Chuỗi cung ứng toàn cầu dịch chuyển về châu Á, Trung Quốc tổn hại lớn?

19-05-2024 08:18|Vũ Bấc

Việc tăng thuế quan của Mỹ có thể không làm ảnh hưởng đến xuất khẩu của Trung Quốc nhưng sẽ chuyển dịch chuỗi cung ứng về phía quốc gia thân thiện với Mỹ hơn ở châu Á.

Ngày 14/5, Tổng thống Mỹ Joe Biden chính thức tăng mạnh thuế quan lên 18 tỷ USD hàng hoá Trung Quốc, trong đó mức thuế lên ô tô điện tăng 4 lần. Động thái này không phải là “giọt nước tràn ly” trong giai đoạn nước rút trước cuộc bầu cử sẽ diễn ra vào tháng 11 năm nay, mà chính là một nước đi chắc chắn trong chuỗi những nỗ lực của chính quyền Mỹ trong việc định hình lại các tuyến thương mại quốc tế qua châu Á.

Kim ngạch xuất khẩu bùng nổ của Đài Loan (Trung Quốc) sang Mỹ là một ví dụ về cách mà căng thẳng giữa các cường quốc đã định hình lại chuỗi cung ứng ra sao - và việc Trung Quốc đang bị loại khỏi một số chuỗi cung ứng toàn cầu như thế nào.

Nỗ lực của Mỹ trong việc tái định hình chuỗi cung ứng toàn cầu đang chuyển dịch dần về châu Á
Xuất khẩu của Đài Loan trực tiếp sang Mỹ, Trung Quốc đại lục và Hồng Kông (Nguồn: Bộ tài chính và kinh tế Đài Loan)

Theo dữ liệu công bố bởi CNBC vào 10/5, xuất khẩu của Đài Loan sang thị trường Mỹ vào tháng 4 đã tăng hơn 80% so với cùng kỳ năm ngoái, đạt mức cao kỷ lục. Trong 4 tháng đầu năm 2024, sản lượng hàng xuất khẩu sang Mỹ đã vượt lượng xuất khẩu sang Trung Quốc. Ngay cả khi bao gồm Hồng Kông, thị phần thương mại của Trung Quốc đối với xuất khẩu từ Đài Loan này vẫn giảm. Trung Quốc không còn là một tuyến đường trung chuyển đáng tin cậy cho hàng hóa các nước trong khu vực để đi đến Mỹ nữa.

Ngày 14/3, chính quyền Mỹ đã tăng thuế lên nhiều sản phẩm nhập khẩu từ Trung Quốc, từ chip máy tính đến xe điện, như một biện pháp chống lại “cạnh tranh gian lận” và tình trạng dư thừa công suất của Trung Quốc.

Đại diện Bộ thương mại Mỹ và Nhà Trắng cho biết những thay đổi này dự kiến ​​sẽ ảnh hưởng đến khoảng 18 tỷ USD kim ngạch nhập khẩu hàng năm hiện nay của nước này.

Căng thẳng thương mại Mỹ - Trung, phần còn lại của châu Á được hưởng lợi

Các chuyên gia kinh tế quốc tế cho rằng cuộc cải tổ thương mại này sẽ có ảnh hưởng sâu rộng đến các đồng minh chủ chốt của Mỹ ở châu Á, bao gồm các nền kinh tế lớn như Hàn Quốc và Nhật Bản. Cả hai đều đang chứng kiến ​​tỷ trọng xuất khẩu sang Mỹ tăng, sau khi các “miếng bánh lớn” ở thị trường Mỹ của Trung Quốc bị buộc phải nhường lại.

Thúc đẩy sự thay đổi là chiến lược thương mại của Mỹ nhằm loại Trung Quốc ra khỏi chuỗi cung ứng, đặc biệt là các sản phẩm công nghệ cao cấp và mũi nhọn của các nền kinh tế.

Dòng chảy đầu tư cũng đang dịch chuyển cùng với thương mại, các công ty toàn cầu đầu tư ngày càng nhiều vào Đông Nam Á để tránh thuế quan của Mỹ áp lên Trung Quốc. Những gã khổng lồ công nghệ có trụ sở ở Đài Loan, Hàn Quốc và Nhật Bản gần đây liên tục đề ra kế hoạch xây dựng nhà máy ở Mỹ để tận dụng trợ cấp cho ngành công nghệ cao, thứ được hứa hẹn sẽ mang lại nhiều việc làm cho người Mỹ và thúc đẩy kinh tế địa phương.

Nỗ lực của Mỹ trong việc tái định hình chuỗi cung ứng toàn cầu đang chuyển dịch dần về châu Á
Dịch chuyển chuỗi cung ứng mang lại cơ hội lớn cho các nước Đông Nam Á

Bà Trinh Nguyễn, chuyên gia kinh tế tại Natixis, nhận xét rằng chủ đề này có ảnh hưởng toàn khu vực, phản ánh cuộc chiến thương mại và sau đó là cuộc chiến đầu tư ngày càng leo thang. Bà cũng cho rằng Trung Quốc không bị thiệt hại hoàn toàn vì các công ty của họ cũng rất thức thời khi xoay dòng đầu từ vào Đông Nam Á để tránh thuế quan và tiếp tục nắm giữ thị phần trong chuỗi cung ứng. Điều không thay đổi duy nhất là “Mỹ tiếp tục là nước nhập khẩu hàng hóa chủ chốt ở châu Á”.

