Vĩ mô

Doanh nghiệp Việt Nam tham gia sâu vào chuỗi cung ứng toàn cầu: Không dễ!

Khúc Văn 27/06/2024 - 16:10

Chuyên gia cho rằng, dù có nhiều cơ hội nhưng việc tham gia sâu vào chuỗi cung ứng của doanh nghiệp còn gặp không ít thách thức.

Không ít thách thức

TS. Nguyễn Quốc Việt, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu kinh tế và chính sách (VEPR) cho biết, Việt Nam được lựa chọn trở thành địa chỉ mới trong chiến lược đa dạng hoá chuỗi sản xuất, chuỗi cung ứng của các quốc gia, các tập đoàn, doanh nghiệp hàng đầu thế giới.

Cụ thể, tính từ cuối năm 2023 đến nay, nhiều tập đoàn công nghệ lớn đã đặt sự quan tâm và đang dần chuyển dịch chuỗi cung ứng sang Việt Nam. Bên cạnh đó, một số tập đoàn, doanh nghiệp lớn tuy chưa đầu tư trực tiếp nhưng đã hướng đến khu vực sản xuất của Việt Nam để đặt hàng cung ứng nguyên liệu, thiết bị đầu vào cho sản xuất, bao gồm các doanh nghiệp công nghệ cao có uy tín toàn cầu như Apple, Amazon...

Doanh nghiệp Việt Nam tham gia sâu vào chuỗi cung ứng toàn cầu: Không dễ!
Việt Nam được lựa chọn trở thành địa chỉ mới trong chiến lược đa dạng hoá chuỗi sản xuất

Trong 5 tháng đầu năm 2024, Việt Nam đứng thứ 2 ở khu vực về thu hút đầu tư, khẳng định môi trường kinh doanh có nhiều điểm tương đối hấp dẫn, do vậy, việc tham gia sâu vào chuỗi cung ứng, chuỗi sản xuất là rất cần thiết với doanh nghiệp Việt Nam.

Dù vậy, ông Việt cũng thẳng thắn cho rằng, dù có nhiều cơ hội nhưng việc tham gia sâu vào chuỗi cung ứng của doanh nghiệp còn gặp không ít thách thức.

Ông Việt lý giải, nhìn ở góc độ vĩ mô, có thể thấy mức độ phức tạp của nền kinh tế Việt Nam nói chung chưa cao. Mức độ phức tạp của nền kinh tế được quy định bởi trình độ công nghệ, đổi mới công nghệ trong các doanh nghiệp, nhất là các doanh nghiệp nội địa nhưng hiện nay tỷ trọng này tại các doanh nghiệp còn thấp. Giá trị tăng thêm trong các ngành công nghiệp, đáng chú ý là ngành công nghiệp chế biến chế tạo đòi hỏi trình độ cao, tham gia sâu vào chuỗi cung ứng còn thấp.

Ví dụ, ngành dệt may phần giá trị tăng thêm có thể đạt được 50% nhưng ngành điện tử, máy móc thiết bị lại chưa đạt được con số này. Những ngành sản xuất công nghệ cao, thiết bị thông minh chỉ đâu đó tham gia được khoảng 10%, đầu vào chủ yếu phải nhập khẩu từ các nước Đông Bắc Á, Trung Quốc phục vụ cho lắp ráp, chế tạo và xuất khẩu.

Bên cạnh đó, Việt Nam tuy có lợi thế về nguồn nhân lực nhưng chủ yếu bị hút các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài. Cơ sở vật chất của các doanh nghiệp nội địa cũng cần được nâng cấp để đáp ứng yêu cầu, bao gồm nhà xưởng, kho hàng, thiết bị máy móc, công nghệ cao và phương tiện vận chuyển. Một số doanh nghiệp gặp khó khăn với các tiêu chuẩn về xử lý chất thải môi trường, đặc biệt là doanh nghiệp quy mô nhỏ không thể đầu tư vào hệ thống xử lý chất thải hiện đại.

