'Dòng sông chảy ngang' có hai đầu đều đổ ra biển, không có thượng nguồn cũng chẳng có hạ lưu

21-04-2024 08:12|Quỳnh Châu

Đây là con sông đặc biệt khi không có thượng lưu, hạ lưu, không có hữu và tả ngạn, không “bên bồi bên lở”...

Dọc theo khúc ruột miền Trung, hiếm có dòng sông nào kỳ cục như sông Trường Giang tại Quảng Nam. Sông không có thượng lưu, hạ lưu, không có hữu và tả ngạn, không “bên bồi bên lở”, bởi Trường Giang không như những dòng sông khác chảy từ núi ra biển mà là sông chạy ngang, gần 70km song song với bờ biển Quảng Nam.

Đầu phía Bắc sông hòa vào Cửa Đại (Hội An), đoạn lớn nhất cách biển 7km; phía Nam đổ ra Cửa An Hòa (huyện Núi Thành), đây là đoạn đẹp nhất khi chạy ven bờ biển chỉ 2km. Nhờ nối hai hệ thống sông chính của đất Quảng nên Trường Giang thông thương tất cả các dòng nước, ngược xuôi các miền.

Sông Trường Giang từng là tuyến đường thủy huyết mạch của tỉnh Quảng Nam, hàng trăm ghe thuyền chở hàng hóa buôn bán mỗi ngày. Ảnh: Q.T/Báo Quảng Nam

Sông Trường Giang từng là tuyến đường thủy huyết mạch của tỉnh Quảng Nam, hàng trăm ghe thuyền chở hàng hóa buôn bán mỗi ngày. Ảnh: Q.T/Báo Quảng Nam

Từ nhiều thế kỷ trước, sông Trường Giang là con đường huyết mạch cho ghe bầu giao thương từ vùng An Hòa ra phố cổ Hội An. Thuyền buôn chở mắm, cá, củi dương liễu, chum vại, muối, các vật liệu nghề biển, gạch ngói Thanh Hà trao đổi khắp các làng quê, phố thị, trung du, đồng bằng, cánh Bắc, cánh Nam của tỉnh.

Sông còn thông thương cả trăm chợ và các điểm buôn bán ven các sông xứ Quảng. Dòng chảy này cũng là cầu nối của hạ lưu sông Vu Gia - Thu Bồn với hệ thống sông Tam Kỳ.

Với đặc điểm kỳ lạ, độc đáo của mình nên Trường Giang còn được người dân đôi bờ quen gọi là con sông chảy ngang.

Một cây cầu bắc qua sông Trường Giang

Một cây cầu bắc qua sông Trường Giang

Còn theo các nhà nghiên cứu, sông Trường Giang có nguồn gốc từ các lạch triều, rồi chuyển dần thành đầm, phá, sau đó tạo ra dòng sông lạ lẫm như ngày nay. Con sông chạy song song dọc theo bờ biển của tỉnh Quảng Nam với chiều dài gần 70km như dải lụa uốn lượn, quanh co qua bao tên đất, tên làng nổi danh của xứ Quảng như Bàn Thạch, Nồi Rang, chợ Củi (huyện Duy Xuyên); chợ Được, Cổ Linh (huyện Thăng Bình)... Nhờ đó, bề dày văn hóa và sản vật phong phú của vùng đất ven sông cũng mở ra cơ hội phát triển du lịch cộng đồng nơi đây.

Vào mùa nắng hạn, dòng sông nông hay sâu phụ thuộc vào các cơn thủy triều của biển. Khi thủy triều dâng, hai đầu nước chảy nhẹ từ hướng Nam ra Bắc và từ hướng Bắc vào Nam. Con nước triều cường gặp nhau ở điểm giữa dòng sông tại địa phận huyện Thăng Bình và thành phố Tam Kỳ.

Khi nước ròng, sông Trường Giang chảy trở về theo hai phía như lúc nước lên. Tuy mùa khô phụ thuộc vào con nước lớn, nước ròng của biển nhưng sông Trường Giang chưa bao giờ cạn bởi mặt nước biển với nước của dòng sông đều cân đối trên cùng mặt phẳng.

Cảnh mưu sinh trên sông. Ảnh: Báo Người Lao Động

Cảnh mưu sinh trên sông. Ảnh: Báo Người Lao Động

Dòng sông này chứa trong lòng nguồn nước lợ nên các sinh vật biển theo con nước triều vào sinh sôi, nảy nở. Đứng trên những nóc nhà cao tầng của các làng ven sông nhìn xuống mặt nước phẳng lặng với vô vàn lưới, rọ, chài giăng bắt cá cùng các ao nuôi tôm từ phía xa xa giống như những ruộng muối, tạo ra bức tranh thủy mặc độc đáo.

Sông Trường Giang cũng là lưu vực của các con sông nhỏ Bà Rén, Duy Vinh, Ly Ly và đường xả lũ trọng yếu của hồ thủy lợi Phú Ninh. Đây là hồ nước lớn thứ hai của Việt Nam, có diện tích 34,33km2 với sức chứa 344 triệu m3 nước, chỉ đứng sau hồ Dầu Tiếng (thuộc địa bàn 3 tỉnh Tây Ninh, Bình Dương và Bình Phước).

>> Quảng Nam chi hơn 2.700 tỷ trùng tu con sông 'huyết mạch', sẽ xây thêm 6 cây cầu

Dòng sông nước đỏ ngầu như 'máu len' lỏi chảy xuyên khu rừng rậm, mang tên gọi như một địa danh của Việt Nam

Dòng sông dài hơn 250km ôm trọn TP. HCM, 'cõng' 6 cây cầu và đang quy hoạch thêm những cây cầu nghìn tỷ

Theo Chất lượng và Cuộc sống
https://chatluongvacuocsong.vn/dong-song-chay-ngang-co-hai-dau-deu-do-ra-bien-khong-co-thuong-nguon-cung-chang-co-ha-luu-d120891.html
Bài liên quan
Đừng bỏ lỡ
    Đặc sắc
    Nổi bật Người quan sát
    'Dòng sông chảy ngang' có hai đầu đều đổ ra biển, không có thượng nguồn cũng chẳng có hạ lưu
    POWERED BY ONECMS & INTECH