Những 'điểm đến đầu tư' ngoài Trung Quốc

Tình hình suy thoái và khủng hoảng bất động sản ở Trung Quốc đã khiến nhiều công ty nước ngoài không còn coi đây là môi trường đầu tư thuận lợi. Chỉ 13% công ty châu Âu (hiện có chi nhánh ở Trung Quốc) cho rằng đại lục vẫn là điểm đến đầu tư hàng đầu vào năm 2024, chưa bằng một nửa con số của năm 2021.

Thị trường ô tô nhất là thương hiệu nước ngoài có thị phần ngày càng thu hẹp tại đây, ví dụ như: Hyundai Motor Co. đang bán nhà máy sau khi doanh số bán hàng sụt giảm, và Mitsubishi Motors Corp. đã rút lui hẳn khỏi thị trường đại lục.

Giữa cuộc chiến tranh thương mại, Đài Loan lại là một trường hợp đặc biệt. Về mặt kinh tế, Trung Quốc và Đài Loan có mối quan hệ gắn bó chặt chẽ với nhau nhưng mối quan hệ đó hiện đang suy yếu.

Các đơn hàng xuất khẩu của Đài Loan từ lâu đã cho thấy Mỹ là nước nhập khẩu chủ chốt, nhưng quá trình sản xuất thường xuyên qua Trung Quốc, nơi các doanh nhân Đài Loan thành lập nhà máy trong làn sóng đầu tư ồ ạt vào đầu thế kỷ 21 để tận dụng lợi thế ưu đãi của Chính phủ và nhân công rẻ. Các công ty Đài Loan thường vận chuyển các bộ phận đến đó để lắp ráp trước khi gửi sản phẩm cuối cùng tới Mỹ hoặc Châu Âu.

Gần đây, số liệu cho thấy đầu tư của Đài Loan vào Trung Quốc giảm đáng kể, xuống chỉ còn 3 tỷ USD vào năm ngoái từ mức cao nhất là 14,6 tỷ USD vào năm 2010. Nhiều gã khổng lồ ngành bán dẫn, nổi bật là TSMC hướng mắt đến những khu vực tiềm năng thay thế Trung Quốc như Đông Nam Á để chuyển dịch chuỗi cung ứng.

Những điều trên đã vẽ nên một bức tranh minh họa cách các chuỗi cung ứng toàn cầu đang tự sắp xếp lại sau đại dịch COVID-19 và cuộc chiến thương mại bắt đầu dưới thời Tổng thống Mỹ tiền nhiệm Donald Trump.

Điều này có lẽ chưa chắc đã được ông Trump lên kế hoạch khi áp đợt thuế đầu tiên áp lên hàng nhập khẩu từ Trung Quốc vào năm 2018. Nhưng đó là thời điểm bắt đầu của làn sóng hàng loạt công ty Trung Quốc chuyển sang đầu tư sản xuất ở nhiều nước Đông Nam Á, và kể từ đó xuất khẩu của các nước này sang Mỹ tăng gấp 2 đến 3 lần. Đây có thể từng là một tín hiệu đáng kể dự đoán chính xác xu hướng chuyển dịch chuỗi cung ứng toàn cầu đang diễn ra hiện nay.

Ông Henry Gao, Giáo sư luật tại Đại học Quản lý Singapore, chuyên gia nghiên cứu thương mại Trung Quốc, kết luận rằng: “Thuế quan có hiệu quả ở chỗ giảm nhập khẩu trực tiếp từ Trung Quốc, nhưng không hiệu quả nếu hàng hóa vẫn tìm đường đến Mỹ”.

Tuy nhiên ông Gao cũng cho rằng “nếu vì lợi ích an ninh mà buộc phải di dời các cơ sở sản xuất từ ​​Trung Quốc sang các nước thân thiện hơn với Mỹ thì chiến lược này vẫn hiệu quả”.

>>Chủ tịch Trung Quốc hội đàm với Tổng thống Nga: Ba lĩnh vực ưu tiên hợp tác

Úc lên kế hoạch chi 15 tỷ USD cho mục tiêu Net Zero, trực tiếp cạnh tranh với công nghệ Trung Quốc

Kinh tế Trung Quốc lộ nhiều điểm yếu, bị cáo buộc cố tình làm suy yếu Mỹ và châu Âu

Theo Kiến thức Đầu tư
https://dautu.kinhtechungkhoan.vn/chuoi-cung-ung-toan-cau-dich-chuyen-ve-chau-a-trung-quoc-ton-hai-lon-235161.html
Bài liên quan
Đừng bỏ lỡ
Nổi bật Người quan sát
Chuỗi cung ứng toàn cầu dịch chuyển về châu Á, Trung Quốc tổn hại lớn?
POWERED BY ONECMS & INTECH