Nhìn lại giai đoạn từ quý I/2020 đến nay, có thể thấy tình hình kinh doanh của Tổng CTCP Sông Đà (SJG) biến động khá trồi sụt. Thậm chí có quý lợi nhuận chỉ vỏn vẹn 8 tỷ đồng trong khi "nắm tóc" cả chục công ty con...
Đến thời điểm hiện tại, nhiều doanh nghiệp nhóm "Sông Đà" đã công bố kết quả kinh doanh quý II và bán niên 2022.
Bên cạnh một số chưa công bố như SD3, SD4, SD7,... hoặc đã hủy tư cách công ty đại chúng như SD2 (hủy niêm yết ngày 29/7/2022), bức tranh kinh doanh của nhóm về cơ bản đã hiện ra rõ nét với gương mặt đại diện là Tổng CTCP Sông Đà (Mã SJG - UPCoM).
Ghi nhận tại báo cáo tài chính quý II/2022, Tổng CTCP Sông Đà đang có 19 công ty con (quản lý trực tiếp và gián tiếp) và 11 công ty liên kết.
Theo đó, doanh thu hợp nhất quý II/2022 của SJG ghi nhận ở mức 1.560 tỷ đồng - tăng 77% so với quý I song lại giảm nhẹ so với cùng kỳ năm 2021. Giá vốn bán hàng giảm đáng kể so với cùng kỳ giúp biên lãi gộp cải thiện đáng kể (đạt 27,6%) so với mức 18,1% của cùng kỳ năm 2021.
Trong kỳ, doanh thu hoạt động tài chính của SJG bất ngờ tăng đột biến lên mức 3.128 tỷ đồng so với mức (-86 tỷ đồng trong quý I); chi phí tài chính cũng tăng lên mức 583 tỷ đồng và chi phí quản lý doanh nghiệp tăng 1.378% so với quý II/2021 lên mức 1.685 tỷ đồng (trong đó có khoản trích lập dự phòng nợ phải thu khó đòi hơn 1.530 tỷ - cùng kỳ mức này chỉ là hơn 8 tỷ).
Được biết hồi đầu tháng 4 vừa qua, Sông Đà đã bán thành công hơn 41,7 triệu cổ phiếu SJS (đấu giá tại HNX) - tương ứng 36,65% cổ phần của CTCP Đầu tư Phát triển Đô thị và Khu công nghiệp Sông Đà - Sudico (Mã SJS - HNX) với giá 102.000 đồng/cổ phiếu qua đó thu về 4.258 tỷ đồng.
Sau trừ các khoản thuế, phí,... SJG báo lợi nhuận sau thuế đạt 1.028 tỷ đồng - gấp 11,6 lần cùng kỳ và gấp gần 18 lần so với quý trước đó. Lãi sau thuế của công ty mẹ đạt 960 tỷ đồng.
Nhìn lại kết quả kinh doanh quý từ đầu 2020 đến nay, có thể thấy tình hình kinh doanh của doanh nghiệp này biến động khá trồi sụt. Thậm chí có quý lợi nhuận chỉ vỏn vẹn hơn 8 tỷ đồng.
Sau khi ghi nhận sự lao dốc về lợi nhuận trong quý I/2022, SJG bất ngờ lãi lớn quý II với việc ghi nhận khoản doanh thu khổng lồ từ hoạt động tài chính. Tuy nhiên, phía Sông Đà đã không có thuyết minh chi tiết về khoản thu này.
Lũy kế 6 tháng đầu năm, Tổng CTCP Sông Đà đạt doanh thu hợp nhất ở mức 2.443 tỷ đồng - bằng 83% so với thực hiện cùng kỳ 2021; lãi sau thuế đạt 1.086 tỷ đồng (YoY đạt 88,3 tỷ); lãi sau thuế công ty mẹ ở mức 969 tỷ. Lợi nhuận sau thuế chưa phân phối đến cuối quý đạt 1.569 tỷ đồng.
Tính đến 30/6/2022, tổng tài sản của SJG đạt 25.565 tỷ đồng (trong đó lượng tiền mặt và tương đường tăng mạnh từ mức 472 tỷ đồng hồi đầu năm lên mức 2.432 tỷ đồng); nợ phải trả nhích lên 17.251 tỷ đồng; vốn chủ sở hữu ở mức 8.313 tỷ đồng.
Sông Đà 9 (SD9) lãi bán niên tăng 34% YoY, cổ phiếu hồi về sát mệnh giá
Truyền thống "khất nợ" cổ tức
Kể từ ngày lên UPCoM tháng 2/2018, nhà đầu tư chưa một lần được SJG chia cổ tức. Trong khi đó, nhiều doanh nghiệp “họ” Sông Đà khác cũng “khất” cổ tức nhiều năm liền. Đơn cử như (Sudico) hồi cuối năm 2021 từng thay đổi thời gian trả cổ tức năm 2016 (tỷ lệ 10%) và năm 2017 (tỷ lệ 10%) sang ngày 30/12/2022 thay vì cuối năm. Đây là lần thứ 7 Sudico khất nợ thanh toán khoản cổ tức hàng trăm tỷ đồng cho cổ đông.
CTCP Sông Đà 6 (Mã SD6 : HNX) từng thay đổi thời gian trả phần cổ tức còn lại của năm 2015 (tỷ lệ 5%) và đợt 1 năm 2016 (tỷ lệ 5%) từ ngày 20/10/2021 sang 30/12/2021 vì lý do chưa đảm bảo dòng tiền để thanh toán.
Một cái tên khác là CTCP Sông Đà 4 (Mã SD4 - HNX) cũng dời lịch trả cổ tức năm 2016 sang ngày 30/6/2022.
Theo Điều 135 Luật Doanh nghiệp, cổ tức phải được thanh toán đầy đủ trong thời hạn 6 tháng kể từ ngày kết thúc họp ĐHCĐ thường niên. HĐQT lập danh sách cổ đông được nhận cổ tức, xác định mức cổ tức được trả đối với từng cổ phần, thời hạn và hình thức trả chậm nhất là 30 ngày trước mỗi lần trả cổ tức.
Dù không có doanh nghiệp nào tuyên bố “không trả” nhưng với bức tranh tài chính không mấy sáng sủa như tại Sông Đà 4, cổ đông ít có hy vọng nhận được khoản cổ tức "thâm niên" này.
Mới nhất, cuối tháng 7 vừa qua, Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX) đã có thông báo về việc duy trì diện hạn chế giao dịch trên UPCoM đối với 56 cổ phiếu do các tổ chức đăng ký giao dịch chậm/không công bố thông tin họp ĐHCĐ thường niên 2022 kể từ khi kết thúc năm tài chính 31/12/2021.
Trong danh sách này có sự góp mặt của 8 mã cổ phiếu họ "Sông Đà" cùng loạt gương mặt trong lĩnh vực xây dựng, xây lắp. Từng là nhóm cổ phiếu vang bóng một thời, tuy nhiên việc kinh doanh kém hiệu quả, thậm chí thua lỗ khiến không ít doanh nghiệp nhóm này bị "đuổi" khỏi các sàn HNX/HOSE và về giao dịch trên UPCoM.
Chiêm ngưỡng vẻ đẹp của cây cầu treo giữa lòng hồ thủy điện, bắc qua ‘vịnh Hạ Long của Tây Bắc’
Nước hồ Đầm Bài xuống thấp, nhiều khu vực dùng nước sông Đà bị cắt nước