Dự án cao tốc Ninh Bình - Hải Phòng có hoạt động đầu tiên về giải quyết bồi thường giải phóng mặt bằng
Cao tốc Ninh Bình - Hải Phòng sẽ sử dụng hơn 500ha đất và dự án cũng đã có những bước đi đầu tiên để tiến hành giải phóng mặt bằng.
Theo Báo Điện tử Chính phủ, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà đã phê duyệt Khung chính sách bồi thường, hỗ trợ, tái định cư Dự án đầu tư xây dựng đường cao tốc Ninh Bình - Hải Phòng, đoạn qua tỉnh Nam Định và Thái Bình theo phương thức đối tác công tư.
Theo Công văn được ban hành, Phó Thủ tướng yêu cầu UBND tỉnh Thái Bình chịu trách nhiệm toàn diện về hồ sơ, nội dung khung chính sách, tính chính xác của thông tin, số liệu. Cùng với đó, UBND tỉnh Thái Bình, UBND tỉnh Nam Định sẽ chịu trách nhiệm chỉ đạo thực hiện khung chính sách đã được phê duyệt theo đúng quy định của pháp luật, không để xảy ra thất thoát, tiêu cực.
Dự án xây dựng tuyến đường cao tốc Ninh Bình - Hải Phòng đoạn qua tỉnh Nam Định và Thái Bình được triển khai theo phương thức đối tác công tư. Đây là dự án nhóm A, chủ đầu tư là Tập đoàn Geleximco - Công ty CP.
>> Giải được bài toán 'khó bậc nhất' của dự án cao tốc gần 18.000 tỷ Biên Hoà - Vũng Tàu
Dự án có tổng chiều dài khoảng 0,9km, trong đó, địa bàn tỉnh Nam Định là 27,6km và địa bàn tỉnh Thái Bình là 33,3km. Để triển khai, tuyến đường cần khoảng 522,53ha đất, trong đó, 251,15ha đất của tỉnh Nam Định và 271,48ha của tỉnh Thái Bình. Điểm đầu của dự án tại đầu cầu vượt sông Đáy phía Nam Định (Km19+300) thuộc địa bàn xã Nghĩa Thái, huyện Nghĩa Hưng. Điểm cuối dự án tại nút giao giữa Quốc lộ 37 mới và đường ven biển (Km80+200) thuộc địa bàn xã Thụy Trình, huyện Thái Thụy, tỉnh Thái Bình.
Cao tốc Ninh Bình - Hải Phòng đoạn qua tỉnh Nam Định và Thái Bình có quy mô 4 làn xe hoàn chỉnh, bề rộng nền đường 24,75m, vận tốc thiết kế 120km/h. Thời gian thực hiện dự án từ năm 2023 đến năm 2027. Tổng mức đầu tư sơ bộ của dự án là 18.927,63 tỷ đồng.
Dự án hướng đến hoàn thiện các tuyến đường bộ cao tốc trong Quy hoạch mạng lưới đường bộ thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Tuyến đường sẽ kết nối đường bộ cao tốc 6 tỉnh thành là Thanh Hóa, Ninh Bình, Nam Định, Thái Bình đến thành phố Hải Phòng, Quảng Ninh. Từ đây, dự án góp phần tạo động lực phát triển các tỉnh, thành phố vùng Đồng bằng sông Hồng và Bắc Trung Bộ; làm cơ sở để thu hút các nhà đầu tư trong nhiều lĩnh vực, đặc biệt là phát triển đô thị, công nghiệp, thương mại và dịch vụ. Đồng thời, dự án cũng đáp ứng kịp thời việc ứng phó khi có sự cố thiên tai, biến đổi khí hậu trong khu vực; tăng cường củng cố quốc phòng, an ninh.
>> Chính thức lựa chọn nhà đầu tư dự án cao tốc hơn 17.400 tỷ từ TP. HCM đến Bình Phước
Chính thức lựa chọn nhà đầu tư dự án cao tốc hơn 17.400 tỷ từ TP. HCM đến Bình Phước
Rốt ráo tìm nhà đầu tư tái khởi động cây cầu cao nhất Việt Nam trên cao tốc 30.000 tỷ