Doanh nhân Trương Thị Lệ Khanh: Những quyết định ‘đúng thời cơ’ đưa Vĩnh Hoàn (VHC) vào Top dẫn đầu
Gắn bó gần 30 năm cùng Vĩnh Hoàn, hiện khối tài sản là cổ phiếu VHC của bà Trương Thị Lệ Khanh lên tới khoảng 6.200 tỷ đồng.
Bà Trương Thị Lệ Khanh, Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Vĩnh Hoàn (mã chứng khoán VHC), là một trong những nữ doanh nhân có tiếng trong giới kinh doanh tại Việt Nam. Đặc biệt, bà Lệ Khanh còn được nhắc đến trong Top những người giàu nhất trên sàn chứng khoán Việt Nam.
Hiện tại, bà Trương Thị Lệ Khanh đang sở hữu hơn 94,98 triệu cổ phiếu VHC, với tổng giá trị khoảng 6.200 tỷ đồng. Bà cũng được vinh dự lọt vào danh sách "Top 50 người phụ nữ có ảnh hưởng nhất Việt Nam" do Forbes Việt Nam bình chọn trong suốt 4 năm liên tiếp từ 2016-2019. Đặc biệt, năm 2016, bà còn lọt vào Top 20 của danh sách này.
Ảnh bà Trương Thị Lệ Khanh |
>> Doanh nhân Nguyễn Thị Mai Thanh: Từ dược sỹ đến ‘bước rẽ’ Sacombank (STB) và hành trình cùng REE
Bà Lệ Khanh – ‘ngã rẽ’ từ công chức đến doanh nhân sau một quyết định ‘đúng thời cơ’
Sinh năm 1961 tại An Giang, bà Trương Thị Lệ Khanh tốt nghiệp cử nhân ngành tài chính kế toán tại Đại học Tài chính Kế toán TP.HCM. Sau khi ra trường, bà bắt đầu sự nghiệp công chức tại Sở Tài chính tỉnh An Giang vào năm 1984, trước khi trở thành Kế toán trưởng tại Công ty Xuất nhập khẩu Châu Thành An Giang.
Với sự nỗ lực không ngừng, bà Lệ Khanh nhanh chóng thăng tiến, từ vị trí kế toán đến Phó Giám đốc Công ty XNK Châu Thành An Giang vào năm 1986. Sau đó, bà tiếp tục được bổ nhiệm làm Phó Giám đốc Thương nghiệp Tổng hợp An Giang. Trong sự nghiệp, bà còn có dấu ấn 1 năm làm Trợ lý Tổng Giám đốc Fideco.
Tuy nhiên, một trong những quyết định quan trọng nhất trong sự nghiệp của bà chính là việc "ra riêng" vào năm 1997, khi ngành cá tra bắt đầu phát triển mạnh mẽ.
Năm 1997-1998, ngành cá tra Việt Nam bắt đầu tìm đường xuất khẩu. Lúc đó, cả nước mới chỉ xuất khẩu được 425 tấn cá tra với giá trị khoảng 1,65 triệu USD, chiếm 0,2% tổng xuất khẩu thủy sản và chỉ bằng 0,6% so với giá trị xuất khẩu tôm. Dù sản lượng xuất khẩu ít, nhưng giá cá tra thời điểm này lại rất cao, với nguồn cầu lớn đến từ các nước như Trung Quốc, Singapore…
Với tầm nhìn chiến lược, bà Trương Thị Lệ Khanh đã thành lập Doanh nghiệp Tư nhân Vĩnh Hoàn vào năm 1997, rồi chuyển đổi sang mô hình Công ty TNHH Vĩnh Hoàn vào năm 1998. Hoạt động ban đầu là nuôi trồng và chế biến các sản phẩm cá tra đông lạnh, năm 1999, xí nghiệp chế biến thủy sản đầu tiên của Vĩnh Hoàn đi vào hoạt động.
Ảnh bà Trương Thị Lệ Khanh, Chủ tịch HĐQT Vĩnh Hoàn |
>> Vị Chủ tịch U70 'đánh rơi' khối tài sản nghìn tỷ, cổ phiếu vừa lập 1 kỷ lục 'không đáng có'
Năm 1998 cũng là năm Hiệp hội chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) được thành lập. Đây là tổ chức được hình thành từ sự tự nguyện của các doanh nghiệp chế biến, xuất khẩu, nhằm phối hợp, liên kết hoạt động. Từ đó, các doanh nghiệp trong ngành giúp nhau nâng cao giá trị, chất lượng và khả năng cạnh tranh cho thủy sản Việt Nam.
