Dòng vốn tháo chạy với tốc độ chưa từng thấy, đồng tiền ‘rơi tự do’: Loạt quốc gia đối mặt ‘khủng hoảng kép’ vì thuế quan
Những tác động từ thuế quan do chính quyền Trump đưa ra đang củng cố quan điểm rằng các tài sản rủi ro, đặc biệt là ở thị trường mới nổi, có thể tiếp tục chịu thêm tổn thất.
Theo các chiến lược gia tại Societe Generale SA, phần lớn các đồng tiền thị trường mới nổi sẽ tiếp tục suy yếu. Họ cảnh báo rằng đồng Nhân dân tệ của Trung Quốc sẽ có khả năng mất giá "ở mức độ vừa phải", trong khi đồng rand của Nam Phi và các đồng tiền Mỹ Latinh có thể tiếp tục bị mắc kẹt ở mức thấp.
Trong khi đó, các chuyên gia tại Goldman Sachs cho rằng đà suy yếu của đồng USD có thể hỗ trợ tỷ giá của các nền kinh tế phát triển lớn khác, nhưng không có tác động tích cực đến các thị trường mới nổi.

“Cú sụt giảm vẫn đang diễn ra với tiền tệ thị trường mới nổi, dù có thể sẽ chậm lại”, nhóm phân tích do Phoenix Kalen tại Societe Generale ở London dẫn đầu cho biết.
Dù chỉ số tiền tệ thị trường mới nổi MSCI đã chạm mức cao nhất trong 5 tháng vào cuối tuần qua, nhưng các cuộc trao đổi với nhà đầu tư cho thấy tâm lý bi quan đối với nhóm tài sản này vẫn rất cao. Các nhà quản lý quỹ đang chuẩn bị sẵn tâm thế đối phó với chiến tranh thương mại.
Tuần trước, đồng peso của Colombia và rupiah của Indonesia là hai đồng tiền thị trường mới nổi giảm mạnh nhất.
“Ngay cả khi kịch bản tồi tệ nhất chưa xảy ra, sự bất định hiện tại cũng đã gây ra nhiều thiệt hại”, theo ông Tamas Cser, người quản lý khoảng 2,8 tỷ USD tại quỹ Hold Alapkezelo Zrt. ở Budapest. “Khẩu vị rủi ro của đầu tư trên toàn cầu đang suy giảm”.
Thị trường chứng khoán cũng chịu tác động mạnh, với chỉ số MSCI Thị trường mới nổi giảm tới 3,7% trong tuần qua. Các bất ổn chính trị xảy ra trong năm nay tại Thổ Nhĩ Kỳ, Indonesia và Hàn Quốc đã khiến nhà đầu tư càng thêm e ngại khi rót vốn vào các thị trường mới nổi.
Tại Thổ Nhĩ Kỳ, Morgan Stanley đã điều chỉnh dự báo trong tuần này, cho thấy đồng lira có thể còn yếu hơn vào cuối năm. Họ cũng khuyến cáo nhà đầu tư không nên thực hiện các giao dịch chênh lệch lãi suất (carry trade).
Theo ước tính, những bất ổn do thuế quan từ Mỹ có thể đã khiến Thổ Nhĩ Kỳ mất thêm khoảng 10 tỷ USD dự trữ ngoại hối, bên cạnh những thiệt hại đã xảy ra tháng trước do khủng hoảng chính trị trong nước.
“Vị thế đầu tư nước ngoài nhiều khả năng đã bị thu hẹp thêm trong tuần này do làn sóng rút vốn toàn cầu liên quan đến căng thẳng thuế quan. Điều đó có nghĩa là nhu cầu ngoại tệ trong nước sẽ trở thành yếu tố then chốt quyết định triển vọng dự trữ ngoại hối”, các nhà phân tích tại Morgan Stanley, bao gồm Hande Kucuk và Arnav Gupta, nhận định.
Tuy vậy, một số nhà đầu tư đã tận dụng đợt bán tháo để "săn hàng giá hời". Ông Cser từ Hold Alapkezelo cho biết ông đã mua thêm cổ phiếu Ba Lan, kỳ vọng rằng các chính sách của ông Trump sẽ thúc đẩy chi tiêu quốc phòng tại châu Âu.
Trong khi đó, bà Malin Rosengren, quản lý quỹ tại RBC BlueBay ở London, cho rằng chiến lược của Trump sẽ khuyến khích các lãnh đạo chính trị khác áp dụng những biện pháp quyết liệt hơn, từ đó làm tăng nguy cơ xảy ra các biến động cực đoan trên thị trường.
“Chắc chắn chúng ta sẽ chứng kiến thêm nhiều trường hợp các nhà lãnh đạo theo chủ nghĩa cứng rắn ở thị trường mới nổi thử thách giới hạn của trật tự thế giới mới”, bà nói. “Nhà đầu tư sẽ ngày càng tập trung nhiều hơn vào yếu tố kinh tế và cố gắng vượt qua những cơn bão chính trị”.