Doanh nghiệp than lãi vay quá cao - khó khăn đủ bề, Ngân hàng Nhà nước lên tiếng lý giải

17-05-2023 13:52|Linh Nhi

NHNN đã cung cấp hàng loạt con số để cho thấy áp lực về cung ứng vốn cho nền kinh tế trong đó có sự chênh lệch lớn giữa huy động - cho vay, huy động ngắn hạn – cho vay dài hạn.

Lý giải về việc lãi suất cho vay hiện còn cao, theo NHNN, đến nay, hệ thống ngân hàng vẫn là kênh cung ứng vốn chủ yếu cho nền kinh tế. Nền kinh tế Việt Nam phụ thuộc chủ yếu vào nguồn vốn tín dụng ngân hàng.

Chệch lệch huy động - cho vay

Theo đó, tỷ lệ tín dụng/GDP cuối năm 2022 ở mức 125,34%. Trong khi nhu cầu vốn để phát triển kinh tế luôn ở mức cao, tạo áp lực lên lãi suất cho vay.

Thông tin từ Ngân hàng Nhà nước cho biết, về cơ bản mặt bằng lãi suất đã ổn định, lãi suất phát sinh mới có xu hướng giảm dần trong những tháng đầu năm 2023.

Lãi suất tiền gửi bình quân phát sinh mới của các ngân hàng thương mại ở mức khoảng 6,3%/năm (giảm 0,18%/năm so với cuối năm 2022); lãi suất cho vay bình quân VND phát sinh mới của các ngân hàng ở mức khoảng 9,3%/năm (giảm 0,65%/năm so với cuối năm 2022).

Doanh nghiệp than lãi vay quá cao - khó khăn đủ bề, Ngân hàng Nhà nước lên tiếng lý giải

Sau dịch Covid-19, kinh tế phục hồi trở lại nên nhu cầu vốn cho sản xuất kinh doanh gia tăng, hệ thống ngân hàng sử dụng tối đa nguồn huy động cho phép để đáp ứng vốn cho nền kinh tế.

Hiện chênh lệch tiền gửi và tín dụng bằng VND ở mức 167 ngàn tỷ đồng; hệ số sử dụng vốn trên thị trường 1 (tỷ lệ tín dụng/huy động vốn thị trường 1) bằng VND ở mức 101,45%, giảm so với mức 102,28% cuối năm 2022 nhưng vẫn ở mức rất cao.

Hệ thống ngân hàng chủ yếu huy động vốn ngắn hạn (khoảng 88% tiền gửi là kỳ hạn 12 tháng trở xuống) nhưng vẫn phải đáp ứng các nhu cầu cho vay trung dài hạn (trên 52% dư nợ tín dụng VND của hệ thống là trung dài hạn) nên đã tạo sức ép lên lãi suất huy động.

Áp lực lãi suất

Đồng thời, áp lực gia tăng lãi suất luôn tồn tại do Việt Nam có độ mở kinh tế lớn, biến động của thị trường tài chính, tiền tệ thế giới tác động nhanh và mạnh lên lãi suất, tỷ giá trong nước.

Mặt bằng lãi suất thế giới gia tăng trong năm 2022 và vẫn ở mức cao trong các tháng đầu năm 2023 gây áp lực tới lãi suất trong nước.

Các NHTW lớn trên thế giới vẫn tiếp tục triển khai lộ trình thắt chặt chính sách tiền tệ và duy trì lãi suất ở mức cao, Fed đã 10 lần tăng lãi suất (hiện lãi suất mục tiêu Fed Fund ở mức 5,0-5,25%/năm; ECB: lãi suất tái cấp vốn là 3,5%/năm, lãi suất tiền gửi là 3,0%/năm).

Không chỉ áp lực từ bên ngoài mà trong áp lực lạm phát trong nước cũng ảnh hưởng tới lãi suất. Hiện lạm phát bình quân 4 tháng đầu năm 2023 ở mức 3,84%; lạm phát cơ bản tăng 4,9%; trong khi mục tiêu lạm phát năm 2023 là 4,5%.

Doanh nghiệp than lãi vay quá cao - khó khăn đủ bề, Ngân hàng Nhà nước lên tiếng lý giải

Áp lực lạm phát hiện hữu, tiểm ẩn, khiến người dân kỳ vọng lãi suất thực dương nên các tổ chức tín dụng khó giảm lãi suất để thu hút tiền gửi, khiến chi phí đầu vào của tổ chức tín dụng ở mức cao.

Huy động vốn đến ngày 27/4/2023 tăng 1,78%, chỉ bằng gần 50% so với tốc độ tăng trưởng tín dụng 3,04%.

Thời gian tới, trên cơ sở diễn biến kinh tế vĩ mô, thị trường tiền tệ trong và ngoài nước, NHNN sẽ nghiên cứu điều hành lãi suất phù hợp với cân đối vĩ mô, lạm phát và mục tiêu chính sách tiền tệ; đồng thời tiếp tục khuyến khích các tổ chức tín dụng triển khai các giải pháp tiết giảm chi phí để giảm mặt bằng lãi suất cho vay, nhằm hỗ trợ doanh nghiệp, người dân phục hồi và phát triển sản xuất, kinh doanh.

Gói hỗ trợ lãi suất 2% "ế chỏng chơ": Một tỉnh chỉ mới giải ngân được 46 triệu đồng

Chuyên gia nói gì về việc lãi suất tiết kiệm đồng loạt giảm nhưng lãi vay vẫn chưa hạ nhiệt?

4 "ông lớn" ngân hàng tiếp tục làn sóng giảm lãi suất huy động

Theo Kiến thức Đầu tư
https://dautu.kinhtechungkhoan.vn/doanh-nghiep-than-lai-vay-qua-cao-kho-khan-du-be-ngan-hang-nha-nuoc-len-tieng-ly-giai-183553.html
Đừng bỏ lỡ
Nổi bật Người quan sát
Doanh nghiệp than lãi vay quá cao - khó khăn đủ bề, Ngân hàng Nhà nước lên tiếng lý giải
POWERED BY ONECMS & INTECH