Đột biến 17 lệnh giao dịch cổ phiếu Eximbank (EIB) phiên 3/12
VN-Index mất mốc 1.250 điểm bất chấp nhiều cổ phiếu lập đỉnh, giao dịch thỏa thuận tại Eximbank (EIB) gây chú ý đặc biệt.
Trong phiên giao dịch 3/12, dù nhiều cổ phiếu như TLG của Thiên Long Group và VTP của Viettel Post lập đỉnh lịch sử, cùng sự tăng mạnh của các mã như HDB, LPB, CTR, POW, FPT và BVH, VN-Index vẫn không giữ được đà tăng, kết phiên trong sắc đỏ và mất mốc quan trọng 1.250 điểm.
Giá trị giao dịch khớp lệnh trên sàn HoSE cải thiện, đạt 15.600 tỷ đồng, trong đó nhóm VN30 chiếm gần 7.350 tỷ đồng. Đáng chú ý, giao dịch thỏa thuận tăng đột biến với tổng giá trị 4.170 tỷ đồng. Các mã EIB (934 tỷ đồng), VHM (622,6 tỷ đồng) và SSB (366,4 tỷ đồng) là những cổ phiếu được sang tay mạnh nhất trong phiên.
Cổ phiếu Eximbank (EIB) đóng cửa tại mức tham chiếu 18.500 đồng với khối lượng khớp lệnh chỉ chưa đầy 1,5 triệu đơn vị. Tuy nhiên, giao dịch thỏa thuận tại mã này đạt 52,5 triệu cổ phiếu, nâng tổng giá trị giao dịch lên 955 tỷ đồng, chiếm phần lớn trong tổng thanh khoản của mã.
Theo thống kê, các giao dịch thỏa thuận tại EIB được thực hiện bởi 17 lệnh, chủ yếu ở mức giá trần, sàn và tham chiếu. Trung bình mỗi lệnh thỏa thuận có khối lượng 3,09 triệu đơn vị với giá trị gần 55 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận tăng cao tại Eximbank không phải là hiện tượng hiếm gặp trong thời gian gần đây, đặc biệt khi thị trường chung sụt giảm thanh khoản mạnh.
Diễn biến cổ phiếu EIB |
Cổ phiếu EIB vẫn duy trì vận động trong vùng giá đi ngang kéo dài từ cuối năm 2022 đến nay, phản ánh sự thận trọng của các nhóm cổ đông lớn trong bối cảnh ngân hàng đang có những thay đổi nội tại đáng kể. Việc giao dịch thỏa thuận tăng cao càng làm nổi bật vai trò của cổ đông lớn trong định hướng vận động giá cổ phiếu, đặc biệt khi thị trường đang ở trạng thái nhạy cảm với dòng tiền.
Dù phiên giao dịch ghi nhận những dấu ấn đáng chú ý, VN-Index vẫn chịu áp lực điều chỉnh và chưa cho thấy tín hiệu rõ ràng về khả năng hồi phục bền vững trong ngắn hạn.
>> Nguyên nhân chuyển trụ sở Eximbank: 10 năm không tăng khách hàng