Thành lập vào đúng thời điểm ‘bước ngoặt’, bắt đúng ‘nhịp’ phát triển của ngành, giai đoạn 5 năm tiếp theo của Vĩnh Hoàn cũng là thời điểm ngành công nghiệp cá tra Việt Nam ‘lột xác’, bắt đầu có những bước nhảy ngoạn mục với việc hình thành các vùng nuôi tập trung lớn ở vùng ĐBSCL. Số liệu từ VASEP cho thấy, nếu như năm 2001 sản lượng cả vùng mới đạt khoảng hơn 100.000 tấn thì năm 2009 đã lên tới 1 triệu tấn, kim ngạch xuất khẩu đạt 1,4 tỷ USD.
Theo chia sẻ từ công ty, cái tên Vĩnh Hoàn được đặt với với ý nghĩa Vĩnh – mang hàm ý vĩnh viễn và Hoàn – là hoàn cầu, nghĩa là Vĩnh Hoàn sẽ tồn tại mãi trên hoàn cầu như một ngôi sao. Hoàn toàn xứng với tên gọi, gần chục năm sau ngày thành lập, từ xí nghiệp đầu tiên hình thành năm 1999, đến năm 2007, 2008 Vĩnh Hoàn liên tục xây dựng xí nghiệp chế biến thủy sản thứ 2 và thứ 3. Năm 2007 cũng là năm đánh dấu ‘bước ngoặt’ lớn của công ty, khi cổ phiếu VHC chính thức niêm yết trên sàn giao dịch chứng khoán TP HCM. Năm 2010, Vĩnh Hoàn vươn lên đứng đầu ngành cá tra Việt Nam về kim ngạch xuất khẩu theo thống kê của VASEP.
Quyết định 'đúng thời cơ', bà Trương Thị Lệ Khanh đã cùng Vĩnh Hoàn nhanh chóng khẳng định tên tuổi thương hiệu trên thị trường, góp phần đưa sản phẩm cá tra của Việt Nam ghi danh trên thị trường xuất khẩu nói chung.
Báo cáo của VASEP ghi nhận, với đà tăng trưởng hiện tại, ngành thủy sản Việt Nam có thể hoàn thành mục tiêu xuất khẩu - đạt 10 tỷ USD năm 2024, tăng 11,5% so với năm trước. Trong đó, tôm và cá tra tiếp tục là hai trụ cột chính đóng góp vào thành công này, với tôm dự báo đạt 4 tỷ USD và cá tra có thể cán mốc 2 tỷ USD. Đây cũng chính là tin vui, tín hiệu tích cực, là dư địa phát triển với doanh nghiệp Top đầu ngành như Vĩnh Hoàn.
>> Xuất khẩu thủy sản Việt Nam dự kiến đạt 10 tỷ USD
Thêm những bước đi chiến lược 'đúng thời' giúp Vĩnh Hoàn khẳng định giá trị
Vĩnh Hoàn chính thức niêm yết trên sàn giao dịch chứng khoán TP.HCM vào năm 2007, đánh dấu bước ngoặt lớn của doanh nghiệp. Từ đó, Vĩnh Hoàn không ngừng phát triển, mở rộng quy mô sản xuất và nâng cao chất lượng sản phẩm. Năm 2010, công ty vươn lên dẫn đầu ngành cá tra Việt Nam về kim ngạch xuất khẩu.
Từ mức tổng tài sản khoảng 330 tỷ đồng năm 2007, đến nay, Vĩnh Hoàn đã có tổng tài sản lên đến 12.500 tỷ đồng, với tỷ lệ nợ thấp và chiến lược tài chính ổn định. Đây là một thành tựu đáng tự hào của bà Trương Thị Lệ Khanh và đội ngũ lãnh đạo công ty.
Tổng tài sản của Vĩnh Hoàn tăng mạnh qua các năm |
Giúp Vĩnh Hoàn khẳng định thương hiệu, vị trí trên thị trường thủy sản không chỉ nhờ quyết định ‘đúng thời, đúng lúc’ khi thành lập, mà còn từ loạt dấu ấn riêng sau đó trong mỗi bước đi của công ty, trong đó việc phát triển sản phẩm collagen, gelatine là một trong những ví dụ.
Collagen là một loại protein có chức năng xây dựng cơ quan xương, da, cơ, gân và dây chằng, tồn tại ở dạng bó sợi kết thành mạng lưới để nâng đỡ các mô. Trong thủy sản, collagen có nhiều trong bong bóng, xương, da, vây, vẩy của các loài cá và trên da của một số loài như bạch tuộc, mực… Gelatine cũng là một loại protein chiết xuất từ các bộ phận chứa nhiều Collagen. Trong ngành thủy sản Gelatine cũng được chiết xuất từ bong bóng cá, da cá, da mực, xương cá, vẩy cá.
