Dòng vốn ngoại rút 12,5 tỷ USD khỏi châu Á chỉ trong 1 tháng: Việt Nam không phải ngoại lệ, tỷ lệ sở hữu khối ngoại về mức thấp nhất 10 năm
Chỉ trong tháng 1/2025, các nhà đầu tư nước ngoài đã rút ròng 12,5 tỷ USD khỏi thị trường chứng khoán châu Á, bao gồm Ấn Độ, Đài Loan, Hàn Quốc, Thái Lan, Indonesia, Việt Nam và Philippines.
Dòng vốn ngoại rút mạnh khỏi chứng khoán châu Á
Theo Reuters, tháng 1/2025, các nhà đầu tư nước ngoài đã rút ròng 12,5 tỷ USD khỏi thị trường chứng khoán châu Á, bao gồm Ấn Độ, Đài Loan, Hàn Quốc, Thái Lan, Indonesia, Việt Nam và Philippines. Nguyên nhân chính được cho là do lợi suất trái phiếu Mỹ tăng cao và lo ngại về các chính sách thuế quan mới từ chính quyền Tổng thống Donald Trump.
Ấn Độ ghi nhận mức rút ròng cao nhất với 9,04 tỷ USD, đánh dấu tháng có lượng bán ròng lớn thứ hai trong lịch sử. Theo Prerna Garg, chiến lược gia cổ phiếu tại HSBC Global Research, sự kết hợp giữa tăng trưởng nội địa chậm lại và các yếu tố kinh tế vĩ mô toàn cầu đã khiến nhà đầu tư nước ngoài thận trọng hơn tại thị trường này.
Chỉ số đồng USD đạt mức cao nhất trong 26 tháng, ở mức 110,17 điểm vào tháng trước, do thị trường lao động Mỹ mạnh mẽ và lo ngại về việc Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) không cắt giảm lãi suất trong năm nay. Lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ kỳ hạn 10 năm cũng chạm mức cao nhất trong 14 tháng, đạt 4,809% vào tháng 1. Thêm vào đó, Mỹ đã áp thuế bổ sung 10% lên tất cả các mặt hàng nhập khẩu từ Trung Quốc, và Bắc Kinh đáp trả bằng việc công bố thuế quan lên các sản phẩm nhập khẩu từ Mỹ như dầu, than, khí đốt, ô tô và thiết bị nông nghiệp, có hiệu lực từ ngày 10/2.
Ngoài Ấn Độ, các thị trường như Đài Loan và Hàn Quốc cũng chứng kiến dòng vốn ngoại rút ròng lần lượt 1,52 tỷ USD và 1 tỷ USD. Jason Lui, trưởng bộ phận chiến lược cổ phiếu và phái sinh khu vực châu Á - Thái Bình Dương tại BNP Paribas, cho biết sự phổ biến của các mô hình AI mã nguồn mở chi phí thấp đã khiến nhà đầu tư đánh giá lại triển vọng chi tiêu cho AI, dẫn đến việc rút vốn tại các thị trường này.
![]() |
Hình ảnh minh họa, nguồn: Reuters |
Việt Nam: Áp lực rút vốn tiếp tục gia tăng
Tại Việt Nam, theo số liệu SSI Research, các quỹ ETF đã có tháng thứ 15 liên tiếp rút ròng, với tổng giá trị 616 tỷ đồng trong tháng 1/2025. Áp lực rút vốn chủ yếu đến từ các quỹ ETF ngoại như VanEck (-423 tỷ đồng), Xtrackers FTSE Vietnam (-88 tỷ đồng) và Fubon (-58 tỷ đồng).
Các quỹ ETF nội có sự phân hóa: DCVFM VN30 bị rút ròng 122 tỷ đồng trong 3 tháng liên tiếp, trong khi DCVFM VNDiamond và MAFM VN30 ghi nhận dòng vốn mua ròng tích cực, lần lượt là 54 tỷ đồng và 56 tỷ đồng. Đối với dòng tiền chủ động, các quỹ đầu tư chỉ tập trung vào Việt Nam đã rút ròng 804 tỷ đồng trong tháng 1.
![]() |
Nguồn: SSI Research |
Theo SSI Research, dòng vốn từ các quỹ đầu tư vào thị trường Việt Nam trong năm 2025 sẽ chịu nhiều tác động trái chiều. Những yếu tố như kỳ vọng tốc độ hạ lãi suất chậm của FED, áp lực tỷ giá và chính sách khó đoán định dưới nhiệm kỳ Tổng thống Trump có thể hạn chế dòng vốn.
Tuy nhiên, tỷ lệ sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài tại thị trường Việt Nam đã giảm xuống mức thấp nhất kể từ năm 2015, điều này có thể giúp hạn chế việc rút ròng. Ngoài ra, việc nâng hạng lên thị trường mới nổi của FTSE Russell và triển khai các chính sách như hệ thống giao dịch KRX, Luật Chứng khoán sửa đổi và Nghị định 155/2020 được kỳ vọng sẽ tạo tiền đề cho sự phát triển của thị trường vốn trong trung và dài hạn.
![]() |
Nguồn: SSI Research |
>> HoSE thông tin về dòng tiền khối ngoại trong tháng 1
Như vậy, mặc dù Việt Nam không phải là ngoại lệ trong xu hướng rút vốn của nhà đầu tư nước ngoài tại châu Á, nhưng với những cải cách và chính sách hỗ trợ, thị trường chứng khoán Việt Nam vẫn có triển vọng thu hút dòng vốn trở lại trong tương lai.
>> Cập nhật mới nhất tỷ lệ nắm giữ của khối ngoại tại 3 ngân hàng 'Big4'
Luật Chứng khoán có hiệu lực trong 2025: Khơi thông dòng vốn ngoại chảy vào thị trường trái phiếu
Techcombank, Vietcombank, BIDV chờ đợi dòng vốn ngoại trong năm 2025