Doanh nhân Nguyễn Thị Mai Thanh: Từ dược sỹ đến ‘bước rẽ’ Sacombank (STB) và hành trình cùng REE
Khi nói về hành trình của doanh nhân Nguyễn Thị Mai Thanh (REE), ít ai nhắc tới 'ngã rẽ' tại Sacombank (STB).
Năm 2024 đánh dấu một năm đầy biến động với Công ty Cổ phần Cơ điện lạnh (mã chứng khoán REE), khi doanh nghiệp thực hiện những thay đổi lớn, bao gồm việc thay đổi Chủ tịch HĐQT và sự gia tăng ảnh hưởng của các cổ đông ngoại. Sau 25 năm niêm yết trên HoSE, đây được coi là bước ngoặt lớn nhất trong lịch sử hoạt động của công ty.
Doanh nhân Nguyễn Thị Mai Thanh và ‘ngã rẽ’ tại Sacombank
Cơ điện lạnh (REE) được thành lập từ năm 1977 trên cơ sở một doanh nghiệp Nhà nước. Năm 1993, Cơ điện lạnh trở thành một trong những đơn vị tiên phong cổ phần hóa và chuyển đổi thành công ty đại chúng. Sản phẩm máy điều hòa thương hiệu Reetech nhanh chóng giúp công ty khẳng định vị thế trên thị trường và chiếm được lòng tin của người tiêu dùng.
Năm 2000, Cơ điện lạnh ghi dấu mốc lịch sử khi trở thành doanh nghiệp đầu tiên niêm yết cổ phiếu trên sàn chứng khoán Việt Nam với mã REE. Năm 2001, công ty mở rộng hoạt động sang lĩnh vực bất động sản, năng lượng với các dự án thủy điện, điện gió và điện mặt trời.
Một nhân tố không thể không nhắc đến trong thành công của REE là nữ doanh nhân Nguyễn Thị Mai Thanh – người đã gắn bó hơn 40 năm với doanh nghiệp và là biểu tượng kiên cường trong giới kinh doanh Việt Nam.
Bà Mai Thanh từng là kỹ sư ngành điện lạnh, tốt nghiệp Đại học Kỹ thuật Karl - Marx - Stadt (Đức). Trước khi là một doanh nhân, bà tham gia khóa đào tạo dược tá tại Sư đoàn 9 và phục vụ trong đại hội quân y suốt 5 năm trước khi xuất ngũ và du học tại Đức.
Sau khi trở về Việt Nam vào năm 1982, bà đảm nhận vai trò Phó Giám đốc Xí nghiệp Cơ điện lạnh. Đến năm 1987, bà được bổ nhiệm làm Giám đốc Xí nghiệp và giữ vai trò lãnh đạo cao nhất từ khi REE chính thức cổ phần hóa vào năm 1993.
Từ 1993, khi REE cổ phần hóa, bà Mai Thanh được tin tưởng giao nhiệm vụ điều hành cao nhất, là Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc công ty. Đến năm 2020, để đáp ứng điều kiện của Luật doanh nghiệp mới, bà Mai Thanh thôi kiêm nhiệm vị trí Tổng Giám đốc, chuyên tâm ở chức vụ Chủ tịch HĐQT.
Những tháng cuối năm 2024, giới doanh nhân khá bất ngờ khi REE công bố thông tin bà Mai Thanh rời ghế Chủ tịch HĐQT đã gắn bó hơn 30 năm, ‘rút lui’ về giữ vị trí Tổng Giám đốc. Vị trí Chủ tịch HĐQT chuyển giao sang ông Alain Xavier Cany, đại diện của quỹ ngoại Platinum Victory.
Ngày nay, trên thương trường, nhắc tới bà Mai Thanh, thông thường sẽ nhắc tới là một doanh nhân xuất thân từ ngành y dược. Rất ít người nhắc tới một ‘ngã rẽ’ khác – ngành tài chính - với cương vị rất cao, ở một ngân hàng lớn.
