Dòng vốn FDI dịch chuyển: Việt Nam hưởng lợi lớn nhất trong khu vực ASEAN
Theo đánh giá của chuyên gia ngân hàng OUB tại Việt Nam, sự dịch chuyển của dòng vốn FDI trên toàn cầu sẽ mang lại nhiều lợi ích cho các quốc gia tại Đông Nam Á. Trong đó, Việt Nam sẽ được hưởng lợi lớn.
FDI tăng trưởng tích cực
Theo Cục Đầu tư nước ngoài, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, tổng vốn đầu tư nước ngoài (FDI) đăng ký vào Việt Nam trong 8 tháng qua đạt gần 18,15 tỷ USD, tăng 8,2% so với cùng kỳ năm 2023 và tăng mạnh hơn so với 7 tháng (tăng 3,7 điểm %).
Cụ thể, vốn đầu tư đăng ký mới và hoạt động góp vốn mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài tiếp tục giữ xu hướng tăng. Trong tổng giá trị vốn FDI vào Việt Nam 8 tháng đầu năm 2024, có 1.924 dự án được cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư với vốn đăng ký đầu tư mới đạt hơn 8,8 tỷ USD, tăng 69,5% về số dự án và tăng 39,7% về số vốn so cùng kỳ.
FDI tăng trưởng tích cực. |
Đồng thời, có 830 lượt dự án đăng ký điều chỉnh vốn với tổng vốn đầu tư tăng thêm đạt hơn 4,5 tỷ USD, tăng 22,8% về số lượt dự án điều chỉnh và giảm 39,7% về số vốn. Tuy vẫn giảm nhưng mức giảm về vốn đầu tư điều chỉnh tiếp tục có xu hướng cải thiện hơn so với các tháng đầu năm.
Về kết quả của quá trình thu hút FDI, ông Suan Teck Kin, Giám đốc Khối Nghiên cứu thị trường và Kinh tế toàn cầu, Ngân hàng UOB, cho rằng Việt Nam đang dần hòa nhập vào xu hướng kết nối chuỗi cung ứng đang diễn ra mạnh mẽ tại ASEAN.
"Xu hướng tích cực này cho thấy sự tin tưởng liên tục của nhà đầu tư và doanh nghiệp vào khả năng cạnh tranh và tiềm năng của Việt Nam", ông Suan Teck Kin nói.
Với cả khu vực ASEAN, chuyên gia từ UOB cho rằng dòng vốn FDI ổn định đổ vào ASEAN do nhu cầu “Friend-shoring”/giảm rủi ro và đa dạng hóa.
Đông Nam Á là điểm đến lớn thứ hai của FDI trên toàn cầu, sau Mỹ. Năm 2023, dòng vốn FDI đổ vào Đông Nam Á tăng 1,2%, mặc dù FDI toàn cầu giảm. Singapore, Indonesia và Việt Nam là những nước tiếp nhận FDI hàng đầu trong khu vực, với các khoản đầu tư chủ yếu đến từ Hoa Kỳ, Trung Quốc, Hong Kong (Trung Quốc) và Nhật Bản.
Triển vọng của Đông Nam Á vẫn tích cực, được thúc đẩy bởi các yếu tố như ổn định chính trị, đa dạng hóa kinh tế và nhu cầu giảm thiểu rủi ro. Hợp tác khu vực, thể hiện qua các sáng kiến như Khu kinh tế Johor-Singapore, giúp tăng sức hấp dẫn đối với các nhà đầu tư bằng cách giảm va chạm và tạo điều kiện thuận lợi cho các hoạt động xuyên biên giới.
Nhìn chung, vai trò của ASEAN như một bên chủ chốt trong thương mại và đầu tư toàn cầu được củng cố thông qua các hoạt động thương mại cạnh tranh, dòng vốn FDI đáng kể và các nỗ lực hợp tác khu vực đang diễn ra.
Dân số trẻ và đang tăng của ASEAN, cùng với sự giàu có về tài nguyên và năng suất, khiến nơi đây trở thành điểm đến đầu tư hấp dẫn. Cơ sở người tiêu dùng lớn và mức thu nhập tăng làm tăng sức hấp dẫn của khu vực đối với các nhà đầu tư muốn tận dụng tiềm năng tăng trưởng của khu vực.
