinh tế.
Tại đây, đoàn công tác đã khảo sát nhà máy tuyển Niken - Đồng của CTCP Khoáng sản Tấn Phát làm chủ đầu tư. Dự án này được đi vào hoạt động từ cuối tháng 4/2023 với tổng mức đầu tư giai đoạn 1 khoảng 1.700 tỷ đồng, diện tích 211ha, công suất khai thác và chế biến 600.000 tấn quặng nguyên khai/năm. Mỏ này hiện có tổng trữ lượng thô từ 7,5 - 8 triệu tấn.
Đến hết tháng 7/2024, công ty thực hiện khai thác và đưa vào nghiền tuyển hơn 384.000 tấn quặng nguyên khai, chế biến hơn 38.000 tấn quặng tinh Niken. Sản lượng tinh quặng sản xuất đạt 76,6% kế hoạch năm, đóng góp cho ngân sách tỉnh hơn 360 tỷ đồng.
Đoàn công tác của Ban Kinh tế Trung ương làm việc với CTCP Khoáng sản Tấn Phát |
Tại buổi làm việc, lãnh đạo Tập đoàn PC1 và CTCP Khoáng sản Tấn Phát chia sẻ một số khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện dự án, bao gồm hàm lượng khoáng sản Niken và Đồng thấp hơn nhiều so với mức trung bình của các mỏ khác, dẫn đến chi phí thăm dò, khai thác và chế biến tăng cao.
Hiện nay, nhà máy chỉ vận hành được 70% công suất thiết bị lắp đặt. Bên cạnh đó, giá Niken kim loại trên thị trường thế giới giảm mạnh, ảnh hưởng tiêu cực đến kết quả sản xuất kinh doanh và số thuế phải nộp tính trên giá trị doanh thu xuất khẩu.
Trước những phản ánh của doanh nghiệp, Phó Trưởng Ban Kinh tế Trung ương Nguyễn Đức Hiển đánh giá cao hiệu quả sản xuất kinh doanh của công ty trong thời gian qua, đồng thời ghi nhận các ý kiến và sẽ sớm có đề xuất với các bộ, ngành liên quan để phối hợp giải quyết các vấn đề về cơ chế, chính sách thuế đặc thù cho các mỏ ở vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn.
Phó Trưởng Ban cũng đề nghị công ty tiếp tục chú trọng công tác an toàn vệ sinh lao động và bảo vệ môi trường, tuân thủ các quy định pháp luật trong khai thác, chế biến và quản lý khoáng sản.
Theo đó, công ty nên tiếp tục cải tiến công nghệ, tối ưu hóa hoạt động sản xuất để nâng cao giá trị sản phẩm, đồng thời quan tâm đến việc nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, người lao động, thực hiện đầy đủ nghĩa vụ nộp ngân sách Nhà Nước. Ông cũng đề nghị tỉnh tiếp tục hỗ trợ, tạo điều kiện để công ty khắc phục khó khăn, thúc đẩy đầu tư dự án giai đoạn 2.