Tại ĐHCĐ thường niên 2023 của Khu công nghiệp Sông Đà - Sudico (Mã SJS), cổ đông liên tục chất vấn lãnh đạo công ty về những vấn đề nổi cộm nhiều năm như chuyện nợ cổ tức kéo dài, câu chuyện tăng vốn - đổi tên, chuyện về quỹ đất - pháp lý - tiến độ triển khai/chuyển nhượng dự án, tính khả thi đối với các mục tiêu kinh doanh năm 2023,...
Giữa tháng 4/2022, Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX) đã công bố kết quả phiên đấu giá 41.745.862 cổ phiếu SJS - tương ứng 36,65% cổ phần của CTCP Đầu tư Phát triển Đô thị và Khu công nghiệp Sông Đà - Sudico (Mã SJS - HOSE) thuộc sở hữu của Tổng Công ty Sông Đà (Mã SJG - UPCoM). Giá khởi điểm là 101.900 đồng/cổ phiếu.
Đầu tư An Phát - lỗ hơn 2.510 tỷ đồng sau gần 1 năm vì đu đỉnh cổ phiếu SJS
Có 2 nhà đầu tư tổ chức đã tham gia đấu giá trọn lô cổ phiếu trên trong đó nhà đầu tư trả giá 102.000 đồng/cổ phiếu (CTCP Thương mại Dịch vụ Đầu tư An Phát) đã được công bố trúng giá.
Tính theo giá này, số tiền SJG thu về sau thoái vốn Sudico lên tới 4.258 tỷ đồng trong khi giá trị gốc đầu tư tại thời điểm đầu năm chỉ là 872 tỷ.
Hiện tại, cổ phiếu SJS trên thị trường đã giảm tới 59% so với giá tại thời điểm Đầu tư An Phát mua vào (kết phiên sáng 3/4/2023 còn 42.100 đồng/cổ phiếu) - tương ứng lỗ 2.512 tỷ so với giá đầu tư gốc.
Diễn biến giá cổ phiếu SJS |
Về phần CTCP Thương mại Dịch vụ Đầu tư An Phát, được biết đây là một doanh nghiệp thành lập năm 2016 có trụ sở tại tầng 3, Tòa nhà Lotus, số 2 Duy Tân, Cầu Giấy, Hà Nội.
Hầu như không có thông tin nào từng xuất hiện về doanh nghiệp này cho đến trước khi Đầu tư An Phát được công bố trở thành cổ đông lớn nhất của Sudico.
Theo thay đổi đăng ký kinh doanh gần nhất vào ngày 30/9/2021, An Phát đã tăng mạnh vốn điều lệ từ 120 tỷ lên 1.800 tỷ đồng.
Chủ tịch HĐQT của An Phát là ông Phạm Thành Huy (sinh năm 1977) là người đại diện theo pháp luật của CTCP Mặt trời Sông Hồng - doanh nghiệp bất động sản có trụ sở tại TP. Vĩnh Yên, tỉnh Vĩnh Phúc.
Mặt trời Sông Hồng là chủ đầu tư của dự án "Khu đô thị Sông Hồng" tại xã Mê Linh - xã Tiền Phong, huyện Mê Linh, TP. Hà Nội. Nhiều tài sản liên quan đến dự án này được dùng làm tài sản đảm bảo tại Ngân hàng Việt Á – ngân hàng hiện cũng đang là chủ nợ chính của Sudico.
Sudico ra sao sau rời tay Tổng Sông Đà?
Sudico từng được xem là một trong những "ông lớn" trên thị trường bất động sản, thành danh nhờ dự án Khu đô thị Mỹ Đình - Mễ Trì quy mô 36 ha. Dự án có tổng vốn đầu tư 4.500 tỷ đồng, một trong những dự án lớn nhất Hà Nội những năm đầu thập niên 2000.