Ít ai biết rằng, trong giai đoạn 1993–2011, bà Mai Thanh còn đảm nhận vị trí thành viên HĐQT Ngân hàng TMCP Sài Gòn Thương Tín (Sacombank - mã chứng khoán STB). Sacombank thành lập năm 1991, trong giai đoạn 'mở cửa'. Doanh nhân Đặng Văn Thành là một trong những cổ đông sáng lập, dẫn dắt, gắn liền tên tuổi và tạo được rất nhiều dấu ấn với Sacombank một thời. Giai đoạn bà Mai Thanh làm thành viên HĐQT Sacombank, cũng là thời điểm ông Đặng Văn Thành dẫn dắt ngân hàng này trở thành một trong 3 'chân kiềng' ngành tài chính phía Nam.
Năm 2011, bà Mai Thanh rút lui khỏi Sacombank để tập trung hoàn toàn vào REE. Năm 2011 cũng là năm ngành ngân hàng trải qua nhiều biến cố, trong đó có Sacombank. Ông Đặng Văn Thành không thể 'chèo chống' Sacombank thoát khỏi vòng xoáy, cuộc thâu tóm đình đám nhất ngành ngân hàng diễn ra ngay sau đó, khiến gia đình ông lần lượt phải rút vốn, rời đi.
Bà Nguyễn Thị Mai Thanh |
Hơn 40 năm đồng hành cùng REE, bà Mai Thanh gặt hái nhiều thành quả
Năm 2011, sau khi rời Sacombank, bà Mai Thanh dồn toàn bộ tâm huyết vào việc mở rộng lĩnh vực đầu tư năng lượng cho REE. Bên cạnh đó, vào năm 2015, công ty chính thức "đón" cổ đông ngoại Platinum Victory Pte. Ltd sau khi hoàn tất chuyển đổi trái phiếu phát hành từ năm 2012.
Các dự án trọng điểm như hệ thống nhà máy thủy điện, điện gió và điện mặt trời cùng loạt công trình bất động sản được triển khai mạnh mẽ. Năm 2020, REE thực hiện tái cấu trúc thành mô hình holding nhằm tối ưu hóa hoạt động quản trị và phát triển.
Hiện tại, REE hoạt động chính trong các lĩnh vực năng lượng (thủy điện, điện mặt trời, điện gió, nhiệt điện), cơ điện lạnh, nước và môi trường, bất động sản.
Dưới thời bà Mai Thanh, REE nhanh chóng gia tăng về tổng tài sản. Năm 2011, tổng tài sản của REE đạt 5.300 tỷ đồng. Chỉ sau 5 năm, con số này tăng lên 11.400 tỷ đồng vào năm 2016. Đến hết quý III/2024, tổng tài sản của công ty đạt gần 35.500 tỷ đồng.
Tài sản gia tăng, nợ phải trả cũng tăng mạnh. Tổng nợ phải trả đến 30/9 vừa qua đã vượt 13.860 tỷ đồng, trong đó riêng nợ vay tài chính ngắn hạn và dài hạn đã 10.587 tỷ đồng.
Tổng tài sản/nợ phải trả của REE qua các năm |
Gánh nặng nợ vay tài chính với khoản nợ hơn 10.587 tỷ đồng, REE phải dành hàng trăm tỷ đồng chi trả các khoản lãi vay. Dù vậy công ty vẫn duy trì lãi sau thuế ổn định trên 1.000 tỷ đồng mỗi năm trong suốt 11 năm qua.
Năm 2022, doanh thu REE đạt mức kỷ lục gần 9.400 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế hơn 3.500 tỷ đồng. Trong 9 tháng đầu năm 2024, công ty lãi ròng hơn 1.500 tỷ đồng.
