Một số doanh nghiệp đầu tư nước ngoài có lượng công nhân và người lao động lớn muốn mua lại cả tòa nhà ở xã hội đứng tên doanh nghiệp để làm ký túc xá cho công nhân ở.
Bộ Xây dựng vừa nêu quan điểm liên quan đến vấn đề một số doanh nghiệp đầu tư nước ngoài ở Vĩnh Phúc có nhu cầu đặt hàng chủ đầu tư dự án nhà ở xã hội về việc mua lại cả tòa nhà để làm ký túc xá cho công nhân ở.
Cụ thể, về vấn đề phát triển nhà ở xã hội, tỉnh Vĩnh Phúc cho biết, một số doanh nghiệp đầu tư nước ngoài trong khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh có lượng công nhân và người lao động lớn có nhu cầu đặt hàng chủ đầu tư dự án nhà ở xã hội đầu tư xây dựng các khu nhà ở cho người lao động của mình, có nhu cầu mua lại cả tòa nhà đứng tên doanh nghiệp để làm ký túc xá cho công nhân ở.
Tuy nhiên theo quy định tại điều 49, Luật Nhà ở 2014 và điều 22, Nghị định 100/2015 của Chính phủ về phát triển và quản lý nhà ở xã hội thì doanh nghiệp không phải đối tượng để được mua nhà ở xã hội.
Vì vậy, việc các doanh nghiệp sản xuất đề xuất mua nhà ở, đất ở thuộc các dự án nhà ở xã hội để cho các công nhân, người lao động thuộc đơn vị thuê là không có cơ sở để giải quyết.
Theo đó, Vĩnh Phúc đề nghị sửa đổi các quy định của pháp luật về nhà ở (Luật Nhà ở năm 2014 và các Nghị định, Thông tư) để các doanh nghiệp được mua nhà ở xã hội cho công nhân, người lao động của mình thuê lại.
Bên cạnh đó, địa phương đề nghị sửa đổi Nghị định số 49/2021 của Chính phủ bổ sung quy định chuyển tiếp cho các dự án trước đây phải thực hiện nghĩa vụ nhà ở xã hội bằng tiền theo hướng cho phép các dự án này được áp dụng quy định tại khoản 2, khoản 3, Điều 2 Nghị định số 49/2021 (dự án có quy mô dưới hạn mức theo quy định, chủ đầu tư không phải dành quỹ đất 20% và có nghĩa vụ nộp tiền sử dụng đất cho toàn bộ diện tích đất của dự án theo quy định của pháp luật về đất đai).
Đối với kiến nghị trên, Bộ Xây dựng cho hay, hiện nay dự thảo sửa đổi Luật Nhà ở năm 2014 do Chính phủ trình Quốc hội đã bổ sung quy định cho phép doanh nghiệp, hợp tác xã theo quy định của pháp luật về doanh nghiệp, hợp tác xã thuê nhà lưu trú công nhân để cho người lao động trong đơn vị mình thuê lại (tại khoản 12 Điều 73 của dự thảo).
Pháp luật về nhà ở chỉ quy định trường hợp chủ đầu tư thực hiện nghĩa vụ nhà ở xã hội bằng hình thức nộp tiền theo quy định tại Khoản 2 Điều 5 Nghị định số 100/2015 của Chính phủ về phát triển và quản lý nhà ở xã hội (không có quy định yêu cầu chủ đầu tư phải nộp thêm khoản tiền tương đương giá trị quỹ đất 20% theo giá đất mà chủ đầu tư thực hiện nghĩa vụ với Nhà nước).
Nội dung nêu trên cũng thống nhất với quy định tại Khoản 4 Điều 1 Nghị định 49/2021: Trường hợp dự án đầu tư xây dựng nhà ở thương mại, khu đô thị có quy mô sử dụng đất nhỏ hơn 2ha tại các đô thị loại đặc biệt và loại I hoặc nhỏ hơn 5ha tại các đô thị loại II và loại III thì chủ đầu tư không phải dành quỹ đất 20% và có nghĩa vụ nộp tiền sử dụng đất cho toàn bộ diện tích đất của dự án theo quy định của pháp luật về đất đai, Bộ Xây dựng cho biết.
Tổng Công ty Đầu tư phát triển nhà và đô thị (HUD) có tân Chủ tịch Hội đồng thành viên
Mắc võng ngủ, bắc bếp nấu cơm ngoài hành lang ở 2 chung cư gần 60 năm tuổi