Sau thành công của dự án Đô thị mới Mỹ Đình – Mễ Trì, Sudico liên tiếp đầu tư nhiều dự án đô thị, dân cư và du lịch sinh thái lớn khắp cả nước như: Dự án Khu đô thị mới Nam An Khánh và phần mở rộng (tổng diện tích 280 ha), dự án Khu nhà ở Văn La – Văn Khê (12 ha), dự án khách sạn Sông Đà – Hạ Long; dự án Khu dân cư Long Tân – Nhơn Trạch – Đồng Nai (65 ha). Các dự án đang trong quá trình đầu tư như dự án Khu đô thị mới Tiến Xuân (1.115 ha), dự án Hòa Hải – Đà Nẵng (12 ha), dự án Khu du lịch sinh thái Sông Đà Ngọc Vừng (39 ha),…
Có lẽ do đầu tư dàn trải quá nhiều dự án lớn nên doanh nghiệp này liên tục thiếu hụt nguồn vốn; nhiều dự án đang gặp vướng mắc, chưa thể hoàn tất xong thủ tục pháp lý khiến kết quả kinh doanh của Sudico trong những năm gần đây đi xuống theo từng năm.
Từ mức 225 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế năm 2015, doanh nghiệp chỉ còn lãi gần 42 tỷ đồng trong năm 2020.
Sau khi SJG thoái vốn, lợi nhuận sau thuế của Sudico giảm mạnh về còn 6,2 tỷ đồng (quý 2/2022) và 2,8 tỷ đồng (quý 3/2022) trước khi bất ngờ tăng đột biến lên mức 96,3 tỷ đồng trong quý cuối năm 2022 - mức cao nhất kể từ quý 4/2017.
Năm 2022, SJS ghi nhận doanh thu hợp nhất kiểm toán đạt 380 tỷ đồng; lợi nhuận trước thuế ghi nhận mức 176 tỷ đồng - vượt 21% chỉ tiêu nhờ đột biến kinh doanh trong quý 4.
Tại Biên bản ĐHCĐ thường niên 2023 ngày 17/3 vừa qua, SJS đã thông qua kế hoạch doanh thu với 1.145 tỷ đồng và 320 tỷ lợi nhuận trước thuế - tăng lần lượt 200% và 82% so với năm 2022. Cổ tức chi trả dự kiến với tỷ lệ 10%.
Tại Đại hội, cổ đông cũng chất vấn lãnh đạo công ty nhiều vấn đề nổi cộm nhiều năm qua trong đó có câu chuyện nợ cổ tức kéo dài, câu chuyện tăng vốn, đổi tên, chuyện về quỹ đất - pháp lý - tiến độ triển khai/chuyển nhượng dự án, tính khả thi đối với các mục tiêu kinh doanh năm 2023,...
Những vấn đề nhức nhối nhiều năm qua tại Sudico
Cổ đông mã số 035 chất vấn: "Tình hình triển khai cụ thể các dự án của công ty nhất là dự án Tiến Xuân?
Sau khi Nhà nước thoái vốn tại Sudico, cổ đông luôn mong chờ và kỳ vọng vào một sự phát triển bùng nổ của công ty nhưng thực tế qua các báo cáo tại ĐHCĐ chưa thấy thay đổi gì so với trước đây; nợ cổ tức từ các năm trước vẫn chưa trả, việc tăng vốn vẫn chưa thực hiện, kế hoạch sản xuất kinh doanh năm 2023 khá khiêm tốn. HĐQT công ty cho biết nguyên nhân của những tồn tại trên? Giải pháp cụ thể để thực hiện thành công kế hoạch năm 2023 là gì nếu không phải là biện pháp điều chỉnh kế hoạch?
Đề nghị thực hiện đầy đủ các cam kết với cổ đông, với khách hàng để nâng cao uy tín trên thị trường, làm cơ sở để tiêu thụ sản phẩm nhanh với giá cao.
Cổ đông mã số 022 nêu vấn đề: Việc điều chỉnh kế hoạch kinh doanh năm 2022 là cách hợp thức hoá tỷ lệ hoàn thành kế hoạch cuối năm với tỷ lệ bằng hoặc lớn hơn 100%. Kế hoạch sản xuất kinh doanh được ĐHCĐ thường niên thông qua là tiêu chí cao nhất để công ty hoạt động. Vậy tại sao phải điều chỉnh kế hoạch? Có phải là Ban điều hành chưa đủ năng lực không? Giải pháp cụ thể để thực hiện thành công kế hoạch kinh doanh 2023 là gì nếu không phải là biện pháp điều chỉnh kế hoạch?
