Doanh nghiệp

Doanh nghiệp thấp thỏm lo sắp phải đóng khoản phí nghìn tỷ

Trần Trung 28/07/2023 - 22:56

Ước tính, các doanh nghiệp sẽ phải đóng khoảng 6.000 tỷ đồng/năm chi phí tái chế giấy, nhựa và kim loại, chưa tính các loại bao bì khác. Mức phí trên được cho là cao hơn cả các nước phát triển.

Hiệp hội Bia Rượu Nước Giải khát Việt Nam (VBA), Hiệp hội Nhựa Việt Nam (VPA) và Hội Lương thực Thực phẩm TP.HCM (FFA) đang bày tỏ quan ngại về Dự thảo Quyết định ban hành định mức chi phí tái chế đối với một đơn vị khối lượng sản phẩm, bao bì (gọi tắt là Fs).

Định mức này sẽ là căn cứ xác định mức đóng góp hỗ trợ tái chế, thực hiện trách nhiệm mở rộng của các nhà sản xuất, nhập khẩu (gọi tắt là EPR).

Dự thảo trên đang được Bộ TN&MT xây dựng. Nếu được thông qua, chế tài có hiệu lực từ 1/1/2024.

Ngày 28/7, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cùng các bên liên quan lần thứ hai tổ chức hội thảo lấy ý kiến về dự thảo.

Bà Chu Thị Vân Anh, Phó chủ tịch VBA, thông tin, theo dự thảo, Fs của nhôm áp dụng trong nước đang cao hơn gấp 1,26 lần Fs trung bình tại các nước Tây Âu; Fs thủy tinh cao hơn 2,12 lần. Như vậy, đề xuất Fs trong dự thảo nếu được ban hành, sẽ ảnh hưởng lớn tới môi trường kinh doanh và “sức khoẻ” của doanh nghiệp.

Theo tính toán, chỉ riêng 3 loại bao bì chính là giấy, nhựa và kim loại, các doanh nghiệp sẽ phải đóng phí tái chế ước tính là 6.127 tỷ đồng/năm, chưa kể phí tái chế cho nhiều loại bao bì, sản phẩm thải bỏ khác. Đây là khoản chi phí rất lớn, gây nhiều khó khăn cho doanh nghiệp và đẩy giá sản phẩm tăng cao.

Định mức chi phí tái chế cao có thể đẩy giá hàng hoá tới tay người tiêu dùng tăng theo. (Ảnh minh họa).

Bà Vân Anh nêu ví dụ, với mức Fs đề xuất cho chai nhựa cứng PET, giá thành chai nước 500ml tăng lên 61 đồng/chai, tương đương mức tăng 1,62%. Đó là còn chưa kể đến bao bì các tông, thùng đựng, phương tiện vận chuyển,... đều phải đóng phí tái chế.

Trong khi đó, bà Huỳnh Thị Mỹ, Tổng thư ký VPA, thông tin, riêng ngành nhựa, năm 2022 Việt Nam tiêu thụ 9,2 triệu tấn nguyên liệu nhựa, trong đó nhóm bao bì chiếm 38%, tương đương gần 3,5 triệu tấn. Với mức phí Fs như đề xuất của Bộ TN&MT, chỉ riêng tiền đóng góp tái chế đã chiếm gần 40% lợi nhuận của doanh nghiệp. Bà kiến nghị, cơ quan Nhà nước cần xem xét lại mức Fs cho phù hợp với nền kinh tế trong nước.

Ông Nguyễn Hồng Uy, đại diện Tiểu ban thực phẩm, dinh dưỡng của Hiệp hội Doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam (EuroCham), chia sẻ, ngày 17/6, Thủ tướng Anh đã phải ngừng ban hành thuế bao bì. Loại thuế này gây gánh nặng lên tới 1.035 bảng Anh/hộ gia đình/năm (tương đương 30 triệu đồng).

"Để tái chế giấy, nhựa và kim loại mà chi phí ước tính đã lên tới hơn 6.000 tỷ đồng/năm thì tổng EPR sẽ lên tới hàng chục nghìn tỷ/năm, tạo gánh nặng lớn cho doanh nghiệp và đánh vào giá bán sản phẩm cho người tiêu dùng. Bộ TN&MT cần xem xét mức phí hợp lý để vừa bảo vệ môi trường, phát triển bền vững cho doanh nghiệp", ông Uy kiến nghị.

Phó Tổng thư ký VCCI, ông Đậu Anh Tuấn, cho biết, cơ quan này cùng các hiệp hội, doanh nghiệp, ngành hàng mong muốn chia sẻ, đóng góp ý kiến xây dựng để có dự thảo định mức tái chế Fs phù hợp, khả thi nhất cho cả mục tiêu bảo vệ môi trường và sản xuất, tiêu thụ bền vững. Nếu không có Fs phù hợp thì sẽ không thể triển khai EPR hiệu quả.

Theo quy định của Luật Bảo vệ Môi trường, từ 1/1/2024, nhà sản xuất, nhập khẩu phải thực hiện EPR. Theo đó, doanh nghiệp được lựa chọn hình thức tổ chức tái chế sản phẩm, bao bì hoặc đóng góp tài chính vào Quỹ Bảo vệ Môi trường Việt Nam để hỗ trợ tái chế.

Chính phủ giao Bộ TN&MT ban hành định mức Fs cụ thể cho từng loại sản phẩm, bao bì với chu kỳ điều chỉnh 3 năm một lần.

Đến nay, Bộ TN&MT đã xây dựng dự thảo quyết định và trình Thủ tướng Chính phủ ban hành định mức chi phí tái chế hợp lý, hợp lệ đối với một đơn vị khối lượng sản phẩm, bao bì và chi phí quản lý hành chính phục vụ quản lý, giám sát, hỗ trợ thực hiện trách nhiệm thu gom, xử lý chất thải của nhà sản xuất, nhập khẩu.

Cụ thể về thủ tục và chi phí xin cấp lại sổ đỏ đã mất

Ô tô ra vào sân bay Nội Bài không phải dừng thu phí

Theo vietnamnet.vn
https://vietnamnet.vn/doanh-nghiep-thap-thom-lo-sap-phai-dong-khoan-phi-nghin-ty-2170769.html
Bài liên quan
Đừng bỏ lỡ
    Đặc sắc
    Nổi bật Người quan sát
    Doanh nghiệp thấp thỏm lo sắp phải đóng khoản phí nghìn tỷ
    POWERED BY ONECMS & INTECH