Dự án phát triển Lô B - Ô Môn sắp nhận gần 830 triệu USD vốn vay từ Nhật Bản
Đây là khoản vay từ JBIC và các tổ chức tư nhân nhằm cung cấp nguồn vốn cần thiết để MOECO phát triển mỏ khí Lô B - Ô Môn.
Ảnh minh hoạ |
Theo tờ Nikkei Asia đưa tin, dự án phát triển khí đốt Lô B - Ô Môn vừa nhận được khoản vay hợp vốn trị giá khoảng 832 triệu USD từ Ngân hàng Hợp tác Quốc tế Nhật Bản (JBIC) và các tổ chức cho vay tư nhân.
Trước đó, ngày 5/7, Ngân hàng Hợp tác Quốc tế Nhật Bản đã ký các thỏa thuận với ba công ty con của Công ty Thăm dò Dầu khí Mitsui (MOECO), bao gồm công ty Dầu khí MOECO Việt Nam, công ty Dầu khí MOECO Tây Nam Việt Nam và công ty Đường ống MOECO Tây Nam Việt Nam. Số tiền JBIC cho vay lần lượt là 167 triệu USD; 161 triệu USD và khoảng 87 triệu USD; tổng cộng khoản vay là 415 triệu USD.
Đây là khoản vay nhằm cung cấp nguồn vốn cần thiết để MOECO phát triển mỏ khí Lô B nằm ngoài khơi bờ biển Tây Nam Việt Nam và xây dựng đường ống vận chuyển khí nhiên liệu đến các nhà máy nhiệt điện ở khu vực Tây Nam đất nước.
Được biết, chuỗi dự án khí điện Lô B – Ô Môn có quy mô rất lớn tại Việt Nam, bao gồm nhiều dự án thành phần (dự án phát triển thượng nguồn, dự án đường ống và các dự án nhà máy điện ở hạ nguồn), với sự tham gia của nhiều nhà đầu tư (từ các đối tác nước ngoài Nhật Bản và Thái Lan như MOECO, PTTEP, Marubeni đến các nhà đầu tư Việt Nam như Petrovietnam, PVEP, PV GAS, EVNGENCO2, WTO).
Quy mô đầu tư toàn chuỗi dự án lên tới gần 12 tỷ USD. Lô B, 48/95 và 52/97 (gọi tắt là Lô B) nằm ở khu vực ngoài khơi phía Tây Nam Việt Nam, thuộc khu vực vùng trũng Bể Malay - Thổ Chu vùng thềm lục địa, cách bờ biển Cà Mau khoảng 300km, cách Trung tâm Điện lực Ô Môn khoảng 400km, với độ sâu nước biển khoảng 77m.
Toàn bộ nguồn khí Lô B khai thác sẽ được vận chuyển bằng đường ống về khu vực quận Ô Môn, TP Cần Thơ cung cấp khí cho các Nhà máy điện Ô Môn I, Ô Môn II, Ô Môn III và Ô Môn IV (với tổng công suất khoảng 3.810MW), ngoài ra còn có thể cấp bù khí cho khu vực Cà Mau.
Ngoài ra, tính đến cuối tháng 3 năm 2023, JBIC đã cấp tổng cộng 525 tỷ yên (tương đương 3,26 tỷ USD) cho các dự án tại Việt Nam, bao gồm nhà máy lọc dầu Nghi Sơn và dự án sản xuất nhiên liệu sinh khối.
Những khoản đầu tư này không chỉ giúp Việt Nam phát triển ngành công nghiệp khí đốt mà còn hỗ trợ quá trình chuyển đổi năng lượng của quốc gia.
Việt Nam cần tận dụng cơ hội để tăng giá trị xuất khẩu và đảm bảo lợi nhuận cho cả người trồng lúa và doanh nghiệp xuất khẩu trong tương lai.
Dự án đường ống dẫn khí Lô B - Ô Môn 28.700 tỷ đồng sắp được triển khai
Nhóm dầu khí 'phản ứng' với dự án Lô B - Ô Môn, một doanh nghiệp có thể lãi gấp 16 lần