Doanh nghiệp A-Z

Doanh nghiệp thép lao đao giữa cơn bão giá, mắc kẹt 6.700 tỷ đồng trong dự án 'đắp chiếu' hơn chục năm

Ánh Nguyệt 23/10/2024 18:30

Trong bối cảnh ngành thép đối mặt với nhiều thách thức, doanh nghiệp này phải chịu áp lực lớn từ dự án mở rộng Gang thép Thái Nguyên giai đoạn 2 sau hơn chục năm "đắp chiếu".

Mới đây, CTCP Gang thép Thái Nguyên (TISCO: TIS) đã công bố báo cáo tài chính hợp nhất quý III/2024, ghi nhận khoản lỗ gần 79 tỷ đồng, gấp đôi so với cùng kỳ năm trước (lỗ 194 tỷ đồng). Theo giải trình, ngành thép tiếp tục đối mặt với khó khăn khi giá bán tiếp tục giảm sâu, trong khi giá nguyên vật liệu đầu vào không giảm đáng kể, dẫn đến lỗ gộp trung bình 18.253 đồng/tấn, chưa bao gồm chi phí khác.

Khoản lỗ này tiếp tục bào mòn lợi nhuận chưa phân phối của TISCO, chỉ còn lại hơn 15 tỷ đồng tính đến cuối quý III/2024.

Trong bối cảnh ngành thép đang gặp nhiều thách thức, TISCO vẫn phải gồng mình chịu áp lực từ dự án cải tạo và mở rộng sản xuất Công ty Gang thép Thái Nguyên giai đoạn 2.

Tại thời điểm ngày 30/9/2024, tổng giá trị đầu tư vào dự án này lên đến 6.797 tỷ đồng, trong đó chi phí lãi vay vốn hóa ghi nhận 3.590 tỷ đồng.

Doanh nghiệp ghi nhận hơn 4.911 tỷ đồng khoản nợ vay ngân hàng để đầu tư cho dự án mở rộng Gang thép Thái Nguyên giai đoạn 2, trong đó có hơn 1.008 tỷ đồng sắp đến hạn và 1.076 tỷ đồng đã quá hạn thanh toán. Việc ghi nhận nợ vay lớn khiến cho TISCO cũng chịu áp lực lãi vay trong suốt thời gian dự án bị đình trệ.

Doanh nghiệp thép lao đao giữa cơn bão giá, mắc kẹt 6.700 tỷ đồng trong dự án 'đứng bánh' hơn chục năm
TISCO chịu áp lực vay nợ lớn từ dự án mở rộng Gang thép Thái Nguyên giai đoạn 2

Được biết, dự án mở rộng Gang thép Thái Nguyên giai đoạn 2 được khởi công tháng 9/2007 với tổng mức đầu tư 3.843 tỷ đồng, thời gian thực hiện dự án là đến hết năm 2014.

Tuy nhiên, trong thời gian triển khai, dự án đã gặp vướng mắc liên quan đến nhà thầu Tổng Công ty Xây dựng Công nghiệp nặng Trung Quốc (MCC) khiến dự án bị “đắp chiếu” trong chục năm qua.

Cụ thể, nhà thầu MCC đã ký hợp đồng EPC (hợp đồng tổng thầu thiết kế, cung cấp thiết bị và thi công xây dựng) với TISCO vào năm 2007 nhưng không hoàn thành nghĩa vụ như đã cam kết.

Theo kết luận của các cơ quan điều tra vào năm 2021, MCC đã tự ý dừng thi công và không tiếp tục thực hiện các hạng mục còn lại, gây đình trệ nghiêm trọng. Bên cạnh đó, việc thay đổi đơn giá và điều chỉnh hợp đồng không được thực hiện đúng quy định, dẫn đến tranh chấp kéo dài giữa TISCO và MCC. Những vi phạm từ phía nhà thầu MCC kết hợp với sự thiếu trách nhiệm từ chủ đầu tư, đã gây thiệt hại lớn cho dự án.

Nhà thầu này cũng bị phát hiện không hoàn tất các phần việc cần thiết và đã để tình trạng các thiết bị nhập khẩu bị hỏng hóc do không có kho chứa đúng quy định. Điều này khiến cho dự án đội vốn đầu tư lên hơn 8.104 tỷ đồng (tăng hơn 4.200 tỷ đồng) và tạm ngừng triển khai trong nhiều năm qua.

Trước tình hình này, Tổng Công ty Thép Việt Nam cũng đã đề xuất chấm dứt hợp đồng EPC với nhà thầu MCC. Phía Việt Nam sẽ hoàn tất phần dự án dở dang còn lại của dự án.

>> Nhà cung cấp nguyên liệu hàng đầu cho Hòa Phát: Doanh thu nghìn tỷ, lợi nhuận ‘nhỏ giọt’ chỉ vài tỷ đồng

Hòa Phát (HPG) lựa chọn nhà máy thép 86.000 tỷ đồng để sản xuất thanh ray dài 100m cho tuyến đường sắt tốc độ cao

Doanh nghiệp thép miền Nam sắp xây dự án nhà máy có quy mô gấp 2,5 lần vốn chủ

Theo Kiến thức Đầu tư
https://dautu.kinhtechungkhoan.vn/doanh-nghiep-thep-lao-dao-giua-con-bao-gia-mac-ket-6700-ty-dong-trong-du-an-dung-banh-hon-chuc-nam-255517.html
Bài liên quan
Đừng bỏ lỡ
    Đặc sắc
    Nổi bật Người quan sát
    Doanh nghiệp thép lao đao giữa cơn bão giá, mắc kẹt 6.700 tỷ đồng trong dự án 'đắp chiếu' hơn chục năm
    POWERED BY ONECMS & INTECH