Tài chính quốc tế

Quốc gia châu Á nổi lên là ‘thiên đường trú ẩn mới’ giữa cơn bão thuế quan, hút mạnh dòng vốn đầu tư toàn cầu

Vũ Bấc 14/04/2025 12:05

Giữa làn sóng rút vốn và bất ổn từ chiến tranh thương mại Mỹ - Trung, Ấn Độ bất ngờ nổi lên như một điểm đến trú ẩn an toàn cho các quỹ đầu tư, nhờ chính sách ổn định, chi tiêu công mạnh mẽ và tiềm năng sản xuất ngày càng rõ nét.

Khi cuộc chiến thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc ngày càng leo thang sau các đợt áp thuế mới từ chính quyền Tổng thống Donald Trump, Ấn Độ đang nổi lên như một điểm đến đầu tư an toàn trong mắt các nhà đầu tư toàn cầu. Sự ổn định tương đối của nền kinh tế cùng với lập trường ngoại giao ôn hòa đã giúp quốc gia Nam Á này thu hút dòng vốn giữa lúc thị trường thế giới biến động mạnh.

Quốc gia châu Á nổi lên là ‘thiên đường trú ẩn mới’ giữa cơn bão thuế quan, hút mạnh dòng vốn đầu tư toàn cầu - ảnh 1
Nền kinh tế nội địa vững mạnh của Ấn Độ được cho là có khả năng chống chịu suy thoái toàn cầu tốt hơn so với nhiều thị trường mới nổi các tại châu Á - Nguồn: BNN

Tính từ sau đợt áp thuế ngày 2/4, chỉ số MSCI của cổ phiếu Ấn Độ chỉ giảm chưa đến 3%, thấp hơn đáng kể so với mức giảm của các thị trường châu Á khác, vốn đang chịu ảnh hưởng nặng nề từ những bất ổn thương mại. Trong khi đó, thị trường trái phiếu Ấn Độ vẫn giữ được sức hút, nhờ chính sách tiền tệ linh hoạt từ Ngân hàng Dự trữ Ấn Độ (RBI), cơ quan đã chuyển sang lập trường nới lỏng nhằm cung cấp thanh khoản cho hệ thống ngân hàng và hỗ trợ nền kinh tế.

"Lập trường không trả đũa cùng cách tiếp cận đàm phán tích cực đã giúp Ấn Độ xây dựng được vị thế vững chắc hơn trên trường quốc tế, không chỉ về chính sách thuế quan mà còn trong chiến lược phát triển năng lực sản xuất lâu dài", bà Sneha Tulsyan, nhà phân tích đầu tư tại Tokio Marine Asset Management International Pte. ở Singapore, nhận định.

Thêm vào đó, mức độ tác động trực tiếp từ thuế quan của Mỹ đối với Ấn Độ được đánh giá là không quá sâu sắc. Ấn Độ chỉ chiếm 2,7% tổng kim ngạch nhập khẩu của Mỹ trong năm ngoái – thấp hơn nhiều so với Trung Quốc (14%) và Mexico (15%). Điều này giúp Ấn Độ có biên độ an toàn cao hơn trước các đợt áp thuế mới từ Washington.

Quốc gia châu Á nổi lên là ‘thiên đường trú ẩn mới’ giữa cơn bão thuế quan, hút mạnh dòng vốn đầu tư toàn cầu - ảnh 2
Xuất khẩu hàng hóa của Ấn Độ chỉ chiếm 12% GDP – thấp hơn so với các nền kinh tế mới nổi khác ở châu Á - Nguồn: World Bank

Mặt khác, một yếu tố then chốt khiến Ấn Độ trở nên hấp dẫn trong mắt nhà đầu tư là cấu trúc kinh tế hướng nội – với động lực tăng trưởng chính đến từ tiêu dùng trong nước, thay vì phụ thuộc vào xuất khẩu. Điều này giúp nền kinh tế ít bị tổn thương hơn trước các cú sốc bên ngoài như thuế quan hay gián đoạn chuỗi cung ứng toàn cầu.

Trong khi Trung Quốc phản ứng gay gắt bằng cách áp thuế trả đũa nhằm vào hàng hóa Mỹ, chính phủ Ấn Độ lại thể hiện lập trường hòa giải. New Delhi đang nỗ lực thúc đẩy một thỏa thuận thương mại tạm thời với Washington trong vòng 90 ngày tới, đồng thời mở cửa cho các cuộc đàm phán song phương nhằm xoa dịu căng thẳng.

