Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng khẳng định sẽ tái khởi động lại Dự án đường sắt Yên Viên – Phả Lại – Hạ Long – Cái Lân dở dang suốt 18 năm qua.
Chiều 7/6, sau khi kết thúc phiên chất vấn nhóm vấn đề thứ ba thuộc lĩnh vực khoa học và công nghệ, Quốc hội tiến hành chất vấn Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Văn Thắng về nhóm vấn đề thứ tư thuộc lĩnh vực giao thông vận tải.
Tham gia chất vấn Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải, đại biểu Trần Thị Vân (đoàn Bắc Ninh) cho biết, dự án tuyến đường sắt Yên Viên - Cái Lân được triển khai từ năm 2005.
Được biết, tuyến đường sắt Yên Viên - Phả Lại - Hạ Long - Cái Lân được Bộ Giao thông Vận tải phê duyệt từ tháng 7/2008. Dự án có chiều dài 131km; có tổng mức đầu tư trên 7.600 tỷ đồng. Tại Quảng Ninh, theo thống kê có gần 3.000 hộ dân bị ảnh hưởng do dự án đi qua.
Để thực hiện dự án này, tỉnh Quảng Ninh đã tiến hành khoanh vùng và tiến hành bồi thường, giải phóng mặt bằng. Trong đó, Thành phố Hạ Long có 721 hộ dân, tổ chức bị ảnh hưởng. Đã phê duyệt phương án bồi thường đối với 615/721 hộ dân, đã chi trả cho 157/615 hộ với chi phí gần 33 tỷ đồng.
Thành phố Uông Bí có tổng số 1.075 hộ dân, tổ chức bị ảnh hưởng. Đã phê duyệt phương án 256 hộ, 2 tổ chức với tổng kinh phí gần 67 tỷ đồng. Thị xã Đông Triều có 1.186 hộ gia đình, tổ chức bị ảnh hưởng. Đã phê duyệt phương án bồi thường, hỗ trợ cho 950 hộ gia đình, đã chi trả tiền bồi thường cho 902 hộ gia đình, tổ chức với số tiền là 22,5 tỷ đồng.
Sau nhiều năm, với gần 60% kinh phí đã thực hiện, dự án đang rơi vào tình trạng cầu chờ đường, đường chờ đổ đá, lắp đường ray, gây lãng phí rất lớn. Đặc biệt hàng nghìn hộ dân các tỉnh Bắc Ninh, Hải Dương và Quảng Ninh mà dự án đi qua bị ảnh hưởng vì nằm trong quy hoạch hành lang đường sắt.
Đại biểu Trần Thị Vân chất vấn Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải: Dự án có tiếp tục thực hiện hay không? Nếu có, bao giờ khởi động lại? Với trách nhiệm của mình, Bộ có giải pháp gì tham mưu với Quốc hội, Chính phủ để giải quyết những dự án trọng điểm tồn đọng kéo dài trên?
Trả lời chất vấn của đại biểu Trần Thị Vân, Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải cho biết, dự án này thực sự là vấn đề nhức nhối của cử tri, nhân dân tỉnh Quảng Ninh. Khi là Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh, bản thân Bộ trưởng đã đề nghị rất nhiều lần với Trung ương cho tiếp tục triển khai dự án này.
Dự án được triển khai từ năm 2005, nhưng do khó khăn về nguồn ngân sách, vì vậy, năm 2011 dự án đã phải dừng lại. Vừa qua khi tham mưu cho Ban Cán sự Đảng Chính phủ trình Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết về phát triển đường sắt, Bộ Giao thông Vận tải đã tính toán kỹ lưỡng trên cơ sở của đơn vị tư vấn và thấy rằng dự án này vẫn rất cấp thiết. Bộ Chính trị đã ban hành Kết luận số 49, trong đó yêu cầu dự án phải được triển khai trước năm 2030.
Bộ Giao thông Vận tải sẽ tiếp tục tham mưu và cùng các Bộ ngành nghiên cứu, tính toán, bố trí nguồn vốn cho dự án này. Về mặt cơ bản, Bộ Giao thông Vận tải rất ủng hộ việc tiếp tục đầu tư hoàn thiện dự án này theo kết luận 49 của Bộ Chính trị.
Cũng trong chiều 7/6, trả lời về việc rà soát không đầu tư đường bộ cao tốc 2 làn xe và bao giờ để nâng cấp, mở rộng hoàn chỉnh, Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Văn Thắng khẳng định việc đầu tư 4 làn xe hay 6-8 làn hoàn chỉnh là nhu cầu đúng đắn, cấp thiết.
Ông Thắng cho biết Thủ tướng Chính Phủ đã có chỉ đạo đầu tư tuyến cao tốc nào thì cần phải hoàn chỉnh tuyến đó. Tuy nhiên vừa qua, nguồn lực đầu tư có hạn, một số tuyến đường bộ cao tốc chỉ có ngân sách đầu tư làm 2 làn xe, trong khi thời gian ban đầu lưu lượng không lớn.
Theo đánh giá có khoảng 5 tuyến đường bộ cao tốc cao tốc 2 làn xe, thời gian tới, Bộ Giao thông Vận tải sẽ phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư cùng các bộ, ngành khác để tham mưu cho Chính phủ và chỉ đạo ưu tiên nguồn ngân sách đầu tư 2 làn xe lên 4 làn xe hoàn chỉnh.