Đoàn đàm phán Chính phủ họp với các 'ông lớn' xuất khẩu hàng sang Mỹ
Bộ Công Thương vừa tổ chức Hội nghị thúc đẩy thương mại Việt Nam – Mỹ, quy tụ đại diện nhiều Bộ, ngành, hiệp hội và doanh nghiệp xuất khẩu chủ lực sang Mỹ nhằm chuẩn bị cho quá trình đàm phán thương mại với Mỹ trong bối cảnh mới.
Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về việc thúc đẩy thương mại Việt Nam – Mỹ theo hướng công bằng, bền vững và lâu dài, đồng thời nhằm hỗ trợ công tác đàm phán với phía Mỹ trong thời gian tới, Bộ Công Thương vừa tổ chức Hội nghị thúc đẩy thương mại Việt Nam – Mỹ.
Hội nghị do Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên chủ trì, với sự tham dự của đại diện các Bộ, ngành gồm: Bộ Ngoại giao, Tài chính, Xây dựng, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Tài nguyên và Môi trường, Khoa học và Công nghệ. Ngoài ra, tham dự còn có đại diện các hiệp hội ngành hàng, doanh nghiệp xuất khẩu trong các lĩnh vực có kim ngạch lớn sang thị trường Mỹ như: Dệt may, da giày, điện tử, thép, nhôm, điều, cơ khí… cùng các đơn vị thuộc Bộ Công Thương, thành viên Đoàn đàm phán Chính phủ và Tổ giúp việc về các vấn đề thương mại với Mỹ.
![]() |
Hình ảnh tại buổi làm việc |
Mở rộng thị trường, giảm sự phụ thuộc
Tại Hội nghị, các đại biểu thống nhất quan điểm rằng Mỹ là đối tác chiến lược toàn diện và là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam hiện nay. Ở chiều ngược lại, Việt Nam cũng là đối tác thương mại lớn thứ 8 của Mỹ. Người tiêu dùng Mỹ đánh giá cao hàng hóa Việt Nam nhờ chất lượng ổn định và giá thành hợp lý.
Đại diện các hiệp hội ngành hàng khẳng định, phần lớn sản phẩm xuất khẩu từ Việt Nam sang Mỹ đều tuân thủ đầy đủ các tiêu chuẩn kỹ thuật, quy định về xuất xứ, truy xuất nguồn gốc. Việt Nam sẵn sàng phối hợp làm rõ mọi quan ngại từ phía Mỹ liên quan tới quy trình sản xuất, nguồn nguyên liệu, hỗ trợ của Nhà nước hay các yếu tố khác.
Dù Mỹ là thị trường trọng điểm với quy mô lớn và tốc độ tăng trưởng cao, Việt Nam vẫn còn nhiều cơ hội hợp tác thương mại khác nhờ mạng lưới 17 Hiệp định thương mại tự do (FTA) đã ký kết với gần 70 nền kinh tế lớn trên thế giới. Đây là lợi thế quan trọng giúp doanh nghiệp mở rộng thị trường, đa dạng hóa chuỗi cung ứng và giảm thiểu rủi ro thương mại.
Tham mưu và chuẩn bị cho Đoàn đàm phán Chính phủ
![]() |
Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên - Trưởng Đoàn đàm phán Chính phủ về các vấn đề thương mại với Mỹ |
Cũng trong khuôn khổ Hội nghị, các đơn vị chức năng của Bộ Công Thương đã cập nhật thông tin về chính sách mới tại một số thị trường, phân tích tình hình thương mại Mỹ và ghi nhận khó khăn, kiến nghị từ các hiệp hội, doanh nghiệp. Những đề xuất này sẽ được tổng hợp, phục vụ công tác tham mưu và chuẩn bị cho Đoàn đàm phán Chính phủ.
Để tiếp tục hỗ trợ quá trình đàm phán với Mỹ, Bộ Công Thương đề nghị các doanh nghiệp, hiệp hội tiếp tục chủ động cung cấp thông tin, dữ liệu cụ thể nhằm chứng minh tính tuân thủ pháp lý, nguồn gốc xuất xứ và tiêu chuẩn hàng hóa xuất khẩu từ Việt Nam. Đồng thời, doanh nghiệp cần tích cực lên tiếng thông qua thư kiến nghị, phản ánh tới các cơ quan chức năng của Mỹ nhằm phản đối chính sách thuế bất hợp lý, vận động giới chức và người tiêu dùng Mỹ duy trì dòng chảy thương mại song phương ổn định.
Bên cạnh đó, Việt Nam mong muốn Mỹ sớm mở cửa thị trường cho các mặt hàng có hàm lượng công nghệ cao của Mỹ và có lộ trình cụ thể trong việc công nhận Việt Nam là nền kinh tế thị trường.
Về dài hạn, Bộ Công Thương kêu gọi cộng đồng doanh nghiệp đẩy mạnh tái cơ cấu sản xuất theo hướng xanh hóa, chuyển đổi số, tăng cường ứng dụng khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo; đồng thời tái cấu trúc ngành hàng, chuỗi cung ứng và thị trường xuất khẩu nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh và phát triển bền vững trong môi trường thương mại toàn cầu nhiều biến động.