Ngoài ra, Ấn Độ cũng được xem là một trong những quốc gia hưởng lợi tiềm năng từ làn sóng dịch chuyển chuỗi cung ứng ra khỏi Trung Quốc – xu hướng đang được nhiều doanh nghiệp toàn cầu tính đến nhằm giảm thiểu rủi ro địa chính trị và chi phí sản xuất. Với lực lượng lao động trẻ, chi phí cạnh tranh và chính sách cải cách thân thiện với doanh nghiệp, Ấn Độ đang nỗ lực khẳng định vị thế là trung tâm sản xuất thay thế trong khu vực.

Theo dữ liệu mới công bố ngày 8/4, Bộ Công nghệ Thông tin Ấn Độ cho biết sản lượng điện thoại thông minh xuất khẩu của nước này đã tăng 54% trong năm qua (năm tài chính kết thúc vào tháng 3/2025). Riêng Apple Inc. đã xuất khẩu hơn 17,4 tỷ USD iPhone từ Ấn Độ trong giai đoạn này, đạt mức kỷ lục, cho thấy tiềm năng từ xu hướng dịch chuyển sản xuất ra khỏi Trung Quốc của các tập đoàn công nghệ đa quốc gia.

“Ấn Độ đang tiến vào một giai đoạn thuận lợi trong cuộc chiến thương mại hiện nay,” ông Sumeet Rohra, nhà quản lý quỹ tại Smartsun Capital Pte., nhận định. “Đây là một nền kinh tế tập trung vào tiêu dùng nội địa, ít bị tổn thương từ bên ngoài. Chúng tôi đang tranh thủ mua vào trong lúc thị trường điều chỉnh, vì kỳ vọng rằng thị trường sẽ sớm chạm đáy và tăng trưởng lợi nhuận hai chữ số sẽ quay trở lại từ cuối năm nay”.

Economist dự báo tăng trưởng GDP của Ấn Độ trong năm tài chính 2026 sẽ đạt khoảng 7,2%, với mức giảm nhẹ từ 0,3 đến 0,4 điểm phần trăm do ảnh hưởng tạm thời của xuất khẩu trong ngắn hạn. Tuy nhiên, các nhà phân tích cho rằng triển vọng trung hạn vẫn tích cực, đặc biệt nếu New Delhi đạt được một thỏa thuận thương mại với Mỹ trong thời gian tới.

“Ấn Độ sẽ nổi lên như một thị trường có hiệu suất vượt trội tương đối”, ông Mahesh Nandurkar, chiến lược gia tại Jefferies Financial Group Inc., viết trong một báo cáo ngày 9/4. Ông nhấn mạnh các yếu tố hỗ trợ chính gồm: mức độ phụ thuộc thấp vào thị trường Mỹ và Trung Quốc, thuế quan thấp, giá dầu ổn định, dòng vốn đầu tư nước ngoài tích cực, và chính sách tiền tệ linh hoạt của Ngân hàng Trung ương.

Theo đó, Jefferies đã nâng tỷ trọng đầu tư vào Ấn Độ lên mức “vượt trội” trong mô hình phân bổ khu vực châu Á (không bao gồm Nhật Bản) mà hãng khuyến nghị.

Quốc gia châu Á nổi lên là ‘thiên đường trú ẩn mới’ giữa cơn bão thuế quan, hút mạnh dòng vốn đầu tư toàn cầu - ảnh 3
Dòng tiền nội địa trở thành động lực chính thúc đẩy thị trường chứng khoán Ấn Độ, thay vì dòng vốn ngoại và nhà đầu tư nhỏ lẻ, kể từ năm 2020 - Nguồn: Sàn giao dịch chứng khoán Ấn Độ

Trong bối cảnh bất ổn thương mại toàn cầu, chính sách chi tiêu công quy mô lớn dưới thời Thủ tướng Narendra Modi đang trở thành động lực tăng trưởng chủ chốt của nền kinh tế Ấn Độ. Các khoản đầu tư mạnh mẽ vào hạ tầng, giao thông và công nghệ đang góp phần giữ đà tăng trưởng, ngay cả khi dòng vốn ngoại có dấu hiệu rút khỏi các thị trường mới nổi.

Một yếu tố hỗ trợ đáng kể khác đến từ các nhà đầu tư trong nước. Trong khi nhiều quỹ đầu tư toàn cầu bán tháo cổ phiếu Ấn Độ để tránh rủi ro, các tổ chức tài chính nội địa đã trở thành lực đỡ quan trọng của thị trường, với tổng vốn rót vào lên tới 25 tỷ USD chỉ riêng trong năm nay.

“Rõ ràng là các nhà đầu tư nên đặt cược vào khả năng phục hồi của Ấn Độ,” ông Harshad Patwardhan, Giám đốc đầu tư tại Union Asset Management Co. có trụ sở tại Mumbai, nhận định. “Dòng tiền trong nước vẫn là lợi thế chiến lược lớn nhất của thị trường Ấn Độ.”