Khu vực này có vị thế tốt để tận dụng những tiến bộ trong số hóa, AI và robot, có thể thúc đẩy hơn nữa sự phát triển kinh tế. Dân số trẻ và các thị trường mới nổi ở ASEAN được trang bị tốt hơn để áp dụng và tích hợp các công nghệ mới so với các nền kinh tế cũ và truyền thống.
Theo vị chuyên gia từ UOB, xu hướng nhân khẩu học và kinh tế của ASEAN nói chung và Việt Nam nói riêng mang lại triển vọng đầy hứa hẹn về cơ hội tăng trưởng và đầu tư.
>>Không phải Hà Nội hay TP HCM, tỉnh có mức sống đắt nhất Việt Nam giành 'á quân' về thu hút FDI
Lo doanh nghiệp trong nước sẽ bị cạnh tranh ngay gắt
Tuy nhiên, trước sự phát triển mạnh mẽ của khối FDI, một luồng ý kiến cũng tỏ ra quan ngại cho rằng, nền kinh tế sẽ phụ thuộc lớn vào FDI. Cùng với đó là lo ngại doanh nghiệp Việt Nam không được chuyển giao công nghệ.
Lo doanh nghiệp trong nước sẽ bị cạnh tranh ngay gắt. |
Ông Nguyễn Bá Hùng, Chuyên gia kinh tế trưởng tại Việt Nam của Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) khẳng định cùng với việc thu hút FDI ngày càng lớn mạnh doanh nghiệp trong nước sẽ phải cạnh tranh gay gắt hơn về nguồn lực, cạnh tranh về đất đai, cạnh tranh về nguồn nhân lực. Đồng thời, vô hình chung doanh nghiệp trong nước sẽ bị gây áp lực nếu doanh nghiệp FDI vào Việt Nam thuần tuý chỉ là mượn đất, mượn đường hay mượn điện của ta.
Để tháo gỡ những nút thắt này, ông Hùng cho rằng, cần kết nối chặt chẽ hơn giữa doanh nghiệp trong nước và doanh nghiệp xuất khẩu.
Thực tế, hiện doanh nghiệp trong nước phần lớn là vừa và nhỏ, còn doanh nghiệp Việt Nam đủ lớn thì hơi ít; doanh nghiệp đủ lớn để có thể điều khiển được chuỗi thậm chí còn ít hơn.
"Do đó, cần tạo ra môi trường để doanh nghiệp nội địa lớn lên và khi lớn lên sẽ tham gia sâu hơn vào các chuỗi xuất nhập khẩu của khu vực FDI", ông Hùng khuyến nghị.
Đưa ra những lưu ý nhằm tận dụng được sự chuyển dịch luồng vốn đầu tư, ông Phạm Quang Vinh, Chủ tịch Hội Hữu nghị Việt Nam- Hoa Kỳ, Nguyên Thứ trưởng Bộ Ngoại giao nêu rõ 4 giải pháp.
Một là, chúng ta lựa chọn đối tác thuận lợi nhất cho mình và hướng tới các mục tiêu nâng cao năng lực quốc gia.
Hai là, chúng ta cần phải đề phòng sự chuyển dịch ngược trong các luồng đầu tư.
"Khi cạnh tranh nước lớn gia tăng, chúng ta có thể tranh thủ được cả hai bên nhưng có nguy cơ có quá nhiều sản phẩm chuyển dịch sang Việt Nam, dẫn đến tình trạng sản xuất quá mức, làm thao túng thị trường", ông Vinh lưu ý. Gần đây, Indonesia đã phải đánh thuế vào cả hàng hóa Trung Quốc vì lo ngại những mặt hàng này tràn vào thị trường. Đây cũng là một vấn đề cần phải chú ý.
Thứ ba, do Việt Nam nằm trong khu vực tăng trưởng kinh tế năng động và có sự cạnh tranh gay gắt, để tận dụng các sự dịch chuyển chuỗi cung ứng, đầu tư nên chúng ta cần phải tìm cách vượt qua các nước khác trong khu vực trong thu hút FDI.
Cuối cùng, cần phải đề cập tới khung chính sách và giải quyết những "điểm nghẽn" nội tại. Những "điểm nghẽn" này ảnh hưởng đến các dự án đang được tiến hành và cả các dự án trong tương lai.
VBF 2024: ‘Thủ tục hành chính tiếp tục là nỗi lo của doanh nghiệp FDI’
Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng mong muốn doanh nghiệp FDI tiên phong thực hiện tăng trưởng xanh