Hơn nữa, dù đã có Quỹ hỗ trợ tín dụng dành cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ tham gia chuỗi công nghiệp phụ trợ nhưng quy mô tín dụng chưa lớn, khả năng tiếp cận nguồn vốn của doanh nghiệp còn gặp không ít khó khăn. Theo phản ánh của doanh nghiệp, họ mất nhiều thời gian để thực hiện hồ sơ tiếp cận vốn tín dụng từ nguồn quỹ.

Về phía doanh nghiệp, bà Nguyễn Thị Vân Anh, Giám đốc Cung ứng Công ty Cổ phần Công nghệ và Thương mại Systech chia sẻ, Việt Nam ngày càng thu hút được lượng lớn vốn đầu tư FDI, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp trong nước có thêm cơ hội cung ứng hàng hóa cho nhiều tập đoàn lớn trên thế giới, đặc biệt ngành điện tử, lắp ráp.

Tuy nhiên, hiện tỷ lệ nội địa hoá đối với các ngành điện tử, gia dụng hay ô tô và xe máy chỉ đạt khoảng 30-40% đã cho thấy những thách thức không nhỏ với các doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ của Việt Nam.

Theo bà Vân Anh, những thách thức này xuất hiện do sự suy giảm kinh tế toàn cầu, buộc các nhà máy phải giảm sản lượng. Và khi thị trường bị thu hẹp, giá nhiều loại hàng hóa, nguyên nhiên vật liệu đầu vào tăng, chi phí nhân công, thuê mặt bằng tại Việt Nam cũng tăng kéo theo chi phí sản xuất và áp lực cạnh tranh ở mức cao…

Thêm vào đó, xu hướng các tập đoàn đa quốc gia đang thực hiện chiến lược chuyển dịch chuỗi cung ứng, sản xuất đến gần với thị trường tiêu thụ và đa dạng hóa chuỗi cung ứng sản xuất, thay vì chỉ tập trung nhà máy sản xuất ở một số nước như Trung Quốc, Việt Nam, làm gia tăng đối thủ cạnh tranh của Việt Nam trong chuỗi cung ứng.

Ngoài ra, Việt Nam chưa chủ động được nguồn nguyên vật liệu, chủ yếu nhập khẩu, dẫn đến chi phí sản xuất tăng, khả năng cạnh tranh thấp so với các doanh nghiệp nước ngoài có lợi thế nguồn nguyên liệu sản xuất ở nước sở tại hoặc quy mô sản xuất lớn hơn nhiều nên chi phí đầu vào thấp.

“Đây chính là những khó khăn lớn nhất mà các doanh nghiệp phụ trợ như Systech đang gặp phải ở thời điểm hiện tại”, bà Vân Anh khẳng định.

>>Chuỗi cung ứng toàn cầu dịch chuyển về Châu Á, Trung Quốc chịu tổn hại lớn

Chính sách hỗ trợ phải xuất phát từ nhu cầu của doanh nghiệp

Thời gian qua, để hỗ trợ doanh nghiệp Việt gia nhập sâu hơn và giá trị hơn vào chuỗi cung ứng toàn cầu, Chính phủ cũng đã ban hành nhiều chính sách liên quan đến xúc tiến thương mại; xây dựng thương hiệu quốc gia; phát triển công nghiệp hỗ trợ và xuất nhập khẩu hàng hoá.

Tuy nhiên, nhiều ý kiến cho rằng, các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp tham gia chuỗi giá trị toàn cầu thời gian qua được ban hành quá nhiều hay như nhiều doanh nghiệp vẫn chỉ ra, rất khó để tiếp cận được các chính sách hỗ trợ. Vì vậy, theo các chuyên gia, trong thời gian tới, chính sách hỗ trợ phải xuất phát từ nhu cầu của doanh nghiệp.

Doanh nghiệp Việt Nam tham gia sâu vào chuỗi cung ứng toàn cầu: Không dễ!
Chính sách hỗ trợ phải xuất phát từ nhu cầu của doanh nghiệp.