Trên thị trường, Sudico nổi tiếng về việc nợ cổ tức kéo dài, việc này ảnh hưởng rất lớn đến uy tín của công ty. Đề nghị HĐQT giải thích rõ về việc nợ cổ tức này. Trong kế hoạch sản xuất kinh doanh năm 2023, SJS cho biết sẽ đồng thời triển khai 7 - 8 dự án. Giải pháp tài chính để thực hiện đầu tư các dự án này như thế nào?
Với điều kiện thị trường hiện nay khó thực hiện việc huy động vốn để triển khai thực hiện đầu tư dự án, Sudico có phương án phân kỳ để đầu tư đạt hiệu quả cao không?
Cổ đông mã số 036 chất vấn: Cơ sở và tính khả thi để SUDICO đưa ra những giải pháp thực hiện kế hoạch kinh doanh năm 2023? Ban lãnh đạo có tự tin để thực hiện thành công các chỉ tiêu này không? Đề nghị trình bày cụ thể về dòng tiền để thực hiện các dự án theo kế hoạch đề ra?
Một cổ đông khác cũng chất vấn về vai trò của "cổ đông mới" (Đầu tư An Phát) tại Sudico.
Phúc đáp về việc kinh doanh tại các dự án, lãnh đạo SJS cho biết: "Hiện tại, trong năm 2023 các dự án có sản phẩm đủ điều kiện triển khai kinh doanh là: Dự án Nam An Khánh, Dự án Văn La, Dự án Bắc đường Trần Hưng đạo. Sudico sẽ triển khai kinh doanh khi thị trường phục hồi và kinh doanh trước tại các dự án có khả năng sinh lời thấp (Dự án Văn La) để lấy nguồn vốn đầu tư và phát triển dự án.
Nếu chưa kinh doanh do thị trường còn xấu thì đây chính là tài sản bảo đảm để vay các tổ chức tín dụng hoặc phát hành trái phiếu. Công ty sẽ triển khai đầu tư phát triển dự án và kinh doanh để gia tăng giá trị sản phẩm bán và không có phương án chuyển nhượng cho các nhà đầu tư thứ cấp.
Về việc trả cổ tức và tăng vốn, Sudic chưa trả cổ tức các năm 2018 - 2019 - 2020 - 2021 tỷ lệ 26% và phát hành cổ phiếu tăng vốn tỷ lệ 84% (dự kiến phát hành 126,34 triệu cổ phiếu) vì cần dòng tiền để triển khai đầu tư - phát triển dự án khác. Tuy việc này gây ra những khó khăn nhất thời cho các cổ đông nhưng các cổ đông có thể yên tâm về sự phát triển lâu dài, bền vững của công ty trong tương lai.
Trong khi đó, với kế hoạch tăng vốn, SJS sẽ thực hiện việc phát hành cổ phiếu theo phương án đã được ĐHCĐ thường nên 2022 thông qua và tiếp tục xây dựng phương án tăng vốn điều lệ phù hợp với chiến lược đầu tư phát triển của công ty đúng theo quy định của pháp luật và trình cổ đông thông qua vào thời gian gần nhất.
Phần trả lời chất vấn cổ đông của Sudico liên quan đến pháp lý các dự án (Nguồn: Biên bản họp ĐHCĐ thường niên 2023) |
"Sông Đà" - nhóm doanh nghiệp chuyên "khất nợ cổ tức" kinh doanh ra sao trong quý 2/2022?
Sudico (SJS) có gì thú vị để "doanh nghiệp kín tiếng" Đầu tư An Phát "nhảy vào"?
Lộ diện ‘tân binh’ đầu tiên chào sàn chứng khoán trong năm 2025
HNX công bố cổ phiếu đầu tiên bị hủy niêm yết trong năm 2025