Theo lãnh đạo Hà Nội, dự án không có nhiều nhà đầu tư tham gia do doanh nghiệp phải đáp ứng tiêu chí tối thiểu đối với một dự án giao thông lớn, quy mô phức tạp.
Trong báo cáo mới nhất gửi Chính phủ về dự án Vành đai 4 - Vùng Thủ đô, lãnh đạo Hà Nội cho biết khó khăn lớn nhất tại dự án Vành đai 4 là phải xây dựng tuyến cao tốc trung tâm đúng tiến độ, đồng bộ với các dự án đường song hành đang được triển khai và hoàn thành trong năm 2025.
Đến nay, TP. Hà Nội vẫn chưa tìm được nhà đầu tư cao tốc theo hình thức PPP.
"Thành phố từng khảo sát sự quan tâm của nhà đầu tư đối với dự án thành phần 3 trên hệ thống mạng đấu thầu quốc gia. Kết quả chỉ có một nhà đầu tư quan tâm là CTCP Tập đoàn T&T", lãnh đạo thành phố nói.
Còn theo Nghị định 35/2021, hình thức lựa chọn nhà đầu tư đối với dự án thành phần 3 là đấu thầu rộng rãi trong nước, không sơ tuyển.
Theo lãnh đạo Hà Nội, dự án không có nhiều nhà đầu tư tham gia do doanh nghiệp phải đáp ứng tiêu chí tối thiểu đối với một dự án giao thông lớn, quy mô phức tạp.
Cụ thể, nhà đầu tư phải có vốn chủ sở hữu tối thiểu 15% tổng mức đầu tư dự án là hơn 4.400 tỷ đồng; phải từng hoàn thành dự án có tổng mức đầu tư tối thiểu 50% tổng mức đầu tư dự án Vành đai 4 (khoảng 28.100 tỷ đồng).
>> Đường ven biển gần 4.000 tỷ đồng nối Hải Phòng với Thái Bình bất ngờ phát tín hiệu ‘SOS’
Vốn nhà đầu tư phải huy động khoảng 29.525 tỷ đồng, trong đó vay từ các tổ chức tín dụng chiếm khoảng 85%, thời gian hoàn vốn kéo dài. Lãnh đạo thành phố đánh giá nguồn vốn lớn có thể gây khó khăn cho các tổ chức tín dụng, ngân hàng, ảnh hưởng đến khả năng huy động vốn của nhà đầu tư.
"Với các nguyên nhân nêu trên, không nhiều nhà đầu tư trong nước tham gia tổ hợp thành liên danh đáp ứng yêu cầu", lãnh đạo Hà Nội nhận định.
Lãnh đạo Hà Nội kiến nghị Chính phủ cho phép cho nhà đầu tư quốc tế tham gia vào các liên danh nhà đầu tư đấu thầu dự án thành phần 3 để vừa đáp ứng yêu cầu kinh nghiệm, vừa huy động thêm nguồn vốn nước ngoài đầu tư vào kết cấu hạ tầng giao thông.
Hà Nội kiến nghị được nêu trong hồ sơ mời thầu là: "Nhà đầu tư trong nước được liên danh với nhà đầu tư được thành lập theo pháp luật nước ngoài, hoặc sử dụng đối tác là nhà thầu nước ngoài để tham dự thầu. Trường hợp này, nhà đầu tư trong nước phải là thành viên đứng đầu liên danh".
Tuy nhiên, TP. Hà Nội cho biết nhược điểm của việc nhà đầu tư quốc tế tham gia liên danh với nhà đầu tư trong nước là cần thời gian thương thảo hợp đồng và cần đàm phán chính sách về giá, lộ trình tăng phí, quy định chia sẻ phần giảm doanh thu... Hà Nội đang thẩm định hồ sơ mời thầu tuyến cao tốc, phấn đấu hoàn thành lựa chọn nhà đầu tư và khởi công trong quý IV/2024.
Được biết, cao tốc Vành đai 4 đi qua TP. Hà Nội 57km, tỉnh Hưng Yên 19km, tỉnh Bắc Ninh 27km và tuyến nối theo hướng cao tốc Nội Bài - Hạ Long khoảng 9,7km trong đó, đoạn đi thấp dài khoảng 32km, đoạn trên cao dài hơn 80km.
Tuyến đường có 6 làn xe, hệ thống đường song hành hai bên, hành lang cây xanh, công trình hạ tầng kỹ thuật và đất dự trữ cho đường sắt Vành đai. Tốc độ thiết kế tuyến đường là 100km/h.
Vành đai 4 Hà Nội được triển khai theo 7 dự án thành phần, trong đó dự án thành phần 3 là "trục xương sống" gồm tuyến cao tốc dài 113km với tổng mức đầu tư hơn 56.290 tỷ đồng. Vốn nhà nước xây dựng công trình, hệ thống hạ tầng là hơn 26.760 tỷ đồng, vốn nhà đầu tư tham gia 29.525 tỷ đồng.
>> Chỉ đạo mới nhất của Phó Thủ tướng về siêu dự án đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam hơn 70 tỷ USD
Cảnh đối lập ở dự án cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu sau gần 1 năm thi công
Ấn định khởi công cao tốc 19.500 tỷ kết nối Tây Nguyên và các tỉnh Đông Nam Bộ vào tháng 12 năm nay