Với quan điểm của ông Nguyễn Văn Hội, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Chiến lược và Chính sách Công Thương, Bộ Công Thương, cần định hướng hoàn thiện chính sách hỗ trợ doanh nghiệp gia nhập sâu và giá trị hơn trong chuỗi cung ứng toàn cầu.

Thứ nhất, tổ chức các Hội chợ triển lãm, xúc tiến thương mại, đầu tư, phát triển thị trường, đa dạng hóa hình thức quảng bá, giới thiệu sản phẩm xuất khẩu.

Thứ hai, xây dựng và phát triển các thương hiệu. Nhận thức cho các doanh nghiệp về lao động, môi trường… trong các FTAs.

Thứ ba, quy tắc xuất xứ, phòng vệ thương mại. Doanh nghiệp cũng cần đa dạng hoá thị trường xuất khẩu.

Thứ tư, xây dựng hàng rào kỹ thuật như áp dụng các tiêu chuẩn kỹ thuật nhập khẩu, kiện chống bán phá giá, đánh thuế môi trường... để bảo vệ sản xuất trong nước.

Cũng theo bà Vân Anh, muốn tham gia sâu hơn vào chuỗi cung ứng toán cầu, các doanh nghiệp Việt Nam cần thay đổi mạnh mẽ về tư duy đáp ứng khách hàng. Doanh nghiệp cần đầu tư nguồn lực từ 10-20% cho việc nghiên cứu và phát triển thì mới có thể sản xuất ra các sản phẩm có hàm lượng công nghệ cao, cạnh tranh được với các quốc gia Nhật Bản, Mỹ, Trung Quốc, Ấn Độ…

Đồng thời, các doanh nghiệp cũng nên triển khai và áp dụng nhuần nhuyễn các công cụ quản lý theo tiêu chuẩn quốc tế như ISO9001, ISO14001,… để nâng cao tính chuyên nghiệp và mức độ tin tưởng đối với các tập đoàn lớn từ nước ngoài, để họ tin tưởng và lựa chọn các doanh nghiệp Việt Nam tham gia vào chuỗi cung ứng chính của họ.

Ngoài ra, theo TS Nguyễn Mạnh Hùng, Chủ nhiệm cấp cao Bộ môn Quản lý chuỗi cung ứng và logistics, trường Đại học RMIT, "xanh hóa" trong sản xuất là chìa khóa để doanh nghiệp nâng cao năng lực cạnh tranh và tham gia sâu vào chuỗi cung ứng.

“Xanh hóa không còn là một lựa chọn mà là yếu tố quyết định thành công của đơn hàng khi xuất khẩu. Xét trên góc độ chuỗi cung ứng, người mua đóng vai trò rất quan trọng trong việc giám sát và hợp tác để thúc đẩy xanh hóa. Họ là những chủ thể dẫn dắt chuỗi cung ứng và thúc đẩy quá trình chuyển đổi xanh để đảm bảo sản phẩm, dịch vụ cuối cùng phù hợp với nhu cầu thị trường”, ông Hùng phân tích.

>>Úc lên kế hoạch chi 15 tỷ USD cho mục tiêu Net Zero, trực tiếp cạnh tranh với công nghệ Trung Quốc

Hòn đảo nhỏ bé nhưng sở hữu tới 2 'thủ lĩnh' của chuỗi cung ứng toàn cầu, mọi công ty đều phải dõi theo

Chuỗi cung ứng toàn cầu dịch chuyển về châu Á, Trung Quốc tổn hại lớn?

Theo Kiến thức Đầu tư
https://dautu.kinhtechungkhoan.vn/doanh-nghiep-viet-nam-tham-gia-sau-vao-chuoi-cung-ung-toan-cau-khong-de-240225.html
Bài liên quan
Đừng bỏ lỡ
    Đặc sắc
    Nổi bật Người quan sát
    Doanh nghiệp Việt Nam tham gia sâu vào chuỗi cung ứng toàn cầu: Không dễ!
    POWERED BY ONECMS & INTECH