Doanh nghiệp “cầu cứu” tỉnh An Giang vì không thể thuê được bến bãi xuất khẩu 50.000 tấn gạo
Nếu không nhanh chóng tìm được bến bãi xuất khẩu đủ 50.000 tấn gạo, nhiều khả năng doanh nghiệp này sẽ phải bồi thường hợp đồng cho đối tác đến từ Campuchia.
Công ty kinh doanh xuất khẩu gạo bị lừa thuê đất công
Mấy tháng qua, ông Phạm Hoàng Lâm, Chủ tịch Hội đồng quản trị CTCP nông nghiệp Lamcofood (Công ty Lamcofood - trụ sở tại huyện Châu Thành, tỉnh An Giang) phải chạy vạy nhiều nơi để “cầu cứu” lãnh đạo tỉnh An Giang và các sở, ngành tỉnh xin được hỗ trợ bến lên gạo tạm tại khu kinh tế cửa khẩu Tịnh Biên để kịp tiến độ xuất khẩu 50.000 tấn gạo cho đối tác Campuchia, nhưng chưa có kết quả.
Ông Lâm cũng là người đại diện theo pháp luật của CTCP Lâm Anh (Công ty Lâm Anh - trụ sở tại TP.HCM), được Bộ Công thương cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh xuất khẩu gạo từ năm 2018.
Theo thông tin từ báo Thanh niên, ông Lâm cho biết: "Năm 2023, Công ty Lâm Anh và Công ty Lamcofood liên kết xuất khẩu 50.000 tấn gạo nếp và gạo Nhật (Japonica) sang Campuchia thông qua cửa khẩu Tịnh Biên (An Giang). Thế nhưng, từ tháng 6 đến nay, do không có bến bãi riêng để lên gạo xuất khẩu nên chỉ mới giao cho đối tác Campuchia được khoảng 20.000 tấn, còn khoảng 30.000 tấn chưa giao được. Chưa đầy 1 tháng nữa là hết năm 2023, với tiến độ này thì khả năng công ty phải bồi thường hợp đồng cho đối tác rất lớn”.
Trước đó, do biết Công ty N.V.N (trụ sở huyện Tri Tôn, tỉnh An Giang) có thuê đất tại khu kinh tế cửa khẩu Tịnh Biên phục vụ nhu cầu xuất, nhập khẩu hàng hóa sang Campuchia nên từ tháng tháng 10/2020, Công ty Lamcofood thuê lại của công ty này phần đất giáp kinh Vĩnh Tế để làm 1 nhà tạm và 1 băng tải lên gạo xuất khẩu. Giá thuê giữa hai bên thỏa thuận thì Công ty Lamcofood trả cho Công ty N.V.N 22.000 đồng/tấn gạo lên tại bãi (không bao gồm chi phí bốc xếp).
Tính từ tháng 10/2020 đến cuối tháng 5/2023, tại bến lên hàng này, công ty của ông Lâm đã xuất 120.000 tấn gạo sang Campuchia và trả cho Công ty N.V.N khoảng 2,5 tỷ đồng tiền thuê bãi.
Thuê bến bãi hơn 2 năm, đến tháng 5/2023, phía Công ty Lamcofood mới biết Công ty N.V.N đã dùng đất công thuộc Ban Quản lý Khu kinh tế tỉnh An Giang quản lý để cho thuê làm nhà kho. Ngày 1/6, Công ty N.V.N cho người đến tháo dỡ nhà tạm, cắt điện, gỡ bảng hiệu Công ty Lamcofood xuống. Từ đó đến nay, doanh nghiệp của ông Lâm đã gặp rất nhiều khó khăn trong việc tìm địa điểm xuất hàng sang Campuchia.
Doanh nghiệp liên tục "kêu cứu" xin bến tạm lên gạo
Ông Lâm cho biết, khi có bến bãi riêng, công ty của ông sẽ chủ động và mỗi tháng xuất hơn 5.000 tấn gạo, tạo việc làm ổn định khoảng 30 lao động địa phương. Giờ không còn bến lên gạo, ông phải nhờ bến bãi của các công ty khác tại khu kinh tế cửa khẩu Tịnh Biên khi họ không xuất hàng, nên mỗi tháng chỉ xuất được khoảng 1.000 tấn gạo.
"Tôi đã nhiều lần gửi đơn cho Chủ tịch UBND tỉnh An Giang và các sở, ngành liên quan cầu cứu, xin được tạm xuống gạo và cam kết sẽ trả tiền thuê đất, tự nguyện tháo dỡ khi nhà nước có nhu cầu sử dụng đất để tiêu thụ gạo cho bà con và mang lại nguồn thu cho địa phương, nhưng rất lâu chưa được giải quyết. Trong khi đơn vị đã chiếm dụng đất công để cho tôi thuê làm bến bãi thu lợi bất chính khoảng 2,5 tỷ đồng chưa bị truy thu số tiền này, còn tôi thì liên tiếp bị yêu cầu tháo dỡ thiết bị băng tải, tài sản trên đất. Tôi rất mong tỉnh xem xét lại tạo điều kiện cho tôi được có bến bãi tạm để sớm xuất đủ lượng gạo cho phía Campuchia", ông Lâm nói.
Ngày 28/11, Văn phòng UBND tỉnh An Giang có văn bản truyền đạt ý kiến của ông Lê Văn Phước, Phó chủ tịch UBND tỉnh này, yêu cầu Ban Quản lý Khu kinh tế tỉnh An Giang chủ trì rà soát và khẩn trương phối hợp với các đơn vị có liên quan tổ chức làm việc để hỗ trợ, xử lý dứt điểm các vấn đề khó khăn, vướng mắc trong quá trình hoạt động xuất khẩu gạo của Công ty Lamcofood theo thẩm quyền, đảm bảo tính nghiêm minh và đúng quy định của pháp luật.
>>Dự chi 86.000 tỷ kéo dài tuyến metro Bến Thành - Suối Tiên về Bình Dương, Đồng Nai
20 lần nhận tiền từ doanh nghiệp của cựu Giám đốc Sở TN&MT tỉnh An Giang
Doanh nghiệp sở hữu quỹ đất 84.000ha của tỷ phú Trần Bá Dương đẩy mạnh đầu tư tại An Giang