Kết quả kinh doanh của REE qua các năm |
Tích luỹ khối tài sản gần 4.000 tỷ đồng tại REE
Sau nhiều năm gắn bó với cơ điện lạnh REE, hiện khối tài sản bà có được cũng khiến nhiều người mơ ước. Bà Mai Thanh là một trong số những người phụ nữ giàu nhất sàn chứng khoán Việt Nam. Hiện bà Thanh là cổ đông lớn nắm giữ hơn 60,4 triệu cổ phiếu REE, giá trị gần 3.900 tỷ đồng.
Những người có liên quan bà Mai Thanh cũng sở hữu khối tài sản hàng trăm, nghìn tỷ. Trong đó:
- Ông Nguyễn Ngọc Hải (chồng bà Mai Thanh) sở hữu 25,72 triệu cổ phiếu, trị giá hơn 1.600 tỷ đồng.
- Ông Nguyễn Ngọc Thái Bình (con trai, Phó Tổng Giám đốc, thành viên HĐQT REE) nắm giữ hơn 9,3 triệu cổ phiếu, trị giá gần 600 tỷ đồng.
- Bà Nguyễn Ngọc Nhất Hạnh (con gái) sở hữu hơn 6,22 triệu cổ phiếu, trị giá khoảng 400 tỷ đồng.
Tổng cộng, gia đình bà Mai Thanh sở hữu hơn 101,6 triệu cổ phiếu REE, tương đương hơn 6.500 tỷ đồng.
REE đang ‘sang trang’ mới?
Cuối năm 2024, bà Mai Thanh rút khỏi vị trí Chủ tịch HĐQT, lui về làm Tổng Giám đốc. 'Ghế' Chủ tịch do ông Alain Xavier Cany – đại diện quỹ Platinum Victory Pte. Ltd tại REE - đảm nhận. Động thái này được coi là một phần trong chiến lược mở rộng ảnh hưởng của quỹ ngoại tại REE.
Trên thực tế, Platinum Victory từ lâu đã muốn gia tăng ảnh hưởng tại REE nhưng chưa thành. 'Bước ngoặt' là vào tháng 9/2024, Platinum Victory đã chấp nhận 'chi lớn', chào mua công khai 4 triệu cổ phiếu REE với giá 80.000 đồng/cổ phiếu, cao hơn khoảng 25% so với thị giá của REE. Bước đi này được xem là quyết tâm lớn của Platinum Victory do room ngoại của REE luôn ở trạng thái 'kín'. Song, với quyết tâm 'chi lớn', Platinum Victory đã nâng sở hữu tại REE lên 35,7% - có thể phủ quyết được nhiều quyết sách của ĐHĐCĐ.
Hoàn tất mua công khai 4 triệu cổ phiếu REE, nâng tỷ lệ sở hữu lên 35,7%, Platinum Victory vẫn chưa 'dừng'. Đến tháng 12/2024, quỹ này đã mua thêm được 27 triệu cổ phiếu trong số 30 triệu cổ phiếu đăng ký, nâng sở hữu lên 41,42%. Đây là động thái mới nhất sau khi đại diện của Platinum Victory, ông Alain Xavier Cany, lên ngồi ghế Chủ tịch HĐQT REE.
Hiện Platinum Victory đang đặt mục tiêu nắm giữ 44,99% vốn điều lệ nếu thành công trong việc đăng ký mua thêm hơn 16,8 triệu cổ phiếu từ cuối tháng 12/2024 đến tháng 1/2025.
Với lợi nhuận hàng nghìn tỷ đồng duy trì đều đặn mỗi năm, REE đang trở thành mục tiêu hấp dẫn của các quỹ đầu tư nước ngoài. Với tư cách cổ đông lớn nhất, Platinum Victory Platinum Victory có thể đang dần viết nên 'trang mới' trong hành trình phát triển của Cơ điện lạnh REE.
>> Cơ Điện Lạnh (REE): Lãi ròng năm tới có thể tăng thêm 27%