Sớm nhận thấy tiềm năng của thị trường này, năm 2015, Vĩnh Hoàn bắt tay vào nghiên cứu sản phẩm collagen và gelatine từ da cá tra. Trung tâm phát triển Vĩnh Hoàn collagen được thành lập, và sau đó là sự ra đời của Công ty TNHH MTV Vĩnh Hoàn Collagen. Vĩnh Hoàn lúc đó là doanh nghiệp duy nhất tại Việt Nam nghiên cứu và phát triển thành công sản phẩm công nghệ cao collagen và gelatine từ da cá tra. Đây cũng là lần đầu tiên Việt Nam sản xuất thành công sản phẩm collagen và gelatine. Theo đánh giá, sản phẩm collagen và gelatine của Vĩnh Hoàn sản xuất có độ tinh khiết cao, khả năng hòa tan và độ thẩm thấu tốt, độ tương thích cao với collagen tự nhiên.
Thành công này cũng giúp Vĩnh Hoàn tối đa hóa hiệu quả sử dụng nguồn cá tra từ quá trình chế biến sản phẩm phi lê.
Bên cạnh đó, sản phẩm collagen cũng nhanh chóng trở thành một trong những mảng kinh doanh thành công của Vĩnh Hoàn, mang lại con số lãi khoảng 180 tỷ đồng vào năm 2019. Tiếp nối thành công, Vĩnh Hoàn tiếp tục nâng cao công suất mở rộng nhà máy sản xuất collagen. Năm 2023, doanh thu mảng collagen tăng khoảng 52% so với năm 2022, doanh số xuất khẩu đã chiếm khoảng 7% trong tổng cơ cấu sản phẩm xuất khẩu của Vĩnh Hoàn.
Theo báo cáo từ VASEP, nhu cầu collagen trên toàn cầu dự kiến tăng trưởng kép lên tới 9,6% trong 6 năm tới, là ‘mỏ vàng’ tiềm năng của ngành thủy sản. Đây cũng là cơ hội lớn cho Vĩnh Hoàn – doanh nghiệp Việt Nam đầu tiên chiết xuất thành công collagen từ da cá tra.
Cơ cấu sản phẩm xuất khẩu năm 2023. Nguồn: Vĩnh Hoàn |
>> Vĩnh Hoàn, Nam Việt hưởng lợi gì từ chính sách thuế của ông Donald Trump?
Vĩnh Hoàn kinh doanh ra sao dưới thời bà Trương Thị Lệ Khanh?
Chứng khoán DSC cho rằng Vĩnh Hoàn đang đứng trước chu kỳ tăng trưởng mới, mà thị trường Mỹ là động lực tăng trưởng chính. Lũy kế 9 tháng đầu năm 2024, thị trường này mang về hơn 2.900 tỷ đồng doanh thu cho Vĩnh Hoàn.
Số liệu năm 2023 cho thấy, thị trường Mỹ chiếm đến 54,2% doanh số bán cá tra của Vĩnh Hoàn. Tiếp đó là Trung Quốc (bao gồm Hồng Kông), chiếm 11,8%. Đứng Top 3 là thị trường Đức với khoảng 7% doanh số.
Vĩnh Hoàn cũng đang giữ vững vị trí đầu ngành, chiếm khoảng 13% giá trị toàn ngành cá tra Việt Nam (theo số liệu cuối năm 2023).
Kết quả kinh doanh từ khi lên sàn của Vĩnh Hoàn |
>> Vị Phó Giáo sư quê Quảng Nam kiếm thêm 7.000 tỷ trong năm 2024, tuyên bố 'đặt cược tất cả vào AI'
Về kết quả kinh doanh, Vĩnh Hoàn luôn ghi dấu ấn với doanh thu tăng vọt nhiều năm liên tiếp giai đoạn 2007-2018. Sự chững lại các năm 2019, 2020 do ảnh hưởng chung của thị trường thế giới.
Doanh thu năm cao nhất ở năm 2022 với hơn 13.200 tỷ đồng, còn năm 2023 cũng vượt 10.000 tỷ đồng. Lợi nhuận sau thuế cao nhất vào năm 2022, vượt 2.000 tỷ đồng. Còn 9 tháng đầu năm 2024, doanh thu công ty ở mức hơn 9.300 tỷ đồng và lãi sau thuế vượt 870 tỷ đồng.
Tính chung 17 năm trên sàn, Vĩnh Hoàn mang về 10.800 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế, con số đầy ấn tượng trong khi nhiều doanh nghiệp trong ngành đã gặp không ít khó khăn.
Với những dấu ấn mới và tín hiệu tích cực từ thị trường, Vĩnh Hoàn được các chuyên gia dự báo sẽ trở lại chu kỳ tăng trưởng mới.
>> Vĩnh Hoàn (VHC) báo lãi 870 tỷ đồng, hoàn thành 'kịch bản kế hoạch thận trọng'
Vĩnh Hoàn, Nam Việt hưởng lợi gì từ chính sách thuế của ông Donald Trump?
Vĩnh Hoàn (VHC) báo lãi 870 tỷ đồng, hoàn thành 'kịch bản kế hoạch thận trọng'