Tuy nhiên, không phải mọi lĩnh vực đều nằm trong tầm kiểm soát của chính phủ Ấn Độ. Các công ty Ấn Độ hoạt động trong lĩnh vực xuất khẩu phần mềm và dược phẩm – những ngành có mức độ tiếp xúc quốc tế cao – đang chịu ảnh hưởng rõ rệt từ căng thẳng thương mại và sự gián đoạn chuỗi cung ứng.

Mặc dù định giá của các công ty trong nhóm này đã điều chỉnh, nhưng theo giới phân tích, vẫn còn cao so với các thị trường cùng khu vực: chỉ số MSCI India hiện đang giao dịch ở mức khoảng 20 lần lợi nhuận kỳ vọng, so với mức trung bình 13 lần của chỉ số tương đương tại châu Á.

“Nhà đầu tư vẫn cần thận trọng với định giá ở một số phân khúc của thị trường Ấn Độ, nhưng nhìn chung, triển vọng vẫn khá vững chắc”, ông Edward Lees, đồng quản lý các quỹ giải pháp môi trường tại BNP Paribas Asset Management, chia sẻ. Công ty này cho biết đã gia tăng tỷ trọng đầu tư vào thị trường Ấn Độ trong đợt điều chỉnh gần đây, kỳ vọng vào xu hướng phục hồi vững chắc từ chính sách tài khóa.

Theo tờ Economic Times ngày 11/4, Bộ Tài chính Ấn Độ đã yêu cầu các bộ ngành và cơ quan trung ương ưu tiên chi tiêu vốn, nhằm thúc đẩy tăng trưởng và tạo cú hích cho nền kinh tế trong giai đoạn đầy biến động của kinh tế thế giới.

Song hành với chính sách tài khóa tích cực, Ngân hàng Dự trữ Ấn Độ (RBI) đã liên tiếp cắt giảm lãi suất và bơm thanh khoản vào hệ thống tài chính – một động thái giúp làm giảm lợi suất trái phiếu chính phủ, từ đó tạo điều kiện thuận lợi hơn cho các chương trình vay vốn công phục vụ phát triển cơ sở hạ tầng.

Việc duy trì lãi suất thấp không chỉ giảm chi phí vay của chính phủ mà còn kích thích đầu tư tư nhân và tiêu dùng, hai trụ cột quan trọng cho tăng trưởng trong nước. Trong bối cảnh nhiều nền kinh tế mới nổi đang chịu áp lực từ cả bên trong lẫn bên ngoài, chính sách tiền tệ linh hoạt của RBI được đánh giá là đã góp phần giữ ổn định niềm tin của thị trường.

“Ngay cả trong tình hình bất ổn liên quan đến chiến tranh thương mại, nền kinh tế Ấn Độ vẫn có thể duy trì tốc độ tăng trưởng hơn 6%, nhờ việc Ngân hàng Dự trữ Ấn Độ đã chủ động và quyết liệt hỗ trợ nền kinh tế,” ông Vivek Bhutoria, nhà quản lý quỹ tại Federated Hermes ở London, nhận định. Ông cho biết đã tăng mức độ đầu tư vào thị trường Ấn Độ trong những tháng gần đây, dựa trên kỳ vọng vào các chính sách hỗ trợ tăng trưởng mạnh mẽ từ cả chính phủ lẫn ngân hàng trung ương.

Tham khảo BNN, Economist

>> Tiền tệ châu Á lao dốc vì thuế quan, nhà đầu tư tháo chạy: Chuyên gia cảnh báo nguy cơ khủng hoảng kinh tế mới

Ông Trump bất ngờ miễn thuế đối ứng với iPhone, laptop và chip: Apple, Nvidia thắng lớn

Phát hiện 'điểm yếu' của Mỹ, Trung Quốc mạnh tay đáp trả trong cuộc chiến thuế quan?

Theo Thị trường tài chính
https://thitruongtaichinh.kinhtedothi.vn/nhip-song-do-day/quoc-gia-chau-a-noi-len-la-thien-duong-tru-an-moi-giua-con-bao-thue-quan-hut-manh-dong-von-dau-tu-toan-cau-140383.html
Bài liên quan
Đừng bỏ lỡ
    Đặc sắc
    Nổi bật Người quan sát
    Quốc gia châu Á nổi lên là ‘thiên đường trú ẩn mới’ giữa cơn bão thuế quan, hút mạnh dòng vốn đầu tư toàn cầu
    POWERED BY ONECMS & INTECH