Dòng tiền lớn chọn điểm rơi nâng hạng, TTCK lập đỉnh kèm thanh khoản lịch sử
VN-Index tiếp tục lập đỉnh mới với mức tăng 1,72% lên 1.557 điểm và được kỳ vọng hướng tới mốc 1.800 điểm. Đi ngược với đà hưng phấn của thị trường chung, khối ngoại và tự doanh bán ròng hơn 1.300 tỷ đồng.
Kết phiên 28/7, VN-Index tiếp tục lập đỉnh khi tăng 1,72% lên mức 1557,42 điểm. Thanh khoản khớp lệnh 2 sàn HoSE và HNX sàn cũng lập kỷ lục mới cùng với chỉ số, đạt gần 48.300 tỷ đồng, nâng tổng giá trị giao dịch trên cả 3 sàn lên xấp xỉ 52.000 tỷ đồng.
Nhóm ngân hàng, chứng khoán, bất động sản tiếp tục là điểm đến của dòng tiền, đóng góp mạnh mẽ vào mức tăng của thị trường.
Cụ thể, tại ngành ngân hàng các mã nổi bật VCB, VPB, BID, LPB, SHB, EIB đóng góp 7,2 điểm vào thị trường. Đáng chú ý, SHB đã kéo trần thành công, đóng cửa tại mức giá 16.100 đồng/cp với thanh khoản lên tới hơn 137,7 triệu đơn vị và dư mua trần gần 5,6 triệu đơn vị. Đây là mã có thanh khoản giao dịch lớn nhất phiên hôm nay, trong đó 16% đến từ khối ngoại khi rót vào 335,4 tỷ đồng.
VPB tăng 4,4% lên mức 25.100 đồng/cp với thanh khoản đứng ở vị trí thứ 3 toàn thị trường, đạt 57,2 triệu đơn vị.
![]() |
Top 10 cổ phiếu sàn HoSE có khối lượng giao dịch lớn nhất phiên 28/7 |
Song hành với nhóm ngân hàng, ngành dịch vụ tài chính ghi nhận mức tăng 5,89%. Đóng góp chủ yếu từ các mã SSI, VIX, VND, VCI, MBS, HCM, SHS, FTS, EVF... Trong đó, VIX dư mua trần tới 10,66 triệu đơn vị, VND dư mua trần 7,4 triệu đơn vị. SHS thuộc hệ sinh thái SHB tăng trần 9,7% lên mức 20.400 đồng/cp cùng 43,6 triệu đơn vị giao dịch, cao nhất sàn HNX.
Nhóm bất động sản và xây dựng cũng khởi sắc với cặp đôi lớn VHM và VIC tăng tương ứng 2% và 1,3%, nhiều mã tăng trần như PDR, DIG, CII,... Trong đó, CII sôi động nhất ngành với 51,4 triệu đơn vị khớp lệnh và dư mua trần 2 triệu đơn vị. Hai mã bất động sản PDR và DIG cũng có thanh khoản lần lượt đạt 967 tỷ và 809,3 tỷ đồng.
Cổ phiếu NKG bất ngờ lọt Top 10 thanh khoản, trở thành điểm sáng khi tăng trần, vượt trội so với các mã cùng ngành như HPG hay HSG. Hơn 36,6 triệu cổ phiếu được khớp lệnh, cao hơn đáng kể mức trung bình 50 phiên gần nhất.
![]() |
Giao dịch của khối ngoại trong phiên 28/7 |
Đi ngược diễn biến hưng phấn của thị trường, khối ngoại tiếp tục bán ròng hơn 1.049 tỷ đồng tại sàn HoSE. Trong đó, cổ phiếu HPG bị xả mạnh nhất với giá trị 418 tỷ đồng, tiếp đến là FPT (150 tỷ đồng), GVR (106 tỷ đồng), VIX và SSI (mỗi mã 104 tỷ đồng).
Ở chiều mua, SHB dẫn đầu về giá trị giao dịch khi được gom 21,2 triệu đơn vị, trong khi SHS trên sàn HNX cũng được khối ngoại mua ròng 53 tỷ đồng (2,6 triệu đơn vị).
![]() |
Giao dịch của tự doanh trong phiên 28/7 |
Hoạt động bán ròng tương tự cũng diễn ra ở khối tự doanh công ty chứng khoán, khi nhóm này xả ròng 212 tỷ đồng trên HoSE, tập trung tại các mã VPB, BSR, VIB, VHM,...
Triển vọng nâng hạng đến gần, ngày càng xuất hiện nhiều dự báo VN-Index lên 1.800 điểm
Trong bối cảnh chứng khoán Việt Nam liên tiếp lập đỉnh lịch sử, nhiều tổ chức đồng loạt dự báo VN-Index có thể vượt 1.800 điểm ngay trong năm nay.
Ông Nguyễn Thế Minh, Giám đốc phân tích Khối khách hàng cá nhân của Chứng khoán Yuanta, cho biết thống kê trên chỉ số VN-Index trong giai đoạn tháng 8 qua các năm từ 2001 – 2024, chỉ số VN-Index có mức tăng trung bình là 1,6% với xác suất tăng 61%.
P/E của chỉ số VN-Index đạt gần mức trung bình 10 năm khi chỉ số VN-Index đạt mức cao kỷ lục mới, nhưng mức đỉnh giá này vẫn còn thấp hơn so với mức đỉnh năm 2021 (thời kỷ tiền rẻ) và 2018 (giai đoạn IPO và nâng hạng). Trong khi đó, giai đoạn 2025 lại hội tụ cả yếu tố chu kỳ nới lỏng chính sách tiền tệ, mục tiêu tăng trưởng mạnh 2025-2030 và nâng hạng thị trường chứng khoán cho thấy mức P/E được kỳ vọng sẽ sớm vượt mức trung bình 10 năm.
Mức kháng cự gần nhất của mức P/E là 18.x sau khi vượt mức trung bình 10 năm, điều này tương đương chỉ số VN-Index có thể đạt mức 1.858 điểm. Tuy nhiên, trong ngắn hạn, mức trung bình 10 năm là mức kháng cự mạnh, đây cũng là mức kháng cự trong giai đoạn 2023-2024, cho nên thị trường có thể sẽ sớm xuất nhịp điều chỉnh sau giai đoạn tăng mạnh vừa qua.
Nhìn nhận triển vọng thị trường lạc quan hơn, ông Nguyễn Việt Đức, Giám đốc Kinh doanh Số VPBankS cho rằng thị trường tăng nóng khi triển vọng nâng hạng trở thành câu chuyện chi phối.
Thông thường tỷ lệ P/E (giá trên thu nhập) của thị trường chạy trong khoảng từ 10 – 20 lần. 2 đợt đỉnh gần nhất của thị trường chứng khoán Việt Nam, P/E đều ở mức trên 20 lần. Năm 2018, P/E vào khoảng 21 lần, đến 2021 – 2022, P/E khoảng 19 lần. Hiện nay, P/E thị trường mới chỉ khoảng hơn 16 lần, tức vẫn còn cách 20% so với đỉnh.
Chưa kể, lợi nhuận doanh nghiệp có thể tăng thêm khoảng 15% trong 1 năm tới, giúp kéo P/E thấp hơn. "Do vậy, chúng ta có thể kỳ vọng câu chuyện VN-Index đạt được tối thiểu 1.800 – 1.900 điểm", ông Đức nhấn mạnh.
Ông Petri Deryng, người đứng đầu PYN Elite Fund, cũng chia sẻ quan điểm lạc quan. Theo ông, nhiều công ty chứng khoán dự báo VN-Index đạt 1.800 điểm vào cuối năm nay và điều này không phải là kịch bản bất khả thi, dù thị trường có thể xuất hiện những đợt điều chỉnh do hoạt động chốt lời ngắn hạn.