Doanh nghiệp nói gì về thông tin bước đầu đàm phán thuế quan?
Trong 5 tháng đầu năm 2025, Việt Nam xuất khẩu sang Mỹ lượng hàng hóa trị giá 57,1 tỷ USD. Ở chiều ngược lại, kim ngạch nhập khẩu hàng hoá từ Mỹ tăng 24,9% so với cùng kỳ năm trước. Trước thông tin bước đầu về thuế quan Mỹ, doanh nghiệp vẫn chờ thông tin chính thức từ phía Bộ Công Thương để lên phương án xuất, nhập khẩu cuối năm.
Chờ thông tin chính thức
Trao đổi với PV Tiền Phong, ông Ngô Sỹ Hoài - Phó Chủ tịch Hiệp hội gỗ, lâm sản Việt Nam cho biết: “Doanh nghiệp ngành hàng gỗ chúng tôi xuất sang Mỹ trên 50% số sản phẩm gỗ xuất khẩu của Việt Nam, chủ yếu là đồ gỗ nội ngoại thất, tinh chế, nhưng cũng có một phần gỗ dán, ván ghép thanh và nhiều loại sản phẩm khác. Chúng tôi vẫn chờ thông tin chính thức từ Bộ Công thương về con số cụ thể với mặt hàng gỗ”.
Theo ông Hoài, doanh nghiệp xuất khẩu gỗ đang trong thế “khó chồng khó” không chỉ lo lắng về thuế quan mà còn đang chịu điều tra theo Mục 232, Đạo luật Mở rộng thương mại năm 1962 đối với gỗ và sản phẩm gỗ. Trong đó, phía Mỹ có thể áp thuế lên gỗ cao gấp nhiều lần thuế đối ứng.
“Từ lúc Tổng thống Mỹ tuyên bố về thuế quan từ đầu tháng 4 đến nay, các doanh nghiệp gỗ tăng tốc nhập khẩu sang Mỹ bởi doanh nghiệp Mỹ cũng muốn dự trữ cũng như doanh nghiệp Việt đẩy hàng tồn kho. Tôi mong sớm có mức thuế quan cụ thể để doanh nghiệp lên kịch bản tăng trưởng cũng như ứng phó", ông Hoài nói.
TS. Bùi Kiến Thành - chuyên gia kinh tế nhận định, dù chưa có công bố chính thức về mức thuế đối ứng nhưng thông tin về cuộc điện đàm giữa Tổng Bí thư Tô Lâm với Tổng thống Mỹ Donald Trump diễn ra tối 2/7 cùng tuyên bố của ông Trump sau đó đã là những tín hiệu rất tích cực và lạc quan đối với nền kinh tế của cả hai nước.
![]() |
Doanh nghiệp gỗ chờ thông tin chính thức về thuế quan |
"Ngay cả với thông tin chưa được xác nhận là Mỹ sẽ áp khung thuế thì vẫn giúp hàng hóa Việt Nam giữ được lợi thế cạnh tranh với nhiều nước khác. Tất nhiên, chúng ta vẫn cần chờ những thông tin chính xác cũng như mức thuế cụ thể mà Mỹ áp cho từng quốc gia", ông Thành nói.
Ông phân tích thêm, nếu bị áp mức thuế cao hơn dành cho hàng hóa trung chuyển qua Việt Nam, vấn đề mấu chốt là cần chờ thông tin cụ thể, cách định nghĩa và quy định chi tiết thế nào là hàng hóa trung chuyển, cũng như giải pháp của Việt Nam để đàm phán với Mỹ, nhằm giảm thiểu tác động.
Con số tăng trưởng xuất - nhập ấn tượng
Theo số liệu từ Hải Quan Việt Nam, trong 5 tháng đầu năm 2025, Việt Nam xuất khẩu sang Mỹ lượng hàng hóa trị giá 57,1 tỷ USD tăng 27,4% so với cùng kỳ năm ngoái.
Có 10 mặt hàng đạt giá trị xuất khẩu trên 1 tỷ USD với tổng kim ngạch đạt 50,52 tỷ USD, chiếm 87,6% tổng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang Mỹ 5 tháng đầu năm 2025.
Trong đó có 4 nhóm hàng chiếm tỷ trọng hơn 10% bao gồm máy tính và linh kiện với 14,5 tỷ USD (25,5%); máy móc thiết bị với 9,2 tỷ USD (16,2%) và dệt may với 6,7 tỷ USD (11,8%).
![]() |
Trong 5 tháng đầu năm 2025, Việt Nam xuất khẩu sang Mỹ lượng hàng hóa có trị giá 57,1 tỷ USD. |
Xếp sau lần lượt là các nhóm hàng: điện thoại các loại và linh kiện (4,4 tỷ USD); gỗ và sản phẩm gỗ (3,7 tỷ USD); hàng hóa khác (3,6 tỷ USD)...
Ở chiều ngược lại, kim ngạch nhập khẩu hàng hóa từ Mỹ trong 5 tháng đầu năm 2025 đạt 7,2 tỷ USD, tăng 24,9% so với cùng kỳ năm trước.
Trong 43 mặt hàng nhập khẩu từ Mỹ (không kể hàng hóa khác), mặt hàng nhập khẩu nhiều nhất từ thị trường Mỹ là: Máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện đạt 2,2 tỷ USD, tăng 57,6% so với cùng kỳ năm trước, chiếm 31%. Tiếp đến là bông các loại đạt 621,8 triệu USD, tăng 55,3%...
Một số mặt hàng có kim ngạch nhập khẩu tăng so với tháng trước: Hàng rau quả tăng 52,2%; gỗ và sản phẩm gỗ 54,9%; đá quý kim loại quý tăng 54,1%; bánh kẹo và các sản phẩm tăng 814,3%.
![]() |
Các ngành hàng xuất khẩu sang Mỹ 5 tháng đầu năm nay (đồ hoạ: Quyền Thành). |
Mới đây, vào cuối tháng 4 vừa qua, Tổng công ty Hàng không Việt Nam (Vietnam Airlines) và Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) ký kết Biên bản ghi nhớ hợp tác thu xếp vốn cho dự án đầu tư 50 máy bay thân hẹp. Theo kế hoạch, khoản tài trợ sẽ bao gồm vốn trả trước và khoản vay dài hạn, được triển khai từ năm 2026 đến 2032.
Đây là một phần trong chuỗi giải pháp mà Vietcombank cùng khách hàng đang triển khai để thúc đẩy nhập khẩu máy móc, thiết bị từ Mỹ, giảm thặng dư thương mại và hạn chế khả năng bị áp thuế.
>>Tổng thống Donald Trump thông báo đạt được thỏa thuận thương mại với Việt Nam
Mỹ, EU tung 'cú đấm' thuế quan đánh thẳng vào thép Việt, đối trọng của Hòa Phát (HPG) gặp biến lớn
Tiền vào chứng khoán tăng vọt sau thỏa thuận thuế quan mới